Bong gân: Nguyên nhân, dấu hiệu, biến chứng và cách chữa trị
Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan
20 Tháng tư, 2024
Bong gân là một trong các chấn thường gặp ở mọi lứa tuổi khi vận động quá mạnh hoặc sai cách trong sinh hoạt, lao động. Bong gân cần được xử trí đúng cách để tránh đau đớn cũng như ngăn ngừa nguy cơ dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng.Hãy cùng Nhà thuốc Bạch Mai tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Bong gân là tình trạng dây chằng (cấu trúc nối giữa 2 hoặc nhiều xương quanh 1 khớp) bị căng quá mức hoặc bị rách gây đau, giảm hoặc mất vận động khớp. Vị trí bong gân thường gặp nhất là khớp cổ chân.
Bong gân khác với căng cơ, căng cơ là tình trạng căng, kéo nơi cơ bám vào xương. Điểm khác biệt chính là khi bị bong gân, bạn có thể bị bầm tím quanh khớp bị tổn thương. Còn với căng cơ, bạn có thể bị co thắt và cứng các cơ bị ảnh hưởng.
Có 3 mức độ bong gân :
Nhẹ: Dây chằng chỉ bị giãn một phần.
Trung bình: Có sự kết hợp giữa giãn và rách nhẹ dây chằng.
Nặng: Dây chằng bị đứt hoàn toàn.
Ngoài ra, mức độ nghiêm trọng của chấn thương phụ thuộc vào mức độ bong gân và số lượng dây chằng bị tổn thương.
Nguyên nhân gây bong gân
Bạn có thể bị bong gân khi khớp bị áp lực nghiêm trọng. Bong gân có thể xảy ra khi:
Bạn tập thể dục hoặc chơi thể thao
Bạn nâng hoặc di chuyển vật nặng
Tư thế không đúng khi ngồi hoặc đứng
Bạn bị ngã hoặc bị thương do tai nạn, gây tác động lên khớp
Bạn đang tạo quá nhiều áp lực cho khớp, chẳng hạn như cố gắng quá sức hoặc lặp lại các động tác giống nhau trong một khoảng thời gian
Triệu chứng của bong gân
Xem thêm
Đau: Nếu một cơn đau xuất hiện ngay sau khi bạn gặp phải chấn thương, đau dữ dội ngay sau chấn thương và âm ỉ sau đó, đặc biệt đau tăng khi đứng tỳ chân, vận động khớp, hoặc ấn vào vùng khớp bị tổn thương thì có thể nghĩ đến bong gân
Sưng: là dấu hiệu luôn có khi bị bong gân
Bầm tím: là dấu hiệu xuất hiện muộn nhất khi các thành phần gân, cơ, dây chằng bị chấn thương và chảy máu bên trong. Qua thời gian, các thành phần thoái hóa trong máu ngấm tới da và biểu hiện dấu hiệu bầm tím.
Giảm vận động tại khớp bị tổn thương: tất cả các triệu chứng đau, sưng khiến bạn không thể vận động khớp một cách tự nhiên như trước. Khoảng một ngày sau chấn thương, bạn sẽ tự cảm thấy cứng khớp, phải rất nhẹ nhàng mới vận động lại được.
Các vị trí Bong gân thường xảy ra
Bong gân có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể .Tuy nhiên co 3 vị trí có nguy cơ bị ngã và chấn thương nhiều nhất:
Bong gân khớp cổ chân:Kiểu chấn thương thường gặp nhất là kiểu vẹo trong, khi bạn tiếp đất sai tư thế.Thường xảy ra ở những người chơi các môn phải nhảy cao như bóng chuyền, bóng rổ hoặc bóng đá.
Bong gân khớp cổ tay:Bong gân cổ tay là chấn thương tương đối phổ biến. Bong gân khớp cổ tay xảy ra khi cổ tay bị quá duỗi hoặc xoay bởi một lực lớn, chẳng hạn như do ngã chống tay từ trên cao.
Bong gân đầu gối: Thường xảy ra khi có ngoại lực tác động vào đầu gối hoặc bạn bị ngã. Ngoài ra, việc xoay đầu gối một cách đột ngột cũng có thể dẫn tới bong gân.
Biến chứng nguy hiểm của bong gân
Bong gân nặng có thể dẫn đến gãy xương hoặc trật khớp.
Bạn hãy điều trị bong gân nhanh chóng và để lành trước khi tiếp tục các hoạt động thể chất liên quan đến khớp bị ảnh hưởng. Điều này sẽ ngăn ngừa đau mạn tính hoặc mất vững khớp mạn tính.
Chấn thương xảy ra khi vận động mạnh dẫn đến đau nhói, sưng tấy và tình trạng đau rất lâu không thuyên giảm.
Tình trạng sưng, phù nề không thuyên giảm sau 2 ngày.
Có dấu hiệu của nhiễm trùng, bao gồm: sưng, nóng, đỏ, đau tại khớp bị tổn thương hoặc sốt trên 38°C.
Đau âm ỉ, liên tục trong vài tuần.
Phương pháp điều trị bong gân
Sử dụng nẹp: Cố định khu vực khớp bị thương nhằm tạo điều kiện hồi phục lại dây chằng. Bạn có thể được yêu cầu sử dụng nẹp, thanh nẹp hoặc nạng để cố định vùng bị thương.
Nghỉ ngơi: Tránh các hoạt động ảnh hưởng đến vết thương để vết thương mau lành.
Chườm đá: Khi bị chấn thương, hãy chườm đá ngay lập tức. Sử dụng một túi nước đá hoặc ngâm khu vực bị thương vào nước đá trong 15 – 20 phút mỗi lần và lặp lại sau mỗi 2 – 3 giờ.
Sử dụng băng quấn: Để giúp hết sưng, hãy quấn vùng đó bằng băng đàn hồi cho đến khi hết sưng. Không quấn quá chặt tránh cản trở lưu thông máu.
Sử dụng các thuốc giảm đau, chống viêm tùy theo mức độ đau như Paracetamol viên uống, các thuốc NSAID dạng uống hoặc bôi tại chỗ.
*Lưu ý : áp dụng trong vòng 24 – 48 giờ đầu tiên sau khi bị thương
Phẫu thuật:Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bong gân, trong một số trường hợp, phẫu thuật là điều cần thiết để điều trị bệnh.
Thời gian để hồi phục sau chấn thương bong gân
Với bong gân độ I, bạn cần nghỉ ngơi từ 2 – 3 tuần.
Với bong gân độ II, bạn cần từ 3 – 6 tuần để điều trị.
Với bong gân độ III, bạn có thể cần phải phẫu thuật để điều trị và nhiều trường hợp cần tới 3 – 6 tháng để điều trị.
Nếu bong gân kèm với các chấn thương khác như gãy xương, bạn cần nhiều thời gian hơn thế để hồi phục.
Cách phòng tránh
Để phòng tránh bong gân bạn nên áp dụng cách sau:
Tăng sức mạnh và hỗ trợ cơ xung quanh khớp.
Tập thể dục thường xuyên để giữ cho cơ linh hoạt và cải thiện mức độ cân đối của cơ thể.
Nghỉ ngơi khi làm các hoạt động lặp lại, ngồi hoặc đứng kéo dài, để thư giãn cơ.
Sử dụng giày dép và thiết bị hỗ trợ.
Làm nóng trước khi hoạt động thể chất.
Bài viết trên đã thông tin cho bạn về bệnh bong gân, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả. Nếu bạn thấy hay và hữu ích, đừng quên chia sẻ cho bạn bè và người thân cùng biết nhé!