Bệnh thủy đậu: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và cách điều trị
Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan
11 Tháng năm, 2024
Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, là bệnh truyền nhiễm thường gặp trong thời tiết giao mùa từ xuân sang hè.Tuy nhiên nếu không biết cách chăm sóc sẽ rất dễ để lại sẹo. Hãy cùng tìm hiểu về thuỷ đậu qua bài viết dưới đây nhé!
Bệnh thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thủy đậu có tên Varicella virus gây ra. Loại virus này là tác nhân gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn.
Bệnh có thể lây lan qua đường hô hấp hoặc do tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với các chất dịch chứa virus.
Đối tượng dễ mắc bệnh thủy đậu
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh thủy đậu có khả năng lây lan và phát triển vô cùng mạnh mẽ, chúng có thể xuất hiện ở mọi nơi trên toàn thế giới. Ở những quốc gia thuộc vùng khí hậu ôn đới, có ít nhất 90% trẻ dưới 15 tuổi bị mắc thủy đậu và tỷ lệ này ở người lớn thậm chí có thể lên đến 95%.
Một số nhóm người sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bao gồm:
Trẻ em dưới 10 tuổi, đây là nhóm có nguy cơ cao nhất.
Người lớn chưa từng mắc bệnh thủy đậu hoặc chưa tiêm vắc xin phòng bệnh cũng dễ bị thủy đậu nếu tiếp xúc với virus. Bệnh thủy đậu ở người lớn thường gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn so với trẻ em, như viêm phổi, viêm não, viêm gan hoặc nhiễm trùng máu.
Ở Việt Nam mùa thủy đậu thường bắt đầu từ giữa tháng 3 và tháng 5 hàng năm, là giai đoạn thời tiết nóng ẩm, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh ngoài môi trường phát triển, lây lan và bùng phát mạnh mẽ trong cộng đồng.
Nguyên nhân gây ra bệnh thủy đậu
Nguyên nhân gây ra bệnh thủy đậu là do virus Varicella Zoster (VZV), cũng là tác nhân gây ra bệnh zona thần kinh (hay còn được gọi là bệnh giời leo) sau khi bệnh thuỷ đậu kết thúc.Vi rút này có kích thước khoảng 150- 200mm, với nhân là AND. Người mắc bệnh sẽ phát ban, nổi mụn nước nhỏ có chứa đầy dịch, gây ngứa. Bệnh rất dễ lây cho những người chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa từng nhiễm vi rút varicella-zoster.
Các đường lây nhiễm của bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu lây qua 3 đường lây truyền :
Bệnh lây qua đường hô hấp khi nói chuyện, hắt hơi, ho do các bọt khí chứa virus sẽ lẫn vào không khí.
Dùng chung vật dụng cá nhân như khăn tắm, quần áo, chăn, nệm, đồ chơi, bàn chải đánh răng với người bị bệnh.
Tiếp xúc trực tiếp chất dịch từ nốt mụn nước của bệnh nhân thuỷ đậu.
Triệu chứng của bệnh thủy đậu
Xem thêm
Thủy đậu có thể diễn biến qua 3 giai đoạn chính, gồm có: Giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn toàn phát và giai đoạn phục hồi.
Giai đoạn ủ bệnh (từ 10 đến 20 ngày):Đây là giai đoạn nhiễm virus, thời kỳ virus trong người và phát bệnh. Giai đoạn này kéo dài từ 10 – 20 ngày. Người mắc bệnh lúc này không có bất kỳ dấu hiệu gì, rất khó để nhận biết.
Giai đoạn toàn phát
Khi bắt đầu phát bệnh, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, chán ăn, nôn ói, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng.
1 – 2 ngày sau đó, trên da người bệnh sẽ xuất hiện các mẩn ngứa màu đỏ khắp các vùng da, với đường kính vài mm, bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Một số người bệnh còn xuất hiện hạch sau tai, viêm họng.
Giai đoạn hồi phục:Đây là giai đoạn khi các mụn nước bắt đầu vỡ ra, khô dần và bong vảy. Thông thường các nốt sẽ đóng vảy sau khoảng 6-7 ngày. Trong quá trình này, bạn nên tránh gãi, cạy vảy vì sẽ làm chậm quá trình lành da và dễ để lại sẹo.
Các biến chứng của bệnh
Thủy đậu là một căn bệnh có bản chất lành tính, bệnh có thể khỏi và phục hồi nhanh chóng sau 7 – 10 ngày mà không gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thủy đậu có thể biến chứng nghiêm trọng
Nhiễm trùng, gây lở loét các vết mụn nước sau khi vỡ, gây chảy máu bên trong. Đây là biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ do không kiêng giữ được như dùng tay để gãi ngứa.
