Bệnh tả: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan
22 Tháng Một, 2024
Bệnh tả là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường tiêu hóa gây ra bởi vi khuẩn tả. Căn bệnh này có thể bùng thành đại dịch nếu không được phát hiện và kiểm soát chặt chẽ.. Cùng nhà thuốc Bạch Mai tìm hiểu về bệnh tả qua bài viết dưới đây nhé!
Bệnh tả là một nhiễm trùng đường ruột cấp tính, do phẩy khuẩn tả Vibrio cholerae gây nên.
Bệnh tả lây truyền qua đường tiêu hóa, theo đường phân – miệng. Người bình thường có thể nhiễm vi khuẩn thông qua việc ăn uống các loại thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh từ chất thải của người bệnh.
Dịch bệnh hay xảy ra ở những địa phương có tập quán sinh hoạt ăn uống lạc hậu, các khu sinh hoạt tập thể. Bệnh chủ yếu xảy ra vào mùa xuân hè
Triệu chứng của bệnh tả
Bệnh cảm tả có nhiều thể khác nhau. Mỗi thể tả sẽ có các triệu chứng khác nhau.Tuy nhiên thể tả điển hình có biểu hiện như sau:
Thời kỳ ủ bệnh: Khi nhiễm phẩy khuẩn tả, thời gian ủ bệnh thường kéo dài vài giờ hoặc vài ngày. Trong thời kỳ này, ở giai đoạn này vi khuẩn đã bắt đầu được đào thải qua phân và lây bệnh cho người khác, người bệnh thường không có biểu hiện lâm sàng.
Thời kỳ khởi phát: Thời kỳ này thường diễn ra rất nhanh, không quá 24 giờ. Có biểu hiện như đầy bụng, sôi bụng, tiêu chảy vài lần.
Thời kỳ toàn phát:đây là thời điểm có nhiều triệu chứng điển hình và tốc độ lây lan là cao nhất. Bệnh nhân đi ngoài phân toàn nước, màu đục như nước vo gạo, nôn mửa nhiều nên dễ bị mất nước, mất điện giải.
Thời kỳ hồi phục: các triệu chứng dần giảm bớt sau từ 1 – 3 ngày bị bệnh. Người bệnh hết mệt mỏi, phân trở lại bình thường nếu được điều trị đúng cách.
Trường hợp nặng, người bệnh có thể sốc do giảm thể tích với các biểu hiện huyết áp tụt, mạch nhanh nhỏ, thiểu niệu hoặc vô niệu. Người bệnh vẫn có thể tỉnh táo, nói thều thào.
Tiêu chảy có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tả
Nguyên nhân gây bệnh tả
Xem thêm
Bệnh tả gây ra bởi phẩy khuẩn tả, có tên khoa học là Vibrio cholerae. Loại vi khuẩn này có kích thước ngắn, hình hơi cong như dấu phẩy, bắt màu gram âm, di động nhanh nhờ lông ở một cực và không sinh nha bào.
Cơ chế gây bệnh: vi khuẩn tả khu trú tại ruột non và phát triển tại chỗ, giải phóng độc tố ruột, gây ra sự tăng gấp bội quá trình vận chuyển nước và điện giải từ trong tế bào ra lòng ruột non gây tình trạng tiêu chảy dữ dội,mất nước nghiêm trọng kèm theo mất các điện giải.
Biến chứng nguy hiểm
Bệnh tả thường có diễn biến nhanh chóng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời:
Sốc: nếu không được bù nước và điện giải kịp thời có thể dẫn đến tình trạng tụt huyết áp, mạch nhỏ yếu, nhịp tim nhanh gây rối loạn tuần hoàn máu và đe dọa tính mạng người bệnh.
Hạ đường huyết: do người bệnh mệt mỏi, không thể ăn uống cùng với niêm mạc ruột non bị tổn thương làm giảm hấp thu các chất dinh dưỡng khiến lượng đường trong máu hạ thấp hơn ngưỡng bình thường.
Nồng độ kali thấp: tiêu chảy trong một thời gian dài khiến một lượng lớn kali trong cơ thể bị mất đi theo đường phân dẫn đến tình trạng hạ kali máu gây ra rối loạn nhịp tim.
Suy thận cấp: do bị mất quá nhiều nước, ảnh hưởng đến thể tích tuần hoàn làm giảm lượng máu được lọc tại thận dẫn đến tăng các chất thải độc hại trong cơ thể
Bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu có những biểu hiện sau:
Đi ngoài phân lỏng, màu trắng như nước vo gạo.
Đau quặn bụng.
Nôn mửa liên tục.
Dấu hiệu mất nước như mệt lả, khô ra, khát nước…
Xuất hiện triệu chứng tiêu hóa khi đang sống trong vùng có nhiều bệnh nhân tả.
Các phương pháp chữa bệnh tả
Nguyên tắc trong điều trị bệnh tả bao gồm: Cách ly người bệnh nhiễm phẩy khuẩn tả, bổ sung nước và điện giải một cách nhanh chóng, đầy đủ, sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn.
Phác đồ điều trị :
Bù nước và điện giải :người bệnh cần tích cực uống nước, ăn cháo loãng hoặc dung dịch oresol để bù đắp lượng dịch đã mất.
Dịch truyền tĩnh mạch: trong trường hợp người bệnh tả có dấu hiệu mất nước nặng, không thể ăn uống thì bác sĩ sẽ truyền dịch, nước điện giải vào cơ thể thông qua tĩnh mạch.
Điều trị bằng kháng sinh
Azithromycin: Có thể dùng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú, trẻ nhỏ dưới 12 tuổi mắc bệnh cảm tả.
Chloramphenicol: Dùng liên tục trong 3 ngày.
Fluoroquinolon: Dùng trong 3 ngày, uống 2 lần/ngày.
Mặc dù người bệnh cảm tả bị tiêu chảy nặng, song tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc có tác dụng làm giảm nhu động ruột như opizoic, atropin…
Bổ sung tinh bột, protein và kẽm để giảm thời gian bị bệnh.
Biện pháp phòng ngừa bệnh tả
Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng.
Duy trì thói quen ăn chín, uống sôi. Đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đảm bảo nguồn nước uống và nước sinh hoạt phải sạch sẽ.
Khi phát hiện trường hợp bị tiêu chảy cấp cần phải nhanh chóng báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để được khám, cách ly và điều trị kịp thời.
Xây dựng nhà vệ sinh tự hoại.
Quét dọn nhà cửa, phát quang bụi rậm để hạn chế sự phát triển của ruồi nhặng.
Rắc vôi bột, sát khuẩn bằng Cloramin B sau mỗi lần đi vệ sinh nếu đang sống tại khu vực có dịch tả.
Không sử dụng phân tươi, nước cống để tưới cho rau màu, hoa quả
Che đậy kỹ thức ăn, tránh để bụi bẩn hoặc ruồi nhặng đậu vào.
Không phóng uế, xả rác thải sinh hoạt xuống sông, hồ, ao.
Sát khuẩn nước bằng Cloramin B trước khi dùng trong sinh hoạt, ăn uống.
Hy vọng bài viết trên đã đem lại cho bạn những kiến thức bổ ích về nguyên nhân, đường lây truyền và cách điều trị bệnh tả. Hãy chia sẻ thông tin này đến với tất cả bạn bè và người thân xung quanh bạn nhé!