Suy thận mạn là giai đoạn cuối của bệnh thận mạn. Bệnh thận mạn là một bệnh lý nghiêm trọng, triệu chứng giai đoạn đầu có thể mơ hồ, khó phát hiện, gây chậm trễ trong  việc nhận biết và chữa trị đồng thời dễ dẫn đến nguy cơ tử vong. Cùng tìm hiểu về bệnh suy thận mạn qua bài viết sau nhé!

Suy thận mãn là gì?

Suy thận mạn là hậu quả cuối cùng của các bệnh thận- tiết niệu mạn tính làm chức năng thận suy giảm dần dần tương ứng với số lượng nephron của thận bị tổn thương và mất chức năng không hồi phục.

Suy thận mạn gây ra mức lọc cầu thận giảm, rối loạn điện giải, tăng huyết áp, thiếu máu mạn tính.

Suy thận mạn tiến triển dần và nặng lên theo từng đợt và dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối, chức năng thận mất hoàn toàn buộc phải điều trị thay thế thận: Lọc máu, ghép thận,… ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tinh thần của người bệnh. 

Bệnh suy thận mạn tính tiến triển 5 giai đoạn theo mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng.

  • Giai đoạn 1:thận bị hư hại rất nhẹ với mức lọc cầu thận eGFR lớn hơn 90.
  • Giai đoạn 2:chức năng thận giảm nhẹ, mức lọc cầu thận khoảng 60-89.
  • Giai đoạn 3:chức năng thận giảm ở mức độ trung bình, mức lọc cầu thận eGFR 30-59.
  • Giai đoạn 4:chức năng thận giảm ở mức độ nghiêm trọng, mức lọc cầu thận eGFR 15-29.
  • Giai đoạn 5:suy thận giai đoạn cuối với mức lọc cầu thận eGFR thấp hơn 15. Thận gần như mất hoàn toàn chức năng và bệnh nhân cần lọc máu hoặc ghép thận để duy trì.

Nguyên nhân bệnh suy thận mạn

3 nhóm nguyên nhân hàng đầu gây bệnh thận mạn trên thế giới là đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh cầu thận

Một số bệnh lý khác cũng có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thận mạn tính:

  •  Nước tiểu bị tắc nghẽn: nếu dòng nước tiểu bị tắc nó có thể tích luỹ lại vào thận từ bàng quang.
  • Viêm cầu thận: còn được gọi là bệnh cầu thận, là tình trạng viêm xảy ra ở thận.
  •  Viêm thận trung gian, viêm các ống thận và các cấu trúc xung quanh.
  •  Bệnh thận đa nang.
  •  Viêm túi thận.
  •  Bệnh lupus ban đỏ hệ thống – một bệnh tự miễn dịch. Hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công thận như thể chúng là mô ngoại lai.
  •  Sốt rét và sốt vàng.
  • Một số loại thuốc sử dụng chữa trị các rối loạn bệnh lý cũng có thể gây tổn thương thận, dẫn đến suy thận mạn.

Triệu chứng của bệnh suy thận mạn

Xem thêm

Ở giai đoạn đầu của bệnh thận mạn, người bệnh có thể có ít triệu chứng, nên không nhận ra cho đến khi tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn.

  • Thiếu máu: da xanh, niêm mạc nhợt, hoa mắt chóng mặt. Mức độ thiếu máu tương ứng với độ nặng của bệnh. Suy thận càng nặng thì thiếu máu càng nhiều làm bệnh nhân mệt mỏi, ăn kém, giảm các hoạt động thường ngày.
  • Tăng huyết áp: trên 140/90 mmHg.
  • Người mệt mỏi, ăn uống kèm, thường xuyên nôn mửa hoặc cảm thấy buồn nôn.
  • Đi tiểu ít, nước tiểu sẫm màu và đôi khi có lẫn máu.
  • Chuột rút cơ bắp
  • Sưng phù tay, chân, mắt cá chân
  •  Loãng xương, viêm xương, đau xương thường gặp trong giai đoạn cuối của bệnh. Xét nghiệm có canxi máu tăng, xquang thấy hình ảnh loãng xương
  • Triệu chứng về tiêu hóa: Buồn nôn, chán ăn, loét miệng, loét đường tiêu hóa, tiêu chảy, xuất huyết tiêu hóa
  • Đau ngực do chất lỏng tụ ở màng tim
  • Khả năng tình dục suy giảm
  • Hôn mê do urê máu cao: có thể xuất hiện ở giai đoạn cuối của suy thận, bệnh nhân thờ ơ, ngủ gà, có thể có co giật, rối loạn tâm thần rồi đi vào hôn mê.

Biến chứng của bệnh suy thận mạn

Bệnh này có thể ảnh hưởng đến hầu hết các bộ phận của cơ thể người bệnh. Các biến chứng nghiêm trọng của bệnh bao gồm:

  • Bệnh suy gan, hội chứng gan thận
  • Tình trạng tăng năng tuyến cận giáp
  • Tổn thương thần kinh gây co giật, rối loạn chức năng não, mất trí nhớ
  • Tổn thương hệ tiêu hóa gây chảy máu dạ dày, ruột
  • Các vấn đề về tim và mạch máu, thiếu máu, suy tim
  • Các vấn đề về xương khớp làm loãng xương, nhuyễn xương dễ gãy xương
  • Các tổn thương phổi do tích tụ dịch nhầy, nước gây phù nề, nước trong màng tim, màng phổi, ổ bụng…

Khi nào cần gặp bác sĩ

Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Bạn nên đến gặp bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị bệnh suy thận mạn tính kịp thời nếu phát hiện những triệu chứng sau:

  • Huyết áp tăng cao đột ngột và khó kiểm soát.
  • Phù chân tăng dần hoặc khó thở.
  • Tiểu íthơn bình thường hoặc nước tiểu có màu đỏ.
  • Ăn uống kém, người mệt mỏi, xanh xao, thường xuyên buồn nôn.

