Bệnh trào ngược bàng quang niệu quản thường được chẩn đoán ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trào ngược bàng quang niệu quản là tình trạng nước tiểu chảy ngược từ bàng quang lên niệu quản. Tình trạng này nếu không được điều trị sẽ gây nhiễm trùng tiểu tái đi tái lại, sẹo nhu mô thận và suy thận mãn tính. Hãy Cùng tìm hiểu về bệnh trào ngược bàng quang niệu quản qua bài viết dưới đây nhé!

Bệnh trào ngược bàng quang niệu quản là gì?

Hệ tiết niệu gồm các cơ quan: thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Thận làm nhiệm vụ lọc máu, tạo nước tiểu, nước tiểu theo niệu quản đi đến bàng quang và được lưu trữ tại đây. Niệu đạo là đường bài xuất nước tiểu từ bàng quang ra ngoài.

Theo sinh lý bình thường của cơ thể nước được lọc từ thận qua niệu quản xuống bàng quang và thoát ra ngoài qua niệu đạo. Nó không được phép chảy ngược lên.Trào ngược bàng quang niệu quản là tình trạng nước tiểu chảy ngược từ bàng quang lên niệu quản, thay vì chảy từ thận xuống niệu quản và bàng quang rồi đào thải ra ngoài qua niệu đạo.

Tình trạng trào ngược bàng quang niệu quản sẽ được phân chia thành 5 cấp độ bao gồm:[1]

  • Độ 1: Nước tiểu đi ngược lên niệu quản nhưng chiều rộng niệu quản bình thường.
  • Độ 2: Nước tiểu trào ngược vào niệu quản và bể thận, là nơi nối niệu quản và thận. Kích thước thận và niệu quản vẫn trong giới hạn bình thường.
  • Độ 3: Niệu quản và đài thận tăng kích thước ở mức độ nhẹ đến vừa do nước tiểu ứ đọng.
  • Độ 4: Niệu quản cong và giãn lớn, đài thận cũng giãn lớn do nước tiểu ứ đọng quá nhiều.
  • Độ 5: Niệu quản bị biến dạng và to ra rất nhiều. Đài thận cũng có kích thước rất lớn do lượng nước tiểu tích tụ quá nhiều

Trào ngược bàng quang niệu quản thường được phát hiện ở trẻ nhỏ. Trẻ em có thể tự khỏi trào ngược bàng quang niệu quản nguyên phát mà không cần điều trị tuy nhiên nếu đã nhiễm trùng tiết niệu hay tổn thương thận thì cần điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật kèm theo.

Nguyên nhân gây trào ngược bàng quang niệu quản

Nguyên nhân gây bệnh trào ngược bàng quang – niệu quản có thể là nguyên phát hoặc thứ phát:

  • Nguyên nhân nguyên phát: trẻ được sinh ra với một niệu quản bất thường, với một khiếm khuyết ở van giữa niệu quản và bàng quang đóng không tốt, do đó nước tiểu chảy ngược lên niệu quản về phía thận.
  • Nguyên nhân thứ phát: Trào ngược bàng quang niệu quản thứ phát là tình trạng bàng quang không thể làm trống do tắc nghẽn, suy cơ bàng quang hoặc tổn thương các dây thần kinh kiểm soát việc làm rỗng bàng quang.

Yếu tố nguy cơ 

  • Giới tính: Các bé gái có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn nhiều so với các bé trai. Ngoại lệ là trào ngược bàng quang niệu quản xuất hiện khi mới sinh, thường gặp hơn ở các bé trai.
  • Tuổi: Trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 2 tuổi có nhiều khả năng bị trào ngược bàng quang niệu quản hơn trẻ lớn hơn.
  • Thói quen: Nhịn tiểu, nhịn đi ngoài nhiều;
  • Trẻ em da trắng dường như có nguy cơ trào ngược bàng quang niệu quản cao hơn.

Triệu chứng bệnh trào ngược bàng quang niệu quản

Xem thêm

Các triệu chứng của trào ngược bàng quang niệu quản rất đa dạng. Khi mức độ bệnh còn chưa quá nghiệm trọng, nước tiểu trào ngược khu trú lên một đoạn phía dưới của niệu quản mà chưa lên đến bể thận. Nếu trào ngược bàng quang niệu quản nghiêm trọng và không được điều trị kịp thời, nó có thể gây viêm thận bể thận, thậm chí là tổn thương thận mạn tính.

