Bạn cảm thấy đến bệnh viện khám thật phiền phức: phải xếp hàng, đợi khám bệnh và bạn không có thời gian để đi đến bệnh viện. Và bạn nghĩ thật đơn giản chỉ cần đến nhà thuốc và hỏi dược sĩ về bệnh tình và có ngay đơn thuốc và mua thuốc để chữa khỏi bệnh: Thật đơn giản, nhanh chóng và tiện lợi.
Nhưng sự thật không phải như bạn nghĩ, bởi vì:
Dùng thuốc theo đơn của người khác
– Thuốc là con dao 2 lưỡi, chỉ được sử dụng khi đã xác định được đúng bệnh và đã qua kiểm tra và xét nghiệm đầy đủ theo yêu cầu của bác sĩ.
– Việc các dược sĩ thu thập đơn thuốc của bác sĩ rồi kê lại cho khách hàng đến mua thuốc là một hành động nguy hiểm: do chưa biết có đúng bệnh và tình trạng bệnh (giai đoạn của bệnh) và khả năng đáp ứng của thuốc trên bệnh nhân.
Tự ý thay đổi thuốc trong đơn của bác sĩ
a. Thay đổi sang thuốc tương đương
– Thực ra không có loại thuốc nào là tương đương cả. Chỉ có thuốc thay thế. Vì các thuốc cho dù có thành phần chính giống nhau nhưng có dẫn xuất, tá dược và dạng bào chế khác nhau thì sẽ có tác dụng, hiệu quả, cách dùng và thời gian sử dụng khác nhau.
– Do vậy chỉ có bác sĩ điều trị cho bệnh nhân mới quyết định được loại thuốc nào là phù hợp cho bệnh nhân.
b. Thay đổi sang thuốc xịn hơn
Thuốc là sản phẩm đặc biệt, không phải cứ đắt tiền hơn là tốt hơn. Việc bạn tự ý đổi sang loại khác đắt tiền hơn chính là tự đưa mình vào danh sách bệnh nhà giàu.
Bởi vì từ nay về sau các loại thuốc tác dụng nhẹ hơn và giá hợp lý hơn không còn tác dụng với bạn nữa. Trong chuyên môn người ta gọi là “kháng thuốc”. Chỉ còn các loại thuốc mạnh hơn, liều cao hơn và giá mắc hơn thì mới có tác dụng cho bạn.
Dùng thuốc theo đơn đã quá 6 tháng
Tình trạng bệnh khác nhau thì đơn thuốc cũng phải thay đổi. Việc bạn vẫn dùng đơn thuốc cũ sẽ gây ra tình trạng:
Một là lạm dụng thuốc do bệnh tình đã suy giảm mà vẫn dùng thuốc theo liều điều trị ban đầu dẫn đến thiệt hại về kinh tế và không đạt hiệu quả điều trị.
Hai là tình trạng bệnh nặng hơn mà không điều chỉnh đơn thuốc dẫn đến nhờn thuốc. Điều trị bệnh không khỏi dứt điểm gây tốn kém cho người bệnh.
Dùng thuốc thấy chưa hiệu quả liền tự ý thay đổi sang thuốc khác
Việc dùng thuốc có khi cần qua nhiều giai đoạn: Bắt đầu điều trị, điều trị duy trì. Do vậy người bệnh cần kiên trì và thường xuyên liên hệ với bác sĩ điều trị để trao đổi làm rõ những thông tin chưa biết.
Dùng thuốc bắt đầu thấy hiệu quả liền ngừng dùng thuốc
Việc sử dụng thuốc cần đảm bảo thời gian điều trị theo đúng đơn thuốc của bác sĩ. Việc bạn cảm thấy tốt hơn nhưng không phải là thời điểm ngừng thuốc. Bạn nên trao đổi với bác sĩ để tránh bị nhờn thuốc.
Không đọc hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng
Việc trao đổi với bác sĩ là cần thiết nhưng chưa đủ. Bạn cần xem xét thật kỹ tờ hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất.
Nếu bạn bị mất tờ hướng dẫn, hãy truy cập https://nhathuocbachmai.vn và gõ tên thuốc để xem lại hướng dẫn sử dụng thuốc mọi lúc, mọi nơi.
Không tôn trọng bản thân
Ngày xưa, thầy thuốc phải rất vất vả và cẩn thận để tìm ra được đúng bệnh. Bạn đã từng nghe nói đến tứ chẩn: Vọng, Văn, Vấn, Thiết.
Nếu bạn chưa biết thì hãy tìm hiểu về Vọng, Văn, Vấn, Thiết qua chia sẻ của Bs Trần Thịnh:
Vọng: Là nhìn, quan sát hình thái, vóc dáng, động thái, sắc mặt, màu sắc của da, lông, tóc móng,…vv, và hình thái, cử động của lưỡi, màu sắc rêu lưỡi.
Văn: Là Nghe, ngửi:
Nghe là nghe tiếng nói, nghe tiếng ho, tiếng nấc, tiếng thở của người bệnh.
Ngửi: là ngửi khí vị, cụ thể là ngửi hơi thở thậm chí ngửi phân, nước tiểu của người bệnh.
Vấn: Là hỏi, hỏi là hỏi để biết nóng, lạnh, hỏi về mồ hôi, hỏi về vị trí đau. Hỏi về tiểu tiện, đại tiện, hỏi về kinh nguyệt, hỏi về nguyên nhân gây bệnh.
Thiết: sờ nắn – sờ nắn vùng bụng, lòng bàn chân, tay, vùng bị bệnh, bắt mạch để chẩn bệnh.
Còn Tây y hiện nay ngoài áp dụng một số kỹ thuật trên còn ứng dụng kỹ thuật hiện đại: xét nghiệm, chụp chiếu bổ sung thêm.
Vậy mà hiện nay có rất nhiều người lấy thân mình ra làm thí nghiệm. Chỉ kể sơ ra vài dấu hiệu và mua thuốc theo đơn sẵn của dược sĩ. Chính họ đã tự hạ thấp giá trị bản thân mình khi mang tính mạng và gia tài cho một người không được đào tạo để tìm ra đúng bệnh và không dùng đúng thuốc cho bản thân mình.
Để kết thúc bài viết này, Nhà thuốc Bạch Mai xin chia sẻ ý kiến của bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai về vấn đề này:
“Bác sĩ là người kê đơn và chịu trách nhiệm điều trị trực tiếp trên bệnh nhân nên họ phải là người chọn sản phẩm tốt nhất và đem lại hiệu quả cao nhất. Vì vậy, không nên để bệnh nhân đem đơn thuốc ra ngoài mua với nhiều may rủi do sự tư vấn của nhân viên dược”