Suy giãn tĩnh mạch chân: Nguyên nhân,Dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả
Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan
26 Tháng bảy, 2024
Suy giãn tĩnh mạch chân thường gặp ở người từ 30 tuổi trở lên.Bệnh diễn tiến âm thầm, có thể gây các biến chứng huyết khối tĩnh mạch nông và sâu gây đau, phù nề hai chi dưới. Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể gây chảy máu, loét chân không lành…, ảnh hưởng đến chất lượng sống người bệnh.Hãy cùng tìm hiểu về bệnh suy giãn tĩnh mạch chân qua bài viết dưới đây nhé!
Giãn tĩnh mạch chân (suy giảm tĩnh mạch chi dưới) là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân. Do đó dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại sẽ gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh.
Hậu quả là người bệnh sẽ gặp cảm giác nặng chân, nhức mỏi, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, chuột rút về ban đêm… Thậm chí, những trường hợp nặng hơn các rối loạn tưới máu nuôi dưỡng chân có thể dẫn đến các biến chứng như chàm da, loét chân không lành… khiến việc điều trị kéo dài và khó khăn hơn. Suy giãn tĩnh mạch ở người trẻ có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây.
Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch chân
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy giãn tĩnh mạch chân. Trong đó bệnh do yếu tố hệ thống van một chiều của hệ tĩnh mạch ngoại biên là chủ yếu. Các van trên bị tổn thương do một số nguyên nhân cơ bản sau:
Do quá trình thoái hóa ở tuổi già.
Do hoạt động sinh hoạt hàng ngày hoặc môi trường làm việc ngồi nhiều, đứng nhiều, ít vận động, ẩm thấp,… khiến cho áp lực tĩnh mạch ở chân tăng lên, lâu ngày dẫn đến tổn thương van.
Do mắc bệnh béo phì hoặc chế độ ăn uống không hợp lý, ít chất xơ và vitamin.
Đối tượng nào dễ bị suy giãn tĩnh mạch chân
Bất cứ ai cũng có thể bị suy giãn tĩnh mạch chân tuy nhiên sẽ có một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh như:
Tuổi tác: Quá trình lão hóa làm tĩnh mạch mất tính đàn hồi hoặc van tĩnh mạch hoạt động không hiệu quả, không tạo ra được áp lực để đẩy máu từ chi dưới về tim.
Giới tính: Nữ giới có nguy cơ mắc suy giãn tĩnh mạch cao hơn nam giới do tác động của nội tiết tố nữ và các biến đổi hormone trong quá trình mang thai hoặc thời kỳ mãn kinh.
Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có người bị suy giãn tĩnh mạch, bạn sẽ dễ mắc bệnh hơn.
Lối sống: Đứng hoặc ngồi lâu trong một tư thế, hay mặc quần áo chật có thể làm giảm lưu thông máu.
Tình trạng sức khỏe: Một số tình trạng như táo bón, khối u có thể làm tăng áp lực trong tĩnh mạch.
Sử dụng thuốc lá: Hút thuốc lá có thể tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch.
Triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch chân
Xem thêm
Ở giai đoạn đầu, biểu hiện bệnh thường không rõ ràng và thoáng qua: cảm giác nặng chân, có thể thấy giày dép chật hơn bình thường.
Trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể thấy chân dễ mỏi, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều, cảm giác như bị kim châm hay kiến bò vùng cẳng chân, chuột rút vào ban đêm…
Xuất hiện các mạch máu nhỏ li ti trên bề mặt da như mạng nhện (spider vein) hay lớn hơn và sâu hơn như dạng lưới ở lớp dưới da. Các biểu hiện trên có thể mất đi khi người bệnh nghỉ ngơi, các tĩnh mạch giãn chưa nhiều, lúc giãn lúc không nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua.
Giai đoạn tiến triển: chân người bệnh bắt đầu có biểu hiện phù ở mắt cá hay bàn chân. Vùng cẳng chân xuất hiện thay đổi màu sắc da, biểu hiện của loạn dưỡng do máu tĩnh mạch ứ lâu ngày. Các tĩnh mạch căng giãn gây cảm giác đau tức chân, máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân. Hiện tượng này không mất đi khi nghỉ ngơi, trường hợp nặng hơn có thể thấy các búi tĩnh mạch nổi to rõ trên da thường xuyên, các mảng máu bầm trên da…
Giai đoạn bệnh trở nặng :Khi giãn tĩnh mạch bước vào giai đoạn biến chứng, tĩnh mạch nông giãn to thành búi, bị viêm tạo huyết khối trong lòng. Kết hợp với tình trạng loét do thiểu dưỡng có thể tạo nên những ổ loét, nhiễm trùng…
Biến chứng nguy hiểm
Nếu để suy giãn tĩnh mạch chân tiến triển mà không điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và khó chịu cho người bệnh:
Cơn đau nhức, nặng mỏi, tê cứng vùng chân nặng dần theo thời gian, nhất là khi đi lại hoặc ngồi quá lâu.
