Giãn phế quản: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan
22 Tháng sáu, 2024
Giãn phế quản là một trong những bệnh lý về phổi thường gặp ở người lớn tuổi,Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, người bệnh có thể có những biến chứng như viêm phổi tái phát, ho ra máu nặng, khó thở – suy hô hấp xuất hiện thường xuyên. Cùng tìm hiểu về bệnh giãn phế quản qua bài viết dưới đây nhé!
Phế quản là một bộ phận của cơ quan hô hấp, đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn khí đến phổi. Trong cơ thể chúng ta, phế quản sẽ bắt đầu từ nơi phân chia của khí quản (ngang đốt sống ngực thứ 4 và thứ 5), sau đó phân chia thành những nhánh nhỏ đi sâu vào phổi và hình thành cây phế quản. Trong đó, phế quản trái và phế quản phải sẽ có vai trò dẫn khí vào phổi.
Giãn phế quản (tiếng Anh là Bronchiectasis) là tình trạng giãn không hồi phục một phần của cây phế quản, có thể giãn ở phế quản lớn trong khi phế quản nhỏ vẫn bình thường, hoặc giãn ở phế quản nhỏ trong khi phế quản lớn bình thường.
Nguyên nhân gây bệnh giãn phế quản
Có nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng giãn phế quản ở người như:
Phế quản bị xơ hóa sẽ bị giảm hoặc mất đi khả năng đàn hồi và đẩy không khí ra ngoài, lâu dần sẽ tăng về kích thước.
Tắc phế quản do dị vật: Khi dị vật vào phế quản làm tắc phế quản, dẫn đến phế quản dưới chỗ tắc bị giãn do quá trình viêm nhiễm gây hủy hoại thành phế quản. Thường xuất hiện từ 6-8 tuần sau khi có dị vật.
Tắc phế quản do u trong lòng phế quản: Tiến triển nhanh hay chậm tùy theo tiến triển của khối u và mức độ bội nhiễm.
Tắc phế quản do sẹo cũ của các chấn thương, viêm nhiễm.
Giãn phế quản sau nhiễm trùng: bệnh có thể xuất hiện sau nhiễm sởi, lao phổi hoặc ho gà nếu không được điều trị đúng cách.
Bệnh phổi mạn tính: hen phế quản (hen suyễn) hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) cũng có thể gây ra bệnh.
Giãn phế quản nguyên phát, không rõ nguyên nhân.
Các nguyên nhân khác bao gồm:
Phản ứng dị ứng nghiêm trọng với nấm: Aspergillus
Trào ngược dạ dày
Tắc nghẽn đường hô hấp do hít phải một vật nhỏ như hạt
Triệu chứng giãn phế quản
Xem thêm
Bệnh giãn phế quản sẽ có nhiều biểu hiện khác nhau, điều này tùy thuộc vào mức độ nặng – nhẹ của bệnh. Tuy nhiên, đa số các bệnh nhân mắc bệnh đều có một số dấu hiệu chính như:
Nhịp thở thường tăng, hơi thở nông và hay thở khò khè.
Ho đờm nhiều, ho ra mủ đục, mùi hôi.
Ho ra máu.
Khạc đờm thường tăng lên khi có bội nhiễm;
Cảm thấy rất mệt mỏi hoặc khó tập trung
Khó thở: Khó thở hoặc cảm thấy hụt hơi
Các vấn đề về xoang
Đầu ngón tay, ngón chân sưng to như dùi trống do thiếu oxy mạn tính.
Các triệu chứng trên lặp đi lặp lại kéo dài.
Có một số trường hợp ho khan hoặc không ho (Giãn phế quản thể khô ở các thùy trên)
Biến chứng nguy hiểm
Bệnh nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách có thể chữa khỏi hoàn toàn. Trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, hoặc phát hiện bệnh nhưng chủ quan không điều trị đúng cách có thể khiến ổ giãn phế quản lan rộng, dẫn đến bội nhiễm tái phát, người bệnh có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm
Suy hô hấp: do giảm diện tích trao đổi không khí trong phổi khiến cơ thể gặp tình trạng thiếu hụt oxy cần thiết cho sự sống.
