BỆNH LOÃNG XƯƠNG: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ ĐIỀU TRỊ
Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan
12 Tháng Một, 2024
Loãng xương là một trong những bệnh lý thường gặp khi tuổi càng cao. Bệnh lý này nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm.Hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân loãng xương , triệu chứng và điều trị qua bài viết dưới đây nhé!
Loãng xương (xốp xương, giòn xương) là tình trạng xương liên tục mỏng dần. Mật độ xương giảm dần theo thời gian khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và bị gãy dù chỉ với chấn thương nhẹ. Gãy xương do loãng xương có thể xảy ra ở bất kỳ xương nào.
Thường gặp là gãy xương cột sống, xương đùi và xương cẳng tay. Một số xương khi bị gãy sẽ không có khả năng lành lại như xương cột sống và xương đùi.
Nguyên nhân gây loãng xương
Xương liên tục được hình thành và tiêu hủy. Thông thường, sự tạo xương và hủy xương diễn ra gần như cân bằng.
Mất xương xảy ra ở tốc độ khoảng 0,3 đến 0,5%/năm. Bắt đầu từ thời kỳ mãn kinh, mất xương sẽ tăng nhanh ở phụ nữ, lên khoảng 3 đến 5%/năm trong khoảng 5 đến 7 năm và sau đó tỷ lệ mất xương sẽ giảm.
Loãng xương nguyên phát:
Khi bạn già đi, quá trình mất xương sẽ diễn ra nhanh hơn trong khi quá trình phát triển xương mới lại chậm đi.Cơ chế gây bệnh bắt đầu từ sự lão hóa từ tạo cốt bào.
Tình trạng này làm mất cân bằng giữa số lượng tế bào xương mới được tái tạo và các mô xương bị hủy dẫn đến tình trạng giảm mật độ xương.
Hầu hết các trường hợp xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh và nam giới lớn tuổi.
Loãng xương thứ phát:
Loãng xương thứ phát thường xác định được nguyên nhân rõ ràng. Sự khởi phát của tình trạng loãng xương này chủ yếu liên quan tới các bệnh mạn tính trong cơ thể hoặc thói quen sử dụng thuốc không đúng. Các nguyên nhân dẫn tới loãng xương thứ phát thường gặp gồm:
Bệnh cường giáp
Đái tháo đường,Bệnh gan mạn tính
Có tiền sử cắt dạ dày
Nhiễm sắc tố sắt và các bệnh lý di truyền khác
Cơ thể bị thiếu hụt dưỡng chất
Sử dụng các loại thuốc lợi tiểu trong thời gian dài hoặc lạm dụng quá mức những thuốc như corticoid, heparin
Mắc các bệnh lý cột sống
Viêm khớp dạng thấp
Mắc bệnh đa u tủy xương (Kahler) và những bệnh ung thư khác
Nguy cơ
Xem thêm
Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) loãng xương?
Phụ nữ sau mãn kinh.
Tiền sử gia đình có người bị loãng xương.
Người bất động hoặc ít vận động trong thời gian dài.
Người thường xuyên dùng một số loại thuốc như glucocorticoid, thuốc chống co giật, medroxyprogesterone, thuốc ức chế aromatase, rosiglitazone,…
Những người bị bệnh nội tiết như cường cận giáp, suy sinh dục,
Dấu hiệu của bệnh loãng xương
Loãng xương không có triệu chứng rõ ràng, thường khi xuất hiện các biểu hiện thì bệnh đã ở mức độ nặng
Giảm mật độ xương: Tình trạng này khiến xương cột sống có thể bị xẹp, gãy lún. Người bệnh thường bị các cơn đau lưng cấp, giảm chiều cao, dáng đi lom khom, gù lưng.
Đau nhức đầu xương: Đây là triệu chứng người bệnh dễ nhận thấy nhất khi bị giảm mật độ xương. Bệnh sẽ gây mỏi dọc các xương dài, thậm chí là bị đau nhức toàn thân như kim chích
Đau tại vùng xương chịu trọng lực của cơ thể, các xương này gồm: xương cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối. Các cơn đau tái phát nhiều lần sau chấn thương. Người bệnh thường bị đau âm ỉ kéo dài. Cơn đau tăng dần khi vận động, di chuyển, đứng ngồi lâu; thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
Đau tại cột sống, thắt lưng hay hai bên liên sườn: Tình trạng này làm ảnh hưởng tới những dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh đùi và thần kinh tọa.
