Bệnh Bạch hầu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh lây nhiễm
Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan
12 Tháng bảy, 2024
Bệnh bạch hầu từng là cơn ác mộng trong lịch sử khi gây ra hàng loạt ca lây nhiễm và tử vong.Kể từ năm 1923, khi vắc xin bạch hầu ra đời, con người đã được bảo vệ hiệu quả trước loại vi khuẩn nguy hiểm này.Theo WHO, bạch hầu là bệnh có tỷ lệ tử vong lên đến 20%, trong đó tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ, trẻ thanh thiếu niên ngày càng tăng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có thêm thông tin để sớm nhận diện triệu chứng của bệnh lý này.
Bệnh bạch hầu (tên tiếng anh là Diphtheria) là bệnh nhiễm trùng cấp tính làm xuất hiện giả mạc dày dai, trắng ngà, bám chặt và lan nhanh bao phủ toàn bộ vòm họng, mũi, tuyến hạnh nhân, thanh quản. Bệnh còn có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác (kết mạc mắt, bộ phận sinh dục,…).
Bệnh bạch hầu có thể xuất hiện ở da, các niêm mạc khác như tai, kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng, vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Bệnh bạch hầu bắt nguồn từ đâu?
Bệnh bạch hầu được “cha đẻ của nền y học” Hippocrates mô tả lần đầu tiên vào thế kỷ thứ V trước Công Nguyên. Một số tài liệu y học cũng đã ghi nhận sự hoành hành của bệnh này ở Syria và Ai Cập cổ đại. Các đợt bùng phát bệnh nghiêm trọng bắt đầu sau năm 1700. Năm 1883 – 1884, các nhà khoa học đã tìm ra vi khuẩn gây bệnh.
Trên thế giới từng ghi nhận những đợt bùng phát bệnh bạch hầu trong những năm 80 của thế kỷ 20 tại các quốc gia như Nga, Ukraina,… do việc gián đoạn tiêm chủng. Năm 1994, có hơn 39.000 bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu tại Nga, trong đó có đến 1.100 trường hợp tử vong.
Tại Việt Nam, năm 1983 có đến gần 3.500 ca bệnh bạch hầu. Nhờ vào vắc xin phòng ngừa bệnh, tỷ lệ ca bệnh đã giảm nhanh chóng sau đó. Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ năm 1984 đến nay, tỷ lệ mắc bạch hầu tại nước ta liên tục giảm, tương ứng với sự gia tăng tỷ lệ trẻ được tiêm chủng bạch hầu – ho gà – uốn ván.
Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu
Xem thêm
Tác nhân gây ra bệnh bạch hầu là vi khuẩn gram dương, hiếu khí Corynebacterium diphtheriae, tồn tại dưới 3 dạng gồm: Gravis, Mitis và Intermedius. Khi nhìn qua kính hiển vi có hình dáng thẳng hoặc cong nhẹ, không di động, không có vỏ, không sinh bào tử. Vi khuẩn bạch hầu phát triển tốt trong môi trường thông thoáng. Đặc biệt, chúng phát triển nhanh trong môi trường có máu và huyết thanh.
Vi khuẩn này có sức đề kháng cao khi ở môi trường bên ngoài và chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhầy bao quanh cơ thể, vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày, thậm chí là vài tuần. Một đặc điểm khác của vi khuẩn bạch hầu là sự nhạy cảm với các yếu tố lý, hóa. Dưới ánh sáng mặt trời, vi khuẩn sẽ chết sau vài giờ. Với nhiệt độ 58 độ C vi khuẩn sống được 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ thì vi khuẩn có thể sống được 1 phút.
Đường lây của bệnh Bạch hầu
Vi khuẩn bạch hầu rất dễ lây lan. Chúng lây theo đường hô hấp khi nói chuyện, hắt hơi, ho… giọt bắn có chứa vi khuẩn hòa vào không khí, người khỏe mạnh hít phải, nếu cơ thể chưa có miễn dịch chống vi khuẩn bạch hầu sẽ mắc bệnh.
Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu cũng có thể lây nhiễm gián tiếp khi tiếp xúc với các vật dụng có dính chất bài tiết hoặc giọt bắn có chứa vi khuẩn bạch hầu. Thời gian ủ bệnh trong khoảng 2 – 5 ngày hoặc hơn kể từ khi nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Chuyên gia cho biết thời kỳ lây bệnh thường không cố định: có thể kéo dài khoảng đến 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít nhất là trên 4 tuần.