Các tĩnh mạch giãn lớn quá mức gây vỡ khiến chảy máu và hình thành mảng bầm lớn ở chân.
Viêm tắc tĩnh mạch sâu dẫn đến hình thành cục máu đông và có thể gây tắc các động mạch chính làm thiếu máu, hoại tử đầu chi.
Nhiễm trùng vết loét của suy tĩnh mạch mạn tính do sự bội nhiễm của vi khuẩn.
Thường xuyên cảm thấy tức mỏi chân, nặng chân khi đứng lâu hoặc ngồi nhiều.
Thấy giày, dép bị chật hơn bình thường hay phù chân.
Chuột rút và tê bì tay chân về đêm.
Nhìn thấy các mạch máu nhỏ, màu tím dưới da.
Xuất hiện các búi giãn tĩnh mạch nổi phồng và đau khi chạm vào.
Nếu xuất hiện các triệu chứng trên cần đi cơ sở y tế khám ngay.
Các phương pháp chữa suy giãn tĩnh mạch chân
Điều trị nội khoa suy giãn tĩnh mạch chân
Sử dụng thuốc làm tăng độ bền vững của thành tĩnh mạch như daflon, rutin C.
Vật lý trị liệu với túi hơi tạo lực ép ngắt quãng theo tầng (hoặc vớ tĩnh mạch), hỗ trợ nén tĩnh mạch ngăn tĩnh mạch giãn ra và giúp máu lưu thông.
Tập vận động cơ cẳng chân, nâng cao chân lên trên thắt lưng giúp tăng lưu thông máu và giảm áp lực trong tĩnh mạch
Phương pháp chích xơ
Quá trình chích xơ thường được thực hiện bằng cách sử dụng một kim tiêm nhỏ để tiêm chất gây xơ trực tiếp vào tĩnh mạch suy giãn.
Chất này sẽ gây ra viêm ở tĩnh mạch và làm cho chúng bị dính lại với nhau. Theo thời gian chúng biến thành mô sẹo và mờ dần
Phương pháp phẫu thuật
Thắt tĩnh mạch bị ảnh hưởng.
Loại bỏ tĩnh mạch nông bị giãn để ngăn ngừa chứng giãn tĩnh mạch xuất hiện trở lại.
Thay đổi lối sống
Việc thay đổi chế độ sống và sinh hoạt có thể làm giảm các triệu chứng gây khó chịu của bệnh và giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng. Người bệnh có thể thực hiện:
Kê cao chân khi ngủ để giúp máu được trở về tim dễ dàng hơn.
Tránh giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài.
Thực hiện động tác gấp duỗi cẳng chân nếu phải đứng và ngồi làm việc lâu.
Giảm cân khoa học theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng nếu người bệnh bị béo phì hoặc thừa cân.
Dùng vớ y khoa
Ngoài ra, người bệnh có thể dùng vớ y khoa để gia tăng hiệu quả điều trị bệnh. Các loại vớ y khoa thường có mức độ bó sát nhất định vào cẳng chân, vùng đùi giúp hỗ trợ việc tuần hoàn máu, giảm áp lực cho tĩnh mạch.
Biện pháp phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch chân
Bạn có thể phòng ngừa bệnh suy giãn tĩnh mạch chân bằng một số biện pháp đơn giản tại nhà như:
Hạn chế đứng hoặc ngồi bất động trong một thời gian dài.
Duy trì cân nặng hợp lý.
Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức mạnh cơ bắp.
Bỏ thuốc lá: Hoạt chất nicotin trong thuốc là có thể làm tổn thương mạch máu, giảm lưu lượng máu và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.
Nâng chân cao hơn thắt lưng khi nằm để máu về tim tốt hơn.
Bổ sung hàng ngày các vitamin giúp tăng sức bền thành mạch.
Đến bác sĩ sớm để thăm khám khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ suy giãn tĩnh mạch chân.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có thêm những kiến thức hữu ích về triệu chứng, cách khắc phục và ngăn ngừa bệnh suy giãn tĩnh mạch chân. Hãy chia sẻ bài viết trên đến người thân và bạn bè xung quanh bạn nhé!