Viêm phổi: Biến chứng này thường xuất hiện ở người lớn vào ngày thứ 3 đến thứ 5 của bệnh, dẫn đến suy hô hấp, phù phổi và gây nguy hiểm đến tính mạng.
Viêm não là biến chứng có thể xảy ra ở trẻ em và người lớn nhưng người lớn gặp nhiều hơn, có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời. Biến chứng thường xuất hiện sau 1 tuần người bệnh nổi mụn nước
Phụ nữ mang thai bị bị thủy đậu, mẹ bầu nếu bị thủy đậu 5 ngày trước khi sinh hoặc 2 ngày sau khi sinh có thể lây nhiễm thủy đậu từ mẹ sang con, bé có thể bị khuyết tật hoặc tử vong.
Gây viêm tai giữa, viêm thanh quản: do các nốt mụn thủy đậu mọc ở khu vực này gây lở loét, nhiễm trùng gây sưng tấy.
Nếu bạn có những đặc điểm sau cần phải đến gặp bác sĩ.
Mụn nước, phát ban.
Mụn nước kèm chóng mặt, mất phương hướng, nhịp tim nhanh, nôn, cứng gáy (không thể gập cổ), sốt cao hơn 38,5 độ C.
Mắc các bệnh làm suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, ung thư hoặc đang sử dụng corticoid liều cao thời gian dài.
Phát ban đỏ, số lượng nhiều.
Các vết phồng rộp trở nên lớn hơn, vết loét hở và chảy mủ.
Điều trị bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu hiện nay chưa có thuốc đặc trị, chỉ có các loại thuốc và phương pháp hỗ trợ điều trị.
Dùng thuốc
Sử dụng Acyclovir qua đường uống với liều lượng 800mg 5 lần mỗi ngày trong vòng 5 – 7 ngày, đặc biệt hiệu quả khi bắt đầu sử dụng trong 24 giờ đầu sau khi bắt đầu xuất hiện những phát ban đầu tiên. Đối với trẻ em dưới 12 tuổi, liều lượng có thể điều chỉnh theo tỷ lệ trọng lượng cơ thể là 20 mg/kg và sử dụng mỗi 6 giờ một lần.
Với các nốt mụn nước trên cơ thể, dùng thuốc tím để bôi lên nốt mụn nước nhằm kháng viêm và ngăn ngừa sẹo hình thành.
Khi mụn nước bị vỡ ra, có thể sử dụng dung dịch xanh Methylen bôi lên. Tuyệt đối không được dùng thuốc bôi mỡ Tetaxilin và mỡ Penixilin hay thuốc đỏ.
Tuyệt đối không dùng kem trị ngứa có chứa Phenol ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và phụ nữ mang thai.
Các lưu ý chăm sóc khi bị bệnh:
Mặc đồ rộng, vải mềm và dễ thấm hút mồ hôi để tránh làm vỡ các nốt mụn nước, cần tránh ra gió nhiều.
Không gãi vào các nốt mụn nước thủy đậu, tránh để dịch lây lan ra nhiều hơn.
Giữ gìn vệ sinh cơ thể bằng các dung dịch sát khuẩn, sử dụng nước ấm để tắm rửa nhẹ nhàng, không dùng nước lạnh hoặc nước quá nóng.
Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, đậu hũ.
Tránh thực phẩm cay, dầu mỡ hoặc có tính acid như ớt, dứa, đồ chiên rán.
Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất để nâng cao hệ miễn dịch, tăng cường khả năng đề kháng của cơ thể.
Tại khu vực phòng bệnh tại nhà phải thoáng khí, tránh gió lùa.
Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh răng miệng, vệ sinh tai mũi họng, luôn giữ cho da khô sạch, không để trẻ gãi gây vỡ mụn nước.
Biện pháp phòng ngừa
Tiêm vaccine ngừa thủy đậu cho người chưa nhiễm bệnh:Hiện nay, có 3 loại vắc xin ngừa thủy đậu có mặt trên thị trường, đó là Varivax (Mỹ), Varicella (Hàn Quốc) và Varilrix (Bỉ). Cả 3 loại vắc xin này đều có chung cơ chế phòng ngừa và không cần tiêm nhắc lại mỗi năm.
Lịch tiêm gồm:
Mũi 1: Tiêm khi trẻ trên 1 tuổi.
Mũi 2: Trẻ từ 1 – 13 tuổi: tiêm cách mũi 1 tối thiểu 3 tháng. Trẻ 13 tuổi trở lên: Tiêm cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn các kiến thức cơ bản về bệnh thuỷ đậu. Nếu bạn thấy bài viết này hay và hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân nhé!