Xuất huyết nghiêm trọng do tổn thương mạch máu đường hô hấp: giãn phế quản có thể gây tăng áp lực cho hệ thống mao mạch đường hô hấp dẫn đến vỡ mạch gây chảy máu, ho ra máu.
Kháng kháng sinh: thường do người bệnh sử dụng nhiều loại thuốc kháng sinh trong thời gian lâu dài nhằm điều trị các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp.
Người bệnh giãn phế quản có thể được điều trị và theo dõi tại nhà khi bệnh ở giai đoạn mạn tính. Tuy nhiên, người bệnh cần đến gặp bác sĩ nếu ở trong giai đoạn cấp với các biểu hiện sau:
Ho liên tục, kéo dài.
Ho ra máu.
Hô hấp khó khăn, thở khò khè.
Nhịp thở lớn hơn 20 lần/phút.
Đau tức ở 1 hoặc cả 2 bên ngực.
Phương pháp chẩn đoán
Khám lâm sàng
Chụp CT hoặc X-quang ngực: giúp bác sĩ đánh giá vị trí, mức độ tổn thương phế nang cũng như các biến chứng kèm theo.
Nội soi phế quản
Bên cạnh đó còn tiến hành một số thăm dò khác như: đo chức năng hô hấp của bệnh nhân và tiến hành xét nghiệm công thức máu, định lượng IgG, M và A,…
Điều trị bệnh giãn phế quản
Mục tiêu:giúp giảm triệu chứng và sự tiến triển của bệnh, ngăn chặn vòng luẩn quẩn của việc nhiễm trùng lặp đi lặp lại, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh
Dẫn lưu đờm mủ phế quản:Hướng dẫn người bệnh cách ho khạc đờm và vỗ rung lồng ngực kết hợp với dẫn lưu theo tư thế.
Điều trị bằng kháng sinh:Kháng sinh được sử dụng trong đợt cấp tính của giãn phế quản có bội nhiễm.
Điều trị triệu chứng
Thuốc giãn phế quản được chỉ định điều trị khi nghe phổi có ran rít, ngáy.
Thở oxy trong đợt cấp khi có thiếu oxy máu.
Điều trị trường hợp ho ra máu:Tùy theo mức độ ho máu nhẹ, trung bình, nặng và rất nặng mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị khác nhau.
Điều trị ngoại khoa:Cắt thùy phổi hoặc một bên phổi trong trường hợp ho ra máu nặng hoặc dai dẳng, tắc do khối u…
Điều trị biến chứng: người bệnh có thể được chỉ định thở oxy để đáp ứng được nhu cầu của cơ thể và giảm tình trạng suy hô hấp.
Thay đổi lối sống: việc từ bỏ thuốc lá, tích cực ăn uống lành mạnh và tham gia tập luyện các môn thể thao như đi bộ, đạp xe, tập yoga… có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh.
Biện pháp phòng ngừa giãn phế quản
Tiêm vắc xin phòng cúm, phế cầu hàng năm;
Không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh môi trường có nhiều khói bụi;
Vệ sinh răng miệng, tai mũi họng sạch sẽ;
Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
Với những người thường xuyên làm việc với khói bụi như thợ mỏ, công nhân xây dựng hoặc thợ may… có mặc đồ bảo hộ lao động phù hợp.
Tập luyện thể dục thể thao, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giữ ấm cổ ngực… nhằm đề phòng các đợt bội nhiễm đối với những người bệnh có tiền sử mắc bệnh.
Điều trị sớm nếu mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn vùng tai mũi họng, răng miệng và các bệnh đường hô hấp như viêm phế quản cấp, áp xe phổi;
Việc phát hiện sớm các dấu hiệu giãn phế quản sau lao phổi có ý nghĩa quan trọng đối với việc chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả.Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích về nguyên nhân và triệu chứng của bệnh giãn phế quản. Hãy chia sẻ bài viết này đến với tất cả bạn bè và người thân xung quanh bạn nhé!