Hội chứng đau cơ xơ hoá là một tình trạng đau mạn tính trong cơ, dây chằng, gân và các tổ chức phần mềm của cơ thể. Bệnh gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần, chất lượng cuộc sống, công việc của bệnh nhân.Hãy cùng Bach Mai tìm hiểu về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị căn bệnh này qua bài viết dưới đây nhé!

Bệnh đau cơ xơ hóa là gì?

Đau cơ xơ hóa (tiếng Anh là Fibromyalgia) là tình trạng xuất hiện các cơn đau nhức, ê ẩm khắp cơ thể đi kèm rối loạn giấc ngủ, nhận thức và tâm trạng. Các triệu chứng của bệnh dễ bị nhầm lẫn với một số tình trạng khác như suy giáp, rối loạn sức khỏe tâm thần hoặc bệnh tự miễn.

Đau cơ xơ hóa có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, cả nam và nữ, nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ trong tuổi trung niên từ 30-50 tuổi. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, chất lượng cuộc sống, công việc và cả các mối quan hệ xã hội.

Đau cơ xơ hóa là một tình trạng mạn tính, không thể chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát được nhờ sử dụng thuốc và thay đổi lối sống.

Nguyên nhân gây đau cơ xơ hóa

Nguyên nhân gây ra đau cơ xơ hóa vẫn chưa rõ ràng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đau cơ xơ hóa xảy ra do sự kích thích dây thần kinh lặp đi lặp lại làm thay đổi cách hoạt động hệ thần kinh. Sự thay đổi này ảnh hưởng đến cách xử lý tín hiệu đau của cơ thể, do đó khuếch đại cảm giác đau ở người đau cơ xơ hóa.

Một số yếu tố nguy cơ của đau cơ xơ hóa bao gồm:

– Lớn tuổi: Tuy đau cơ xơ hóa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hầu hết các trường hợp bắt đầu ở tuổi trung niên và nguy cơ tăng lên theo tuổi tác.

– Di truyền: Đau cơ xơ hóa có xu hướng di truyền trong gia đình, điều này có thể do một số đột biến di truyền nhất định.

– Lupus ban đỏ hoặc viêm khớp dạng thấp (RA): Các bệnh lý xương khớp có thể làm tăng nguy cơ đau cơ xơ hóa.

– Sự kiện sang chấn tinh thần hoặc thể chất: Các triệu chứng đau cơ xơ hóa có thể bắt đầu sau một vài tình huống như tai nạn xe hơi, phẫu thuật; tình trạng căng thẳng kéo dài hay chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).

– Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới.

– Nhiễm trùng: Virus cúm, virus Epstein-Barr, vi khuẩn Salmonella hay Shigella (gây nhiễm khuẩn đường ruột)… có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của đau cơ xơ hóa.

Triệu chứng của đau cơ xơ hoá

Xem thêm
  • Đau dai dẳng: Người bị đau cơ xơ hóa sẽ cảm thấy đau dai dẳng ở các cơ. Chính vì thế họ sẽ dễ rơi vào tình trạng căng thẳng, khó chịu khắp cơ thể và thiếu ngủ.
  • Rối loạn giấc ngủ và không yên chân: Từ việc cơn đau diễn ra kéo dài dẫn đến chất lượng chất ngủ giảm sút, trằn trọc cả đêm không thể đi vào giấc ngủ. Người bị mắc bệnh này dễ rơi vào hội chứng chân không yên, chứng ngưng thở khi ngủ,… dẫn đến gián đoạn giấc ngủ. Hơn thế nữa, người bệnh cũng sẽ có cảm giác như bị kiến bò trên chân vào ban đêm sau đó vì sự khó chịu quá mức này người bệnh sẽ không thể ngủ nữa và muốn di chuyển liên tục cuối cùng là dẫn đến mất ngủ.
  • Xuất hiện điểm kích hoạt đau: Các điểm đó bao gồm khuỷu tay, đầu gối, sau đầu, hông, vai. Khi nhấn vào các vị trí này sẽ cảm thấy đau nhức. Đôi khi cả 18 điểm kích hoạt đau cùng gây đau. Để chuẩn đoán được bệnh đau cơ xơ hóa bác sĩ sẽ dựa vào các điểm này.
  • Đau hàm và đau nửa đầu: Người bị đau cơ xơ hóa thường bị đau nửa đầu với tính chất đau nhói. Một số người bệnh trở nên nhạy cảm hơn với âm thanh và ánh sáng nên phải nằm trong phòng tối mới có cảm giác đỡ đau đầu. Người bệnh cũng có khả năng gặp hội chứng khớp thái dương hàm gây đau vùng quai hàm. Những người mắc hội chứng này thường thấy răng hàm của mình phát ra tiếng kêu lộp bộp hoặc lục cục mỗi khi đóng mở miệng.
  • Hội chứng não sương mù: Khi bị mắc triệu chứng này người bệnh sẽ khó ghi nhớ, khó tập trung, lú lẫn,… đây được cho là có liên quan đến tình trạng thiếu oxy đến các mô của não.

