Thoái hóa khớp là dạng viêm khớp phổ biến ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Trình trạng này xảy ra khi lớp sụn bảo vệ đệm các đầu xương của bị hư hại, tổn thương. Bệnh nếu không phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, thậm chí là tàn phế suốt đời.Hãy cùng tìm hiểu bệnh lý Thoái hoá khớp qua bài viết dưới đây nhé!

Thoái hóa khớp là gì?

Thoái hóa khớp (Osteoarthritis) là tình trạng tổn thương mãn tính ở sụn khớp và mô xương dưới sụn do cả hai quá trình tác động cơ học và sinh học làm mất cân bằng quá trình tổng hợp, dẫn đến phá huỷ các tế bào sụn khớp, chất gian bào và xương dưới sụn, kèm theo phản ứng viêm và lượng dịch khớp giảm. Biểu hiện lâm sàng là đau khớp mạn tính, không có biểu hiện viêm. 

Vị trí thoái hóa khớp

Viêm khớp thoái hóa có thể ảnh hưởng đến mọi khớp trên cơ thể, một số khớp chịu nhiều ảnh hưởng như đầu gối, cột sống, háng, ngón tay, cổ chân… Thông thường, bạn sẽ chỉ gặp các triệu chứng ở 1 khớp hoặc một vài khớp cùng một lúc.

Nguyên nhân thoái hóa khớp

Thông thường, sụn khớp được tái tạo đều đặn để bảo đảm chức năng khớp được diễn ra linh hoạt và trơn tru. Tuy nhiên, sau khoảng 30 tuổi, sự tái tạo giảm đi và sự thoái hóa xuất hiện nhiều hơn. Thoái hóa khớp chính là sự mất căn bằng giữa tái tạo và thoái hóa của sụn khớp, xương dưới sụn khiến chúng bị tổn thương nặng nề. 

Những tác nhân có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình này đó là:

  • Tuổi tác: Sau tuổi 40 thoái hóa khớp thường bắt đầu xuất hiện. Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn.
  • Béo phì: Trọng lượng của cơ thể càng nặng càng dễ gây áp lực cho hệ thống xương khớp, khiến dây chằng bị tổn thương và suy thoái dẫn đến thoái hóa khớp, nhất là đối với các vùng khớp chịu lực nhiều như cột sống và 2 đầu gối.
  • Tổn thương khớp: Những người làm việc nặng nhọc, lặp đi lặp lại một động tác mang phải sử dụng nhiều đến lực của khớp sẽ làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp
  • Dị dạng bẩm sinh về khớp: Những người sinh ra đã có tật về khớp hoặc khớp có bất thường lúc trẻ có nguy cơ thoái hóa khớp sớm và trầm trọng hơn bình thường.
  • Gen di truyền: Một số đối tượng có gen di truyền chức năng hình thành sụn bị khiếm khuyết thường dễ bị thoái hóa khớp.
  • Chấn thương khớp: Chấn thương ở khớp do luyện tập thể thao quá độ, tai nạn… sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thoái hóa diễn ra nhanh hơn.

Triệu chứng của thoái hóa khớp

Xem thêm

Các triệu chứng của thoái hóa khớp bao gồm:

  • Đau nhức: Cơn đau thường gia tăng khi bạn tham gia vào các hoạt động và có phần giảm nhẹ khi bạn nghỉ ngơi.
  • Sưng tấy: Đầu gối có thể xuất hiện tình trạng sưng đỏ, đặc biệt sau khi vận động.
  • Cứng khớp: Cảm giác cứng khớp ở gối rất rõ ràng vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi yên một thời gian.
  • Hạn chế vận động: Đầu gối bị cứng và kém linh hoạt có thể làm bạn khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày như ngồi xuống hoặc đứng lên từ ghế, lên xuống xe hơi, leo cầu thang, hoặc đi bộ.
  • Âm thanh lạ từ khớp: Khi di chuyển đầu gối, bạn có thể nghe thấy âm thanh cót két hoặc rắc rắc, là dấu hiệu của sự ma sát giữa các bộ phận trong khớp do mất sụn.

Biến chứng của thoái hoá khớp

Thoái hóa khớp nếu không được điều trị và chẩn đoán kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Bệnh gút (gout): Đây được xem là biến chứng của thoái hóa khớp, tình trạng này dẫn đến sự thay đổi ở sụn dẫn đến việc hình thành các tinh thể urat natri trong khớp dẫn đến mắc bệnh gout và sưng đau.
  • Trầm cảm và lo âu: Nhiều nghiên cứu nhận thấy rằng những cơn đau do viêm khớp thoái hóa có liên hệ mật thiết với chứng trầm cảm lo âu, nhiều bệnh nhân chia sẽ họ có lo lắng về mặt tinh thần khi mắc bệnh.
  • Tăng cân: Khi các khớp bị sưng đau dẫn đến người bệnh có xu hướng ít vận động lại, điều này dẫn đến nguy cơ béo phì do thiếu vận động.
  • Rối loạn giấc ngủ: Những cơ đau khiến người bệnh trở nên khó khi vào giấc ngủ và có được một giấc ngủ ngon và sâu.
  • Vôi hóa sụn khớp: Thoái hóa xương khớp hình thành các tinh thể canxi lắng đọng trong sụn. Vôi hóa sụn khớp làm cho tình trạng viêm trở nên nặng hơn, có thể dẫn đến những cơn đau cấp tính.