Đối với những người ở lứa tuổi trung niên, loãng xương thường đi kèm với các dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch, thoái hoá khớp, cao huyết áp,…
Loãng xương có thể dẫn đến gãy xương tự phát hoặc gãy xương do các tai nạn nhỏ và thậm chí là các hoạt động cần dùng sức không quá nặng nề.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh cần thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc tham khảo ý kiến bác sỹ ngay khi có bất kỳ bất thường nào về xương khớp.
Chẩn đoán loãng xương
Để kiểm tra bệnh loãng xương, bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh và khám sức khỏe tổng thể, cũng có thể tiến hành xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra các tình trạng có thể gây mất xương
Đo loãng xương hoặc đo mật độ xương (Bone Mineral Density – BMD) là kỹ thuật dùng tia X năng lượng kép (DXA hoặc DEXA) hoặc chụp CT để xác định hàm lượng canxi, các khoáng chất có trong xương
Xét nghiệm máu và nước tiểu
Máy đo mật độ khoáng xương Prodigi (GE/Mexico)
Cách điều trị loãng xương
Mục tiêu điều trị loãng xương là bảo vệ khối lượng xương, ngăn ngừa gãy xương, giảm đau và duy trì chức năng.
Điều trị loãng xương bằng cách kết hợp giữa phương pháp không dùng thuốc và dùng thuốc
Phương pháp không dùng thuốc
Chế độ ăn uống: Người bệnh nên bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi theo nhu cầu của cơ thể và tránh uống rượu bia, hút thuốc lá. Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm soát tốt cân nặng, tránh tình trạng thừa cân hoặc thiếu cân.
Chế độ sinh hoạt: Bạn nên vận động cơ thể thường xuyên để tăng sự dẻo dai cho cơ bắp. Ngoài ra, người bệnh cần cẩn trọng trong sinh hoạt để phòng tránh té ngã.
Có thể sử dụng những dụng cụ, nẹp chỉnh hình giảm sự tỳ đè lên cột sống, đầu xương, xương vùng hông.
Bổ sung canxi và vitamin D nếu từ nguồn thức ăn không đủ, sao cho tổng lượng canxi và vitamin D: Canxi: 1200-1500mg/ngày, vitamin D: 800-1000UI/ngày.
Phương pháp dùng thuốc
Bisphosphonat (Alendronate, risedronate, zoledronic acid, ibandronate) là thuốc lựa chọn đầu tay:Bằng cách ức chế sự hủy xương, bisphosphonat bảo vệ khối lượng xương và có thể làm giảm tỷ lệ gãy xương cột sống và xương đùi lên đến 50%.
Calcitonin thường được chỉ định cho người bệnh gãy xương hay bị đau do loãng xương, liều lượng 50 – 100 IU/ngày, cần dùng kết hợp nhóm bisphosphonate.
Chất điều hòa chọn lọc thụ thể estrogen (SERM), Raloxifene (Evista) thường được chỉ định cho nữ giới bị loãng xương sau mãn kinh, liều lượng 60 mg/ngày
Những nhóm thuốc khác :
Strontium ranelate (Protelos): Thuốc tăng cường tạo xương, ức chế hủy xương.
Deca-Durabolin và Durabolin: Thuốc giúp tăng quá trình đồng hóa.
Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Phương pháp phòng ngừa loãng xương hiệu quả
Bổ sung đủ canxi và vitamin D cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống, tham khảo bác sĩ để được tư vấn các loại viên uống bổ sung phù hợp.
Người trong nhóm đối tượng nguy cơ nên được đo loãng xương để kiểm tra và sớm phát hiện ra dấu hiệu loãng xương.
Thường xuyên tập thể dục với cường độ phù hợp để xây dựng một hệ xương chắc khỏe, tăng sự dẻo dai cho cơ bắp, đặc biệt là với người lớn tuổi.
Không hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia và các chất kích thích để tránh gây hại đến xương khớp.
Khi xuất hiện các vấn đề cơ xương khớp (đau xương khớp, đau cơ bắp, chuột rút thường xuyên…), bạn nên đi đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Tránh lạm dụng thuốc giảm đau, chống viêm xương khớp, đặc biệt là corticoid. Lạm dụng các thuốc này có thể làm tình trạng loãng xương thêm trầm trọng, dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.
Thận trọng khi sinh hoạt và làm việc, tránh xảy ra các tai nạn đáng tiế
Hi vọng những thông tin trên giúp bạn hiểu hơn về bệnh Loãng xương và biết cách điều trị cũng như phòng bệnh. Hãy chia sẻ những thông tin hữu ích trên đến mọi người xung quanh bạn nhé!