Phân loại bệnh bạch hầu
Bạch hầu cổ điển:Bệnh bạch hầu cổ điển là loại bạch hầu phổ biến nhất, ảnh hưởng đến toàn bộ vùng hô hấp trên bao gồm mũi, cổ họng, amidan và thanh quản. Các triệu chứng bệnh có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí bị ảnh hưởng trong cơ thể người bệnh.
Bạch hầu họng, mũi:Người bệnh mệt mỏi, ăn kém, đau cổ họng bởi giả mạc dày và dai trắng ngà, bám chắc vào amidan hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng vòm họng. Trong một số trường hợp bệnh diễn tiến nặng khiến người bệnh xuất hiện các hạch cổ và sưng nề vùng dưới hàm. Trường hợp nhiễm độc nặng hơn người bệnh sẽ tái mặt, mạch nhanh dần dần đờ đẫn, hôn mê, nếu không được điều trị tích cực có thể tử vong nhanh chỉ trong vòng 6-10 ngày.
Bạch hầu thanh quản:thường xuất hiện với các giả mạc tại thanh quản hoặc từ vòm họng lan xuống dưới. Bệnh tiến triển tranh và đặc biệt nguy hiểm, nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời, giả mạc này có thể phát triển làm tắc đường thở khiến người bệnh suy hô hấp và rơi vào tử vong nhanh chóng.
Bạch hầu ác tính (bạch hầu cấp):xuất hiện trong giai đoạn sớm của bệnh, thường từ ngày 3-7 kể từ khi khởi phát. Người bệnh sốt cao từ 39-40 độ C vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc nặng, giả mạc trắng ngà lan rộng, hạch cổ sưng to làm biến dạng cổ dẫn đến hình cổ bạnh.
Bạch hầu ngoài da:Đây là loại bạch hầu hiếm gặp nhất, đặc trưng bởi phát ban da, xuất hiện vết loét hoặc mụn nước ở bất kỳ đâu trên cơ thể. Bệnh bạch hầu da phổ biến hơn ở các quốc gia thuộc vùng khí hậu nhiệt đới hoặc những nơi có mật độ dân cư đông đúc, điều kiện sống và vệ sinh chưa được tốt.
Tuỳ vào vị trí mà vi khuẩn xâm nhập và gây tổn thương trên cơ thể người bệnh mà người bệnh bạch hầu có thể gặp những triệu chứng khác nhau, cụ thể:
Bệnh bạch hầu mũi: Bệnh nhân sổ mũi, chảy ra chất mủ nhầy đôi khi có máu, có màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.
Bệnh bạch hầu họng và amidan: Bệnh nhân mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2 – 3 ngày xuất hiện hoại tử, tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ, làm cổ bạnh ra đôi khi gây khó thở, nhất là ở trẻ nhỏ. Những trường hợp nhiễm độc nặng bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Nếu không được điều trị tích cực, những bệnh nhân này có thể tử vong trong vòng 6 đến 10 ngày.
Bạch hầu thanh quản: Là thể bệnh tiến triển nhanh và nguy hiểm. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, khàn tiếng, ho, các giả mạc xuất hiện tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được điều trị kịp thời, các giả mạc có thể gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp và tử vong nhanh chóng.
Biến chứng của bệnh bạch hầu
Thông thường, bệnh bạch hầu có thể sẽ để lại những biến chứng sau:
Tắc nghẽn đường thở: Khi mắc bệnh bạch hầu, màng dày hình thành trong cổ họng của người bệnh có thể chặn đường thở, dẫn đến khó thở và trong những trường hợp nghiêm trọng có thể gây tử vong.
Viêm cơ tim: Độc tố bạch hầu có thể gây tổn thương cơ tim, dẫn đến viêm cơ tim, nhịp tim bất thường, suy tim, thậm chí dẫn đến tử vong đột ngột.
Biến chứng thần kinh: Trong một số trường hợp hiếm gặp, độc tố bạch hầu có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh dẫn đến các biến chứng như tê liệt hoặc tổn thương các chức năng thần kinh.
Nhiễm trùng toàn thân: Vi khuẩn bạch hầu có thể lây lan qua máu, dẫn đến nhiễm trùng toàn thân (nhiễm trùng huyết), suy đa tạng và sốc nhiễm trùng.
Lở loét da: Với trường hợp bị bạch hầu da, người bệnh thường gặp biến chứng lở loét da. Tuy nhiên, biến chứng này thường ít nghiêm trọng hơn, mặc dù vết thương có thể lâu lành nhưng không gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Tử vong: Nếu không được điều trị kịp thời, các trường hợp bệnh bạch hầu nghiêm trọng có thể gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ nhỏ hoặc những người có hệ miễn dịch yếu.
