Trên bao bì thực phẩm luôn ghi đầy đủ thông tin về các chỉ số dinh dưỡng có trong đó.Bạn có chú ý đến nhãn thông tin dinh dưỡng trên bao bì các loại thực phẩm mà mình mua mỗi ngày?Nếu vẫn chưa biết cách kiểm tra thành phần dinh dưỡng của thực phẩm, Hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé!

Bảng dinh dưỡng thực phẩm là gì?

Theo quy định chung, bảng dinh dưỡng thực phẩm là điều tối thiểu cần có ở tất cả các loại thực phẩm đóng gói. Chi tiết này được dán sẵn trên bao bì để người dùng dễ dàng theo dõi.

Các chất dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đây chính là lý do vì sao bạn cần biết cách đọc bảng dinh dưỡng trên bao bì trước khi lựa chọn bất cứ loại thực phẩm nào.Thói quen đọc thành phần dinh dưỡng ghi trên nhãn trước khi mua thực phẩm sẽ giúp bạn sống khỏe hơn.Dựa vào nhãn dinh dưỡng, người tiêu dùng sẽ biết được lượng calo, chất dinh dưỡng có trong mỗi khẩu phần ăn và có quyết định chọn mua sản phẩm phù hợp. Điều này đặc biệt quan trọng với những người đang điều trị các bệnh mãn tính như tăng huyết áptiểu đường,… cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng lành mạnh.

Các thông tin thiết yếu ở Bảng dinh dưỡng cần quan tâm

Lượng calo

Calo là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới cân nặng, vì vậy điều đầu tiên bạn cần chú ý khi đọc thành phần dinh dưỡng trên thực phẩm là lượng calo trong mỗi khẩu phần. Theo quy chuẩn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kì (FDA), thông tin về calo thường ở dạng chữ lớn và bôi đậm để bạn có thể dễ dàng xác định ngay từ đầu.

Calo trên nhãn thực phẩm gồm 2 giá trị là: Lượng calo nói chung và lượng calo có nguồn gốc từ chất béo. Số khẩu phần ăn sẽ quyết định lượng calo tiêu thụ. Chú ý tới lượng calo trên nhãn thực phẩm sẽ giúp mỗi người kiểm soát được cân nặng của mình.

Nếu hàm lượng calo của thực phẩm thấp hơn 40 calo, đây được coi là mức thấp. Trong khi đó, 100 calo là mức trung bình còn 400 calo được đánh giá là mức calo cao. Như vậy, lạm dụng các loại thực phẩm chứa quá nhiều calo có thể làm gia tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.

Khẩu phần ăn

Khẩu phần (serving) là tiêu chuẩn ăn của một người trong một ngày nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu về chất dinh dưỡng và năng lượng cần thiết cho cơ thể (protein, lipid, vitamin, chất khoáng, gluxit…).

Nếu thực phẩm trong hộp được chia thành nhiều gói nhỏ, nhà sản xuất sẽ ghi rõ cả 2 thông tin về khẩu phần chuẩn và số khẩu phần trong mỗi gói thực phẩm. Hơn nữa, chỉ số này thường được quy ước bởi một đơn vị thống nhất là: Gram, mililit, miếng,…

Khẩu phần là tiêu chuẩn ăn của một người trong một ngày, đáp ứng các nhu cầu về chất dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể. Khẩu phần có ảnh hưởng lớn tới lượng calo và các thành phần dinh dưỡng trong đó. Vì vậy, người dùng cần chú ý tới khẩu phần trong gói thực phẩm để tránh tiêu thụ một khẩu phần quá lớn (tương đương với việc đang ăn nhiều calo, có thể làm tăng cân).

Phần trăm giá trị dinh dưỡng hằng ngày

Phần trăm giá trị dinh dưỡng thường được thể hiện ở phần dưới cùng của nhãn chỉ số dinh dưỡng, cho biết mỗi khi dùng khẩu phần chuẩn (chế độ ăn chứa 2000 calo), một người cung cấp bao nhiêu phần trăm chất dinh dưỡng cho cơ thể. Các thực phẩm được xem là chứa ít dinh dưỡng nếu hàm lượng chất đó thấp hơn 5%, và thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng khi hàm lượng chất đó từ 20% trở lên.

