Bài viết sau được chia sẻ bởi Bs Lương Quốc Chính – Khoa cấp cứu bệnh viện Bạch Mai.

Phản ứng dị ứng với insulin rất hiếm gặp, đặc biệt khi sử dụng insulin người tái tổ hợp (recombinant human insulin), nó chiếm tỷ lệ dưới 1% ở bệnh nhân đái tháo đường. Dị ứng với insulin thường gặp nhất là phản ứng dị ứng loại I được đặc trưng bằng triệu chứng khởi phát nhanh. Phức hợp insulin-IgE gắn với thụ cảm thể IgE trên bề mặt của bạch cầu ưa ba-zơ (basophil) và dưỡng bào (mast cell) làm giải phóng các yếu tố trung gian gây viêm như histamine gây ra phản ứng dị ứng.

Khi bệnh nhân có bệnh đái tháo đường không đáp ứng với các biện pháp điều trị bằng thuốc uống, thì cần phải chỉ định dùng thuốc insulin tiêm dưới da. Nếu dị ứng với thuốc insulin thì sẽ rất dễ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm do bản thân thuốc insulin gây ra, do chính bệnh đái tháo đường đem lại. Trong những ngày vừa qua, Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) đã gặp và xử trí một trường hợp bệnh nhân như vậy.

Xem thêm

Bệnh nhân nam, 58 tuổi, địa chỉ ở Ba Đình (Hà Nội), được Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chuyển tới Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) với chẩn đoán nhiễm toan xê-tôn máu mức độ nặng do đái tháo đường ở bệnh nhân có dị ứng với insulin vào lúc 11 giờ 45 phút ngày 01 tháng 08 năm 2018.

Bệnh nhân có tiền sử bệnh đái tháo đường từ 16 năm nay, được điều trị thường xuyên bằng thuốc uống. Khoảng 3 tháng gần đây, bệnh đái tháo đường không kiểm soát được bằng thuốc uống, bệnh nhân đi khám bệnh theo lịch hẹn khám định kỳ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và được các bác sĩ chuyển sang dùng thuốc insulin tiêm dưới da.

Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc insulin theo đơn mới, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện ngứa và nổi ban đỏ xung quanh vị trí tiêm. Bệnh nhân đã tới tái khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội một vài lần và được xác định là dị ứng với insulin.

Trước khi được chuyển tới Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) khoảng 7 ngày, bệnh nhân không tiêm thuốc insulin nữa vì tình trạng dị ứng ngày một tăng. Chỉ sau 4 ngày, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện đái nhiều, khát nước nhiều và mệt mỏi, được gia đình đưa vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị.

Sau 3 ngày điều trị, bệnh tình của bệnh nhân ngày một nặng, thở nhanh lên, xuất hiện rối loạn ý thức. Tại thời điểm này, bệnh nhân được các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chẩn đoán nhiễm toan xê-tôn máu mức độ nặng do đái tháo đường ở bệnh nhân dị ứng với insulin.

Nhiễm toan xê-tôn là một biến chứng nặng của bệnh đái tháo đường, bệnh nhân rất dễ tử vong nếu không được điều trị đúng. Ngoài các biện pháp hồi sức cơ bản như kiểm soát đường thở, hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn và điều chỉnh các rối loạn điện giải… thì một biện pháp hay loại thuốc quan trọng khác quyết định tới việc điều trị nhiễm toan chính là thuốc insulin. Truyền insulin tĩnh mạch liên tục là nguyên tắc cơ bản trong điều trị nhiễm toan xê-tôn do đái tháo đường.

Tại thời điểm nhập viện vào Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh nhân ở trong tình trạng tỉnh nhưng chậm chạp, thở nhanh và sâu (30 – 40 lần/phút), da khô, mạch nhanh 120 lần/phút, không sốt (thân nhiệt: 37oC), huyết áp còn ổn định (150/80 mmHg).

Xét nghiệm khí máu động mạch cho thấy tình trạng toan chuyển hóa nặng nề (pH: 7,1; PaCO2: 9,7 mmHg; PaO2: 99,4 mmHg; HCO3-: 3,7 mmol/L), glucose máu tăng cao (20,79 mmol/L), chức năng thận có dấu hiệu suy giảm (thiểu niệu, creatinine máu tăng). Bệnh nhân có biểu hiện phản ứng dị ứng với nhiều loại insulin trên xét nghiệm test bì (NovoRapid, Lantus SoloStar, Actrapid, Humalox Mix, Humalog, Insulatar).