KHI NÀO BẠN NÊN GẶP BÁC SĨ?

Bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa Nội Thần Kinh khi bạn có các triệu chứng mới xuất hiện như đau, mệt mỏi hoặc những thay đổi sức khỏe tâm thần, bao gồm:

  • Trầm cảm hoặc có ý nghĩ tự tử
  • Đau đầu hoặc đau nửa đầu
  • Vấn đề về trí nhớ hoặc cảm thấy “sương mù” não
  • Vấn đề về giấc ngủ

Cách điều trị đau cơ xơ hóa

Hiện nay vẫn chưa tìm ra cách đặc trị đau cơ xơ hóa nhưng vẫn có những phương pháp điều trị giúp giảm triệu chứng và làm cho tình trạng bệnh trở nên dễ chịu hơn.Việc điều trị bệnh không chỉ cần dựa vào thuốc mà cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Các triệu chứng bệnh thường được điều trị bằng thuốc, thay đổi lối sống và vật lý trị liệu. Người bệnh cần dành nhiều thời gian kiểm soát triệu chứng để cải thiện chất lượng cuộc sống.

Thuốc điều trị bệnh đau cơ xơ hóa

  • Thuốc giảm đau không kê đơn : ( đối với cơn đau nhẹ): ibuprofen và paracetamol 
  • Thuốc chống trầm cảm:cymbalta, paxil, savella,…
  • Thuốc chống động kinh:có hiệu quả trong giảm đau và cải thiện giấc ngủ ở bệnh nhân đau cơ xơ hóa. Các thuốc này ngăn các dây thần kinh nhạy cảm gửi quá nhiều tín hiệu cảm giác đau đến não: Gabapentin, pregabalin,..
  • Các thuốc khácBệnh nhân đau cơ xơ hóa cũng có thể được chỉ định sử dụng: Thuốc giãn cơ, corticoid tiêm vào các điểm đau, thuốc kháng :dopamine, thuốc kích thích thần kinh trung ương,…

Các phương pháp điều trị đau cơ xơ hóa khác

Ngoài việc sử dụng thuốc, bệnh nhân đau cơ xơ hóa còn có thể điều trị bệnh bằng các cách sau:

  • Tâm lý trị liệu: Bệnh đau cơ xơ hóa thường được điều trị bằng liệu pháp hành vi nhận thức. Hình thức tư vấn này giúp bệnh nhân học cách đối phó với tình trạng bệnh của mình và biết cách kiểm soát cơn đau. Phương pháp này có hiệu quả tốt nhất ở giai đoạn bệnh khởi phát;
  • Vật lý trị liệu: Người bệnh có thể được điều trị bằng liệu pháp vận động, nhiệt trị liệu, thuỷ trị liệu, châm cứu, xoa bóp,… Các phương pháp này đều có hiệu quả giảm đau khá tốt;
  • Tự chăm sóc: Bệnh nhân nên tập thể dục, tìm cách giảm căng thẳng để kiểm soát và điều trị bệnh đau cơ xơ hóa.

Chế độ sinh hoạt cho bệnh nhân đau cơ xơ hóa

  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn
  • Ăn uống lành mạnh, hạn chế uống cà phê, bỏ thuốc lá và rượu bia
  • Ngủ đủ giấc
  • Dành nhiều thời gian để thư giãn suốt cả ngày nhưng cố gắng không thay đổi thói quen hàng ngày. Người bệnh hãy thử các kỹ thuật kiểm soát căng thẳng như bài tập hít thở sâu, thiền định.

Bài viết trên đây đã đem đến cái nhìn tổng quan về căn bệnh đau cơ xơ hóa. Hiểu về bệnh có thể giúp bạn tìm thấy cách để đối phó với chúng.Hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân nhé!

Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan tốt nghiệp Khoa Dược tại trường Cao đẳng y dược Pasteur. Hiện đang là quản lí nội dung tại Nhà thuốc Bạch Mai.

More Posts