Nơi khám chữa suy thận

Hà Nội: bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Thận Hà Nội, bệnh viện Quân đội Trung Ương 108,.

Chẩn đoán bệnh suy thận mạn

Các triệu chứng rất có giá trị để chẩn đoán suy thận mạn:

  • Tăng urê máu > 3 tháng.
  • Hội chứng tăng urê máu kéo dài (khi không xác định được thời gian tăng urê máu).
  • Định lượng creatinin trong máu tăng cao, mức lọc cầu thận giảm ≤ 60ml/ phút, kéo dài > 3 tháng.
  • Chẩn đoán hình ảnh (X–Quang, UIV, siêu âm) cho thấy: Kích thước thận không đều cả 2 bên hoặc giảm đều, sỏi thận, nang thận, dị dạng thận,…
  • Xét nghiệm nước tiểu: Hồng cầu niệu, protein niệu, trụ niệu.
  • Một số yếu tố khác: Tiền sử bệnh thận – tiết niệu, tăng huyết áp, thiếu máu, phù.

Điều trị suy thận mạn

Mục tiêu của việc điều trị tình trạng này là nhằm chuẩn bị điều trị thay thế thận khi người bệnh tiến triển đến giai đoạn thận bị suy nặng; điều chỉnh liều dùng thuốc ở người bệnh suy thận; điều trị các biến chứng của hội chứng urê huyết cao như thiếu máu, tăng huyết áp, suy dinh dưỡng, rối loạn chuyển hóa canxi – phospho, điều trị các biến chứng tim mạch, rối loạn nước điện giải và các yếu tố nguy cơ

*Điều trị nguyên nhân

Đây là phương pháp điều trị giúp ngăn chặn sự tiến triển của bệnh hiệu quả nhất, với mỗi nguyên nhân gây bệnh khác nhau sẽ có những phương pháp điều trị riêng:

  • Kiểm soát huyết áp dưới 120/80 mmHg với người tăng huyết áp theo phác đồ của bác sĩ.
  • Kiểm soát đường huyết thông qua chế độ ăn uống, tập luyện, thuốc uống hạ đường huyết hoặc tiêm insulin,…
  • Điều trị viêm đường tiết niệu bằng kháng sinh thích hợp.

Điều trị bằng chế độ ăn, sinh hoạt:

Thay đổi lối sống, bỏ rượu, bia, thuốc lá, giảm lượng protein, giảm muối trong khẩu phần ăn hàng ngày, tập thể dục hàng ngày, tránh các hoạt động mạnh.

Điều trị các triệu chứng:

  • Kiểm soát rối loạn lipid máu: Nhóm thuốc có thể sử dụng: Statin, gemfibrozil.
  • Điều trị thiếu máu: Erythropoietin tiêm dưới da, bổ sung sắt, acid folic.
  • Điều trị loãng xương: Hạn chế phospho trong khẩu phần ăn, bổ sung Vitamin D và canxi, giúp cho xương khỏe mạnh.
  • Điều trị rối loạn điện giải: Thường gặp là tăng kali máu, nếu không được điều trị có thể dẫn tới rối loạn nhịp tim, ngừng tim và các vấn đề liên quan tới thần kinh cơ.

Điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối

  • Lọc máu:có thể thực hiện phương pháp thẩm phân phúc mạc hoặc chạy thận nhân tạo chu kỳ nhờ hệ thống lọc bỏ, thải trừ các chất độc hại ra khỏi tuần hoàn bằng các máy móc và hóa chất nằm ngoài cơ thể.
  • Ghép thận: phương pháp này đòi hỏi phải có quả thận tương thíchvới cơ thể, kỹ thuật cao và chi phí cao.

Biện pháp phòng ngừa suy thận mạn

  • Uống nhiều nước (khoảng 2 lít nước) mỗi ngày để tránh sỏi thận,
  • Kiểm soát huyết áp và đường huyết, cần tuân thủ theo liệu trình của bác sĩ.
  • Người trên 65 tuổi không nên uống quá một ly rượu mỗi ngày
  • Kiểm soát đường huyết nếu bệnh nhân đái tháo đường
  • Sử dụng thuốc có khả năng gây tổn thương thận theo hướng dẫn của bác sĩ/dược sĩ.
  • Tập thể dục thường xuyên để duy trì mức huyết áp lành mạnh; nó cũng giúp kiểm soát các chứng bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường và bệnh tim.
  • Cân nặng hợp lý;
  • Từ bỏ thuốc lá;
  • Khi nhận thấy các dấu hiệu như nước tiểu đục, tiểu đêm thường xuyên, tiểu ra máu, đau lưng thì nên đến khám bác sĩ ngay lập tức.
  • Xét nghiệm máu và thử nước tiểu định kỳ để tầm soát bệnh suy thận mạn

Bài viết trên đã đem đến cho bạn những thông tin bổ ích về bệnh suy thận mạn tính. Hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè nhé !

Dược sĩ Nguyễn Thanh LoanKiểm duyệt nội dung - Nhà thuốc Bạch Mai
Điện thoại | Email | Facebook | Youtube | Tiktok | Twitter

Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan tốt nghiệp Khoa Dược tại trường Cao đẳng y dược Pasteur. Hiện đang là quản lí nội dung tại Nhà thuốc Bạch Mai.

More Posts