Các biến chứng viêm khớp thoái hóa khác gồm:

  • Xương bị hoại tử;
  • Gãy xương;
  • Chảy máu hoặc nhiễm trùng;
  • Gân và dây chằng quanh khớp bị tổn thương;

Phương pháp điều trị thoái hóa khớp hiệu quả

Thuốc

Các loại thuốc có thể giúp giảm các triệu chứng thoái hóa khớp, chủ yếu là đau, bao gồm:

  • Acetaminophen: Đã được chứng minh là có thể giúp một số người Thoái hóa khớp bị đau từ nhẹ đến trung bình. Dùng nhiều hơn liều khuyến cáo của acetaminophen có thể gây tổn thương gan.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen và naproxen, dùng ở liều khuyến cáo, thường làm giảm đau xương khớp. Thuốc NSAID mạnh hơn được bán theo toa.
  • NSAID có thể gây khó chịu cho dạ dày, các vấn đề về tim mạch, các vấn đề về chảy máu và tổn thương gan và thận. NSAID dưới dạng gel, bôi ngoài da ở khớp bị ảnh hưởng, có ít tác dụng phụ hơn và cũng có thể giảm đau.
  • Duloxetine: Thường được sử dụng như một loại thuốc chống trầm cảm, thuốc này cũng được chấp thuận để điều trị đau mãn tính, bao gồm cả đau nhức xương khớp.
  • Tiêm steroid

Steroid là một loại thuốc có chứa các phiên bản nhân tạo của hormone cortisol và đôi khi được sử dụng để điều trị các vấn đề về cơ xương đặc biệt đau đớn.Một số người bị thoái hóa khớp được khuyến nghị tiêm steroid khi các phương pháp điều trị khác không có kết quả khả quan.Thuốc tiêm sẽ được thực hiện trực tiếp vào khu vực bị ảnh hưởng. Bạn có thể được gây tê cục bộ trước để làm tê và giảm đau. Thuốc tiêm steroid có tác dụng nhanh chóng và có thể giảm đau trong vài tuần hoặc vài tháng.

Vật lý trị liệu: Chuyên gia vật lý trị liệu có thể chỉ cho bạn các bài tập để tăng cường cơ bắp xung quanh khớp, tăng tính linh hoạt và giảm đau.

Phẫu thuật

Trong những trường hợp bệnh nhân bị thoái hóa khớp nặng nề như biến dạng khớp, đau cứng khớp, thoái hóa khớp kèm viêm bao hoạt dịch… mà các phương pháp điều trị thông thường khác không thể can thiệp được, bác sĩ sẽ tư vấn phẫu thuật.

Phòng ngừa thoái hóa khớp

Để phòng ngừa khớp bị thoái hóa, mỗi người cần tạo lập cho mình thói quen sống khoa học, lành mạnh: 

  • Thường xuyên tập luyện thể thao phù hợp với thể trạng để tăng cường sự dẻo dai cho xương khớp. Những môn thể thao phù hợp với người bị thoái hóa khớp đó là: yoga, đi bộ, bơi lội…
  • Sinh hoạt, vận động đúng tư thế, hạn chế mang vác vật nặng, tránh gây tổn thương cho hệ xương khớp.
  • Kiểm soát cân nặng hợp lý giúp làm giảm áp lực của trọng lượng cơ thể lên hệ thống dây chằng và xương khớp.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hạn chế sử dụng chất kích thích, tăng cường bổ sung các thực phẩm tốt cho xương khớp như thực phẩm giàu canxi, glucosamine, chondroitin, omega-3, vitamin D, vitamin B…
  • Phòng tránh chấn thương bằng cách khởi động kỹ lưỡng trước khi tham gia các hoạt động thể lực, đi giày vừa vặn với chân, tập luyện trong môi trường đủ điều kiện. Nếu không may bị chấn thương, nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để điều trị kịp thời.
  • Luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh stress, căng thẳng.
  • Nên thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để theo dõi và phát hiện các bất thường càng sớm càng tốt.

Trên đây là những thông tin hữu ích về bệnh thoái hoá khớp.Hãy tự trang bị kiến thức về vấn đề sức khỏe này là điều cần thiết để có thể chủ động hơn trong việc phòng ngừa, phát hiện và điều trị bệnh, qua đó hạn chế nguy cơ tàn phế, đồng thời giúp bệnh nhân sớm tìm lại niềm vui trong cuộc sống hàng ngày. Nếu thấy hữu ích , hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân nhé!

Dược sĩ Nguyễn Thanh LoanKiểm duyệt nội dung - Nhà thuốc Bạch Mai
Điện thoại | Email | Facebook | Youtube | Tiktok | Twitter

Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan tốt nghiệp Khoa Dược tại trường Cao đẳng y dược Pasteur. Hiện đang là quản lí nội dung tại Nhà thuốc Bạch Mai.

More Posts