Phác đồ điều trị bệnh bạch hầu
Huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD)
Sử dụng ngay khi nghi ngờ mắc bệnh. Liều lượng phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh, không phụ thuộc vào lứa tuổi và cân nặng. Cần test trước khi tiêm, nếu dương tính thì áp dụng phương pháp giải mẫn cảm (Besredka).
Trong thể nặng, có thể xem xét truyền tĩnh mạch SAD (cần theo dõi sát các dấu hiệu phản vệ và chuẩn bị sẵn sàng để cấp cứu phản vệ nếu xảy ra).
Kháng sinh
Penicillin G: 50.000 – 100.000 đơn vị/kg/ngày chia 2 lần, tiêm bắp 14 ngày cho đến khi hết giả mạc.
Hoặc Erythromycin uống: trẻ em 30-50mg/kg/ngày; người lớn 500mg x 4 lần/ngày dùng 14 ngày cho đến khi hết giả mạc.
Hoặc Azithromycin: trẻ em: 10-12mg/kg/ngày, người lớn: 500mg/ngày x 14 ngày.
Các điều trị khác
Hỗ trợ hô hấp: tùy mức độ suy hô hấp mà can thiệp mở khí quản, liệu pháp oxy hoặc thở máy.
Hỗ trợ tuần hoàn: cung cấp đầy đủ nước điện giải theo nhu cầu. Nếu có sốc sau bù dịch đủ nên dùng thuốc vận mạch để đảm bảo huyết áp trung bình ≥ 65mmHg và Lactat máu < 2 mmol/l kết hợp đánh giá quá tải dịch.
Cân bằng nước điện giải.
Nếu bệnh nhân có rối loạn nhịp tim có thể dùng máy tạo nhịp tạm thời.
Với trường hợp viêm cơ tim điều trị theo phác đồ viêm cơ tim.
Bệnh nhân có suy đa tạng, suy thận có thể lọc máu liên tục nếu có chỉ định.
Có thể sử dụng corticoid trong trường hợp bạch hầu ác tính và bạch hầu có phù nề nhiều.
Đảm bảo dinh dưỡng: tĩnh mạch hoàn toàn hay kết hợp qua đường tiêu hóa tùy thuộc tình trạng người bệnh.
Cách phòng ngừa bệnh bạch hầu
Tiêm chủng vắc xin bạch hầu cho trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi, trẻ em dưới 15 tuổi, người già có bệnh nền mạn tính, người suy giảm miễn dịch, người sống trong gia đình có người mắc bạch hầu, người chăm sóc bệnh nhân bạch hầu… Vắc xin phòng bệnh bạch hầu hiện nay có mặt trong tất cả các loại vắc xin kết hợp như: 3 trong 1, 4 trong 1, 5 trong 1 hay 6 trong 1 dành cho trẻ từ độ tuổi 6 tuần tuổi cho đến 6 tuổi.
Trẻ em từ 2 tháng tuổi đã có thể bắt đầu các tiêm bạch hầu với các mũi tiêm cơ bản lúc 2 – 3 – 4 tháng tuổi và tiêm liều nhắc lại lúc trẻ 16 đến 18 tháng tuổi; 4 đến 7 tuổi; 9 đến 15 tuổi. Ngoài ra, những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh như phụ nữ có dự định mang thai hoặc đang mang thai, người lớn, người cao tuổi từ 50 tuổi trở lên; người già có bệnh nền mạn tính,… cũng cần tiêm mũi nhắc bạch hầu.
Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; che miệng khi hắt hơi hoặc ho; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.
Đảm bảo không gian nhà ở, trường học, các nơi công cộng sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.
Người dân sống trong vùng có ổ dịch bạch hầu cần chấp hành nghiêm túc các chỉ định của cơ quan y tế về cách y, uống thuốc và tiêm phòng vắc xin đầy đủ.
Bệnh bạch hầu có tốc độ lây lan rất nhanh, biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là tỷ lệ tử vong cao. Do đó, dù là trẻ em hay người lớn cũng cần tiêm vắc xin đủ liều, đúng lịch, đồng thời đến bệnh viện điều trị ngay nếu phát hiện những triệu chứng bệnh, tránh những biến chứng nguy hiểm và hệ lụy đáng tiếc về sau.Nếu thấy hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân nhé!