Các triệu chứng phổ biên gồm:

  • Cảm giác buồn tiểu nhiều và kéo dài;
  • Tiểu buốt, hay nhịn tiểu do tiểu buốt;
  • Tiểu nhiều lần, mỗi lần tiểu được lượng ít;
  • Tiểu ra máu hoặc tiểu ra nước tiểu đục, nặng mùi;
  • Sốt;
  • Đau vùng hông lưng hoặc vùng bụng;
  • Ở trẻ sơ sinh, biểu hiện bệnh là sốt, tiêu chảy, ăn kém, hay quấy khóc;
  • Ở trẻ lớn hơn, bệnh có thể khiến trẻ hay tè dầm, táo bón, suy thận.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh trào ngược bàng quang niệu quản

Trào ngược bàng quang niệu quản nếu không được chẩn đoán và điều trị có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như:

  • Sẹo thận: UTI không được điều trị có thể dẫn đến sẹo, là tổn thương vĩnh viễn đối với mô thận. Sẹo rộng có thể dẫn đến cao huyết áp và suy thận.
  • Huyết áp cao: Thận tổn thương giảm khả năng bài xuất nước tiểu có thể làm tăng huyết áp do tăng thể tích tuần hoàn.
  • Nhiễm trùng tiểu tái đi tái lại: Khi tình trạng trào ngược bàng quang niệu quản không được điều trị sẽ khiến người bệnh bị nhiễm trùng tiểu tái đi tái lại nhiều lần.
  • Xơ hóa nhu mô thận có thể dẫn đến tổn thương thận không hồi phục, nếu tình trạng nhiễm trùng và ứ đọng không được giải quyết. Xơ hóa nhu mô thận do trào ngược còn được gọi là bệnh thận trào ngược.‎

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Trào ngược bàng quang niệu quản nếu không được chẩn đoán và điều trị có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, bạn cần tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ nếu xuất hiện những triệu chứng sau:

  • Tiểu gấp
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Đau bụng hoặc đau hông lưng

Chẩn đoán bệnh trào ngược bàng quang niệu quản

Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ xem xét tình trạng của trẻ như tuổi, triệu chứng đang có, tiền căn gia đình mắc VUR.

Một số xét nghiệm được chỉ định để chẩn đoán trào ngược bàng quang niệu quản:

  • Tổng phân tích nước tiểu để sàng lọc UTI và sự hiện diện của các tế bào bạch cầu và vi khuẩn trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của UTI.
  • Cần cấy nước tiểu: Cấy nước tiểu để xác nhận UTI.
  • Siêu âm ổ bụng
  • Chụp bàng quang hạt nhân phóng xạ,Chụp bàng quang niệu đạo khi tiểu.

Phương pháp điều trị trào ngược bàng quang niệu quản

Dựa vào thể trạng, lứa tuổi, phân loại và mức độ trầm trọng của bệnh, các bệnh lý nền kèm theo và biến chứng để điều trị.

Trào ngược bàng quang niệu quản nguyên phát

VUR sơ cấp thường sẽ trở nên tốt hơn và sẽ biến mất khi trẻ lớn hơn. Cho đến khi VUR tự biến mất, các bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc kháng sinh, một loại thuốc chống lại vi khuẩn bất kỳ khi nào trẻ mắc UTI.

  • Phẫu thuật: Một số phương pháp phẫu thuật khác nhau có thể được chỉ định cho bệnh nhân trào ngược bàng quang niệu quản nguyên phát. Mục tiêu của những phẫu thuật này là cố định lại van một chiều giữa bàng quang và niệu quản để ngăn nước tiểu chảy ngược.

Trào ngược bàng quang niệu quản thứ phát

  • Phẫu thuật để loại bỏ tắc nghẽn.
  • Thuốc kháng sinh để ngăn ngừa hoặc điều trị UTI.
  • Phẫu thuật để điều chỉnh bàng quang hoặc niệu quản bất thường.
  • Đặt ống thông tiểu ngắt quãng – dẫn lưu bàng quang bằng cách đưa một ống thông qua niệu đạo vào bàng quang.

Phương pháp phòng ngừa trào ngược bàng quang niệu quản

  • Uống đủ nước.
  • Thay tã ngay sau khi trẻ tiểu tiện và đại tiện.
  • Điều trị táo bón nếu cần thiết. Cố gắng ngăn ngừa táo bón cho con bạn nếu có thể;
  • Đi tiểu thường xuyên và tránh nhịn tiểu.
  • Chế độ dinh dưỡng: Duy trì chế độ ăn uống hợp lý với nhiều rau và thực phẩm có chất xơ để giảm nguy cơ táo bón ở trẻ.

Trên đây là những thông tin về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị của bệnh trào ngược bàng quang niệu quản. Hãy chia sẻ thông tin hữu ích này đến người thân và mọi người xung quanh nhé!

Dược sĩ Nguyễn Thanh LoanKiểm duyệt nội dung - Nhà thuốc Bạch Mai
Điện thoại | Email | Facebook | Youtube | Tiktok | Twitter

Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan tốt nghiệp Khoa Dược tại trường Cao đẳng y dược Pasteur. Hiện đang là quản lí nội dung tại Nhà thuốc Bạch Mai.

More Posts