Tình huống khó khăn này đã tạo ra một áp lực rất lớn cho các bác sĩ tại Khoa Cấp cứu A9. Quả thật, ngoài các biện pháp hồi sức cơ bản, các bác sĩ không thể sử dụng insulin hoặc không có thêm bất cứ biện pháp điều trị đặc hiệu nào khác ngay tức thì để giải quyết tình trạng nhiễm toan nặng nề này. Bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, người nhà bệnh nhân liên tục tạo nhiều áp lực rất lớn lên các bác sĩ. Qua những lần nói chuyện với người nhà bệnh nhân nhằm mục đích giải thích về tình trạng bệnh, không ít bác sĩ đã cảm nhận và nhận thấy được thái độ của người nhà bệnh nhân sẵn sàng bùng nổ nếu các bác sĩ có những lời lẽ làm họ không vừa ý hoặc khi tình trạng của bệnh nhân không cải thiện. Điều này quả là không công bằng.

Chỉ vài giờ sau khi vào Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), tình trạng bệnh nhân ngày một nặng, ý thức xấu đi nhanh, tình trạng toan chuyển hóa nặng nề hơn (pH: 6,9; PaCO2: 10,5 mmHg; PaO2: 99 mmHg; HCO3-: 2,5 mmol/L), nồng độ glucose máu vẫn cao (18 mmol/L). Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản để bảo vệ đường thở, lọc máu liên tục với hy vọng kiểm soát được tình trạng nhiễm toan. Tuy nhiên, sau một ngày điều trị, tình trạng toan chuyển hóa vẫn không thể giải quyết được.

Dưới sự chỉ đạo của ban lãnh đạo Khoa Cấp cứu A9, hai cuộc hội chẩn liên khoa và toàn viện được tổ chức ngay buổi chiều tối cùng ngày và buổi sáng hôm sau với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực Hồi sức cấp cứu, Nội tiết – Đái tháo đường, Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng và một số chuyên khoa khác. Nội dung hai cuộc hội chẩn chủ yếu xoay quanh vấn đề chẩn đoán dị ứng với insulin, lựa chọn loại insulin phù hợp điều trị nhiễm toan xê-tôn máu cho người bệnh, đưa ra các biện pháp dự phòng và xử trí các biến cố có thể xảy ra cho người bệnh khi quyết định dùng insulin.

Để củng cố cho những quyết định được đưa ra trong hai cuộc hội chẩn và để vững tin hơn trong việc điều trị bệnh nhân này, các bác sĩ Khoa Cấp cứu A9 cũng đã đi tìm tài liệu để đọc. Trời quả không phụ lòng người, trong rất nhiều tài liệu liên quan tới nhiễm toan xê-tôn do đái tháo đường, dị ứng với insulin ở bệnh nhân đái tháo đường…, các bác sĩ đã tìm thấy một bài báo liên quan tới trường hợp dị ứng nặng với insulin ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 được điều trị thành công bằng truyền insulin dưới da liên tục tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân dị ứng với insulin tại Khoa Cấp cứu A9 lại có thêm biến chứng nặng nề của bệnh đái tháo đường, đó là tình trạng nhiễm toan xê-tôn máu, tức là nặng hơn nhiều so với trường hợp dị ứng với insulin mà bài báo đã nêu. Tình trạng nhiễm toan xê-tôn máu này bắt buộc phải được điều trị bằng truyền tĩnh mạch insulin liên tục và nguy cơ dị ứng, thậm chí sốc phản vệ do insulin là rất lớn và rõ ràng.

Cuối cùng, trên cơ sở ý kiến các chuyên gia đầu ngành, trên cơ sở các bằng chứng khoa học có sẵn, đặc biệt bằng kinh nghiệm cũng như cảm giác của các bác sĩ chuyên ngành Hồi sức cấp cứu (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai), bệnh nhân đã được truyền insulin tĩnh mạch liên tục với liều thấp, cộng với một số thuốc để dự phòng và xử trí tình trạng dị ứng và tụt huyết áp (corticoid, adrenaline). Hôm qua, ngày điều trị thứ 7, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, hết tình trạng nhiễm toan xê-tôn, đường máu được kiểm soát, chức năng thận được cải thiện…, được thôi thở máy và rút ống nội khí quản.

Hôm nay, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Nội tiết – Đái tháo đường để tiếp tục điều trị cũng như lên kế hoạch làm nghiệm pháp giải mẫn cảm với insulin giúp cho việc điều trị bệnh đái tháo đường được thuận lợi.

Nguồn: Bs Lương Quốc Chính – Khoa cấp cứu bệnh viện Bạch Mai

Bác sĩ Trần Thị Liên tốt nghiệp khoa Y HỌC DỰ PHÒNG tại trường Đại học y Hà Nội năm 2019. Hiện đang là quản lý nội dung của Nhà thuốc Bạch Mai.

More Posts