Xem thêm
Chưa có nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng co thắt tâm vị.
Hầu hết các nghiên cứu tập trung vào tính tự miễn hoặc nhiễm trùng như là nguyên nhân của Achalasia.
Các yếu tố tác động
- Do thói quen ăn uống của mỗi người, ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
- Quá nhiều glucid, ăn ít protein và vitamin nhóm B cũng là nguyên nhân gây co thắt tâm vị.
- Là biến chứng của một số bệnh như lao, giang mai, hoặc sốt phát ban,…
- Thuốc lá, bia rượu hoặc bị phơi nhiễm chất hóa học cũng là những yếu tố gây bệnh.
Triệu chứng co thắt tâm vị
Co thắt tâm vị không diễn ra đột ngột mà kéo dài nhiều năm, nhiều tháng . Triệu chứng thường gặp :
- Đau hoặc khó chịu ở ngực: Đau như co cứng lan ra sau lưng và dưới hàm, có thể kéo dài nửa giờ đến cả ngày.
- Cổ họng đau, xuất hiện tình trạng khó nuốt.
- ợ hơi, ợ chua, khó tiêu, ho về đêm.
- Muộn hơn có thể gặp tình trạng sụt cân.
- Trào ngược thức ăn (thức ăn này chưa được tiêu hóa).
Biến chứng của co thắt tâm vị
Khi xuất hiện các triệu chứng co thắt tâm vị, người bệnh nên nhanh chóng đi khám ngay để có biện pháp can thiệp sớm, ngăn ngừa các biến chứng nặng. Nếu trì hoãn điều trị, bệnh diễn tiến có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như:
- Viêm loét thực quản do ứ đọng thức ăn lâu ngày
- Suy dinh dưỡng do mắc nghẹn, không ăn uống được
- Viêm phổi hít do nôn ọe
- Ung thư hoá ở vùng viêm mạn tính.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Nếu bạn xuất hiện những dấu hiệu sau bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị:
- Trào ngược thức ăn lên miệng nhưng thức ăn này không được tiêu hóa.
- Xuất hiện ợ hơi, ợ chua.
- Có thể gặp tình trạng khó nuốt.
- Sụt cân do không ăn được nhiều.
Nơi khám chữa co thắt tâm vị
Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa Trung Ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội,…
Chẩn đoán co thắt tâm vị
Co thắt tâm vị là tình trạng khó chẩn đoán trên lâm sàng. Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Chụp X-quang thực quản có cản quang
- Nội soi dạ dày – thực quản
- Đo áp lực thực quản
Điều trị co thắt tâm vị
Điều trị bằng thuốc
- Thuốc isosorbid nitrat: ngậm dưới lưỡi trước khi ăn khoảng 10 – 15 phút
- Thuốc chẹn kênh calci giúp làm giãn cơ thắt dưới, làm giảm triệu chứng nuốt khó
Lưu ý :Tránh dùng nifedipin tác dụng ngắn vì có thể xuất hiện các dụng phụ không mong muốn như hạ huyết áp nghiêm trọng, biến chứng thiếu máu.
Tiêm nội soi độc tố botulinum
- Được sử dụng đối với người bệnh có nguy cơ cao hoặc những tái phát sau phẫu thuật cắt cơ.
- Các bác sĩ sẽ tiêm độc tố botulinum, có nguồn gốc từ Clostridium botulinum – một chất độc thần kinh sinh học mạnh có tác dụng ngăn chặn sự giải phóng acetylcholine ở cấp độ của cơ thắt thực quản dưới.
Nong cơ vòng dưới thực quản bằng bóng hơi
Cơ chế của phương pháp này là làm đứt đột ngột những sợi cơ vòng dưới thực quản để làm giảm áp lực cơ vòng dưới thực quản, từ đó giảm tắc nghẽn và cải thiện sự thoát lưu thực quản ở những bệnh nhân co thắt tâm vị
Điều trị phẫu thuật:
Sử dụng phẫu thuật để nới lỏng vùng cơ thắt thực quản, giúp thức ăn đi vào dạ dày dễ dàng hơn
Tiêm nội soi độc tố botulinum giúp ngăn chặn sự giải phóng acetylcholine
Biện pháp phòng ngừa co thắt tâm vị
Hiện nguyên nhân gây bệnh co thắt tâm vị không rõ ràng, không rõ các yếu tố nguy cơ để phòng tránh
Tuy nhiên nếu bạn gặp phải tình trạng co thắt tâm vị, bạn có thể thực hiện một số gợi ý sau để tránh những biến chứng:
- Nghiền nhỏ thức ănvà luôn ăn ở tư thế thực quản thẳng đứng để giúp thức ăn vào dạ dày dễ hơn.
- Không nên nằm ngay sau khi ăn.
- Ngủ đầu cao để tránh tình trạng trào ngược.
- Hạn chế ăn sau 20 giờ, không ăn thức ăn đặc trước khi đi ngủ.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn các kiến thức về co thắt dạ dày, đặc biệt là dấu hiệu nhận biết và các phương pháp điều trị hiện nay. Nếu thấy bài viết hay, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè nhé!