Xem thêm
Một số nguyên nhân chính gây bệnh suy gan thường gặp ở nhiều người bao gồm:
- Viêm gan do vi rút: A, B, C, D…
- Quá liều thuốc paracetamol, halothane, thuốc kháng viêm không steroid.
- Bị ngộ độc nấm.
- Uống nhiều rượu bia
- Hút thuốc lá
- Thực phẩm chứa chất độc
- Do giảm tưới máu: có thể do bị sốc, hội chứng Budd-Chiari (sự tắc nghẽn dòng chảy tĩnh mạch gan), thuyên tắc huyết khối làm cho máu không thể đến cung cấp cho các tế bào gan gây hoại tử cấp.
- Bệnh Wilson: đây là bệnh lý di truyền tích lũy đồng trong gan gây nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc.
- Thiếu alpha-1 antitrypsin: đây là chất giúp tế bào bảo vệ sự tấn công của enzym phân hủy elastase. Khi chất này thiếu hụt khiến cho nhu mô gan bị tổn thương.
- Gan nhiễm mỡ: các tế bào mỡ tích tụ trên gan gây nên tình trạng xơ. Bệnh hay gặp ở những người mỡ máu, béo phì…
- Hội chứng Alagille: đây là bệnh lý di truyền gây nên tình trạng giảm số lượng ống mật trong gan.
- Galactosemia: bệnh lý di truyền này khiến cho gan không thể tiêu hóa được galactose gây nên tổn thương gan.
Triệu chứng của suy gan
Suy gan thường phát triển trong nhiều năm. Triệu chứng tương tự với một số bệnh lý khác nên thường gây khó khăn đối với việc chẩn đoán trong giai đoạn đầu. Về lâu dài, dấu hiệu càng trở nên nghiêm trọng khi cơ quan tiếp tục yếu đi, chức năng gan suy giảm mạnh.
Một số dấu hiệu có thể gặp trong giai đoạn đầu là:
- Buồn nôn.
- Mệt mỏi.
- Ăn không ngon miệng, khó tiêu.
- Tiêu chảy.
Khi chức năng gan bị suy giảm không thể hồi phục, người bệnh sẽ gặp phải các dấu hiệu như:
- Vàng da, vàng mắt.
- Vết thương chảy máu có thời gian đông lâu hơn bình thường.
- Cổ trướng (báng bụng): bụng sưng, phình to chứa đầy dịch.
- Hội chứng não gan: bệnh mệt mỏi, lơ mơ, ngủ gà, thường xảy ra khi bệnh gan đã nặng, biểu hiện rõ, do các độc chất không được gan xử lý có thể tích tụ và tác động lên hệ thần kinh trung ương.
Biến chứng của suy gan
Suy gan là tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng với các biến chứng nguy hiểm như sau:
- Phù não: Đây là một trong những biến chứng thường gặp nhất của suy gan, chất lỏng không chỉ tích tụ ở bụng mà còn có thể tích tụ trong não, gây phù não và huyết áp cao.
- Các vấn đề về đông máu: Gan đóng vai trò quan trọng đối với quá trình đông máu trong cơ thể, vì vậy khi cơ quan này bị tổn thương, hiện tượng chảy máu không kiểm soát rất dễ xảy ra.
- Nhiễm trùng: Suy gan giai đoạn cuối rất dễ gây ra viêm phổi và nhiễm trùng tiểu.
- Suy thận: Suy gan gây ảnh hưởng đến hoạt động của thận, có thể dẫn đến suy thận.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Mặc dù suy gan trong giai đoạn đầu khó phát hiện nhưng khi xuất hiện tình trạng mệt mỏi kéo dài, ăn không ngon miệng, khó tiêu hoặc xuất hiện tiêu chảy trong thời gian dài nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám.
Khi xuất hiện các dấu hiệu dưới đây, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị:
- Rối loạn tâm thần: rối loạn định hướng, phản ứng không ổn định, thay đổi tính cách, hành vi.
- Vàng mắt, vàng da.
- Khi chảy máu thì máu đông chậm hơn bình thường.
- Đau bụng dữ dội bên phải.
Dấu hiệu vàng da, vàng mắt nên đến các cơ sở y tế
Nơi khám chữa suy gan
Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa Trung Ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn..
Cách chẩn đoán bệnh suy gan
Để biết được liệu bạn có mắc bệnh suy gan hay không, các bác sĩ sẽ làm một vài xét nghiệm, siêu âm cơ bản:
- Xét nghiệm máu: Để phát hiện những bất thường trong máu có liên quan đến bệnh suy gan
- Xét nghiệm chức năng gan
- Siêu âm, chụp CT: Hình ảnh rõ nét giúp phát hiện những bất thường trên gan
- Sinh thiết: Một mảnh gan nhỏ được lấy và kiểm tra giúp phát hiện những tổn thương của gan.
Điều trị suy gan
Tùy vào từng giai đoạn suy gan cũng như nguyên nhân bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, bao gồm:
Sử dụng thuốc
- Acetylcystein là chất đối kháng với paracetamol có thể giúp làm đảo ngược tình trạng suy gan cấp tính do paracetamol, giúp cho các tế bào gan không bị phá hủy. Ngoài ra một số tình trạng suy gan khác có liên quan với các thuốc chuyển hóa qua men CYP450, việc dùng Acetylcystein cũng có lợi.
- Tùy vào từng nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ có những phương pháp như:
- Thuốc kháng virushoặc hạn chế virus hoạt động.
- Thuốc giảm hoạt động của hệ miễn dịch như corticoid.
- Thuốc kháng sinh để giảm tình trạng viêm nhiễm.
Ghép gan
Nếu gan bị tổn thương nghiêm trọng, không còn có khả năng hoạt động để duy trì sự sống, ghép gan là phương pháp cuối cùng cần thực hiện
Cách phòng ngừa suy gan
Cách phòng ngừa suy gan hiệu quả là tập trung ngăn chặn các nguyên nhân cơ bản. Một số giải pháp hữu ích có thể kể đến như:
- Cần được tiêm phòng đầy đủ: tiêm globulin miễn dịch, tiêm phòng viêm gan để tránh bị viêm gan A, viêm gan B.
- Bổ sung đầy đủ các thực phẩm khác nhau, hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng
- Không nên uống quá nhiều bia rượu
- Vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là rửa tay trước khi ăn
Tiêm phòng là một trong những phương pháp phòng ngừa suy gan
- Tuyệt đối không chạm trực tiếp vào máu của người mà bạn không biết rõ tình trạng sức khỏe
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân
- Khi quan hệ, nên dùng các biện pháp phòng tránh an toàn
- Không dùng chung bơm kim tiêm
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn các kiến thức về suy gan. Đây là một bệnh nguy hiểm nhưng khó phát hiện trong giai đoạn sớm vì vậy khi có bất kỳ dấu hiệu nào, bạn cũng nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám. Nếu thấy bài viết hay, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè nhé!