Các loại chất dinh dưỡng

Nếu muốn tìm kiếm thành phần dinh dưỡng có trong thực phẩm, bạn hãy nhìn vào phần số và chữ màu xanh. Các chất được thể hiện thường là: Chất xơ, vitamin A, vitamin C, canxi và sắt.

  • Chất xơ: Chúng ta cần cung cấp cho cơ thể ít nhất 25g chất xơ mỗi ngày. Một thực phẩm được coi là chứa nhiều chất xơ nếu mỗi khẩu phần có chứa ít nhất 5g chất xơ. Các loại hoa quả, rau và ngũ cốc nguyên hạt sẽ giúp cung cấp nhiều chất xơ.
  • Vitamin và khoáng chất: Nên ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm có nhãn ghi chỉ số dinh dưỡng đề cập tới vitamin A, vitamin C, canxi và sắt;
  • Muối: Người khỏe mạnh nên ăn dưới 2.300mg muối/ngày. Những người bị bệnh thận, loãng xương, có tiền sử bệnh cao huyết áp và phụ nữ mang thai nên ăn dưới 1.500mg muối/ngày. Nếu ăn nhiều muối, cần ăn thêm thực phẩm giàu kali như cà chua, chuối và nước cam để ngăn ngừa mất canxi;
  • Đường: Để tránh ăn quá nhiều đường, bạn nên đọc hàm lượng đường chứa trong thực phẩm và chọn các loại thực phẩm chứa ít hơn 5g đường cho mỗi khẩu phần

Các chất cần hạn chế

Các chất cần hạn chế trên nhãn dinh dưỡng của thực phẩm thường được thể hiện trong khung màu vàng. Các chất đó gồm chất béo, kể cả chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, cholesterol và natri,… vì chúng có thể dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như đau tim, bệnh ung thư hay huyết áp cao,… Vì vậy, mỗi người nên hạn chế ăn chất béo để có chế độ dinh dưỡng cân bằng và một sức khỏe tốt.

  • Chất béo bão hòa: Loại chất này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch nên người trưởng thành không nên ăn quá 20g chất béo bão hòa/ngày.
  • Chất béo chuyển hóa: Đây là loại chất có rất nhiều trong các món chiên rán, bơ thực vật và các loại đồ ăn vặt. Do đó, tốt nhất, bạn không nên ăn loại thực phẩm chứa quá nhiều loại chất này.
  • Cholesterol: Người khỏe mạnh chỉ nên ăn dưới 300mg/ngày. Bên cạnh đó, người bị bệnh tim không nên tiêu thụ quá 200mg cholesterol/ngày.

Lưu ý khi đọc thành phần dinh dưỡng

Xem thêm
  • Lượng calo bạn cần không hẳn là 2.000 calo/ngày như ghi trên nhãn thực phẩm.
  • Ưu tiên chú ý tới tỷ lệ phần trăm giá trị dinh dưỡng hằng ngày thay vì đơn vị gram hay mililit;
  • Không phải mọi thành phần dinh dưỡng ghi trên nhãn thực phẩm đều tốt cho sức khỏe;
  • Giá trị của các thành phần dinh dưỡng ghi trên nhãn được liệt kê cho mỗi khẩu phần ăn nên bạn cần theo dõi thường xuyên lượng khẩu phần ăn mỗi ngày của mình là bao nhiêu.

Chỉ số dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm là thông tin rất quan trọng đối với mỗi người, đặc biệt là với người đang ăn kiêng hoặc trong quá trình trị liệu các bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường, bệnh thận, tim mạch, béo phì,… Trên đây là những thông tin cơ bản liên quan đến cách đọc bảng dinh dưỡng thực phẩm trên bao bì. Hãy chia sẻ những kiến thức này đến những người xung quanh để chăm sóc sức khỏe tốt hơn nhé!

Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan tốt nghiệp Khoa Dược tại trường Cao đẳng y dược Pasteur. Hiện đang là quản lí nội dung tại Nhà thuốc Bạch Mai.

More Posts