Viêm gân bánh chè xảy ra khi gân bị căng quá mức do vận động, chơi thể thao hoặc tai nạn, nếu không điều trị kịp thời có nguy cơ yếu cơ chân, rách gân, thậm chí phát triển thành bệnh đau đầu gối mãn tính. Hãy cùng Nhà thuốc Bạch Mai tìm hiểu  về bệnh lí Viêm gân bánh chè qua bài viết dưới đây nhé!

Viêm gân bánh chè là gì?

Gân bánh chè là phần nối giữa xương bánh chè và xương chày. Do được tạo thành từ các sợi cơ bền và dai nên gân xương bánh chè rất khỏe, giúp duỗi thẳng cơ đùi và bắp chân khi có thể hoạt động. Trong khi đó, xương bánh chè là đoạn xương nhỏ nằm ở trước khớp gối, có thể chuyển động rất linh hoạt như lên xuống, nghiêng và xoay. Xương bánh chè có giúp cho chân đi lại, đứng thẳng bằng cách làm giảm áp lực lên khớp gối.

Viêm gân bánh chè (Patellar tendonitis) hay còn gọi là “Đầu gối của người nhảy” (Jumper’s knee) là tình trạng xảy ra khi khớp gối hoạt động liên tục kéo dài hay không được khởi động kỹ trước khi vào bài tập chính, gân xương bánh chè sẽ bị sưng tấy, đau do viêm. Chấn thương này thường gặp ở người chơi thể thao và người vận động nhiều.

Nguyên nhân bị viêm gân đầu gối

Viêm gân bánh chè xuất phát từ sự căng thẳng lặp đi lặp lại ở đầu gối, thường là do hoạt động thể thao hoặc tập thể dục quá mức. Căng thẳng sẽ tạo nên những vết rách nhỏ ở gân, theo thời gian làm gân bị viêm và yếu đi.

Những ai có nguy cơ mắc viêm gân bánh chè?

Viêm gân xương bánh chè thường gặp ở các vận động viên, người chơi thể thao, người vận động nhiều. Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ khác có thể gây bệnh viêm gân bánh chè bao gồm: người bị chấn thương; người mắc các bệnh mãn tính về xương khớp như gút, viêm khớp; người cao tuổi; người có giải phẫu bất thường như xương bánh chè lên cao, chân lệch trục…

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm gân bánh chè

  • Tuổi tác: Tình trạng viêm đau gân đầu gối thường xuất hiện ở người trong độ tuổi trung niên.
  • Một số bệnh lý: Người mắc những bệnh lý xương khớp mạn tính như lupus ban đỏ, gout, viêm khớp dạng thấp… thường có nguy cơ mắc bệnh cao.
  • Đặc điểm giải phẫu bất thường: Với người có xương bánh chè nâng lên cao hay chân bị lệch trục có nguy cơ cao bị viêm gân bánh chè.
  • Thừa cân, béo phì.
  • Sức mạnh cơ bắp không đồng đều;
  • Giày không có đủ đệm;

Các vận động viên sẽ có nhiều nguy cơ hơn vì chạy, nhảy và ngồi xổm gây áp lực lên xương bánh chè. 

Triệu chứng viêm gân xương bánh chè

Xem thêm

Khi bị viêm gân xương bánh chè, người bệnh sẽ có dấu hiệu đau ở vị trí trước gối nơi bị viêm gân:

  • Cơn đau tăng dần và âm ỉ. Rất ít trường hợp đau ở mức độ dữ dội. Đặc điểm của cơn đau viêm gân xương bánh chè là đau liên tục.
  • Thường sẽ đau mạnh, sau đó giảm dần rồi lại tăng lên.
  • Cơn đau nặng hơn khi vận động, gấp duỗi chân như ngồi xổm, leo cầu thang…
  • Đầu gối bị căng cứng, khó mở rộng.
  • Viêm gân xương bánh chè thường tiến triển theo 2 hướng: Tự khỏi hoặc trở thành mạn tính.

Biến chứng khi mắc viêm gân bánh chè

Trong một số trường hợp, viêm gân xương bánh chè sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm mà người bệnh cần lưu ý như:

  • Đứt gân xương bánh chè do viêm: Người bệnh có thể bị đứt gân bánh chè hay đứt gân cơ tứ đầu. Khi mắc phải biến chứng này, cơn đau gối sẽ gia tăng đột ngột sau khi thực hiện những động tác nhảy lên, mất hoàn toàn chức năng vận động của cơ.
  • Yếu cơ chân: Là tình trạng cơ chân thường xuyên bị mỏi, yếu lâu dần có thể mất khả năng vận động.
  • Đau gối mạn tính.

Đau đầu gối mãn tính. Đau đầu gối có thể tồn tại nếu các yếu tố góp phần viêm gân bánh chè không được giải quyết.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có các triệu chứng đau và sưng ở đầu gối kéo dài hơn một hoặc hai ngày, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác tình trạng của mình. Từ đó có được phương pháp điều trị thích hợp giúp thuyên giảm đau và ngăn ngừa các biến chứng

Phương pháp chẩn đoán viêm gân bánh chè

  • Thăm khám lâm sàng thông qua việc xác định vị trí tổn thương.
  • Chụp X-quang khớp gối: Để quan sát xem xương bạn có bị gãy hay nứt, hoặc có sự dịch chuyển bất thường của xương bánh chè hay không.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp gối: Quan sát gân và phát hiện bất kỳ tổn thương mô mềm nào.
  • Siêu âm khớp gối: Giúp kiểm tra gân và tổn thương mô mềm.

Điều trị viêm gân bánh chè

Việc điều trị sẽ tùy thuộc và mức độ nghiêm trọng của viêm gân bánh chè. Các biện pháp quan trọng như cho chân nghỉ ngơi, kéo căng và tăng cường sức mạnh cho cơ chân. Với những chấn thương nặng, đã kéo dài thì quá trình điều trị có thể mất một năm hoặc nhiều hơn

Sử dụng thuốc

 Các thuốc giảm đau như ibuprofen, naproxen, acetaminophen có thể được sử dụng để giúp giảm đau và giảm viêm.

Nếu cơn đau nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể chỉ định tiêm corticosteroid tại khu vực xung quanh gân bánh chè

Vật lý trị liệu

Mục đích của vật lý trị liệu là giúp giảm đau và giảm viêm, giúp kéo căng và tăng cường sức mạnh cho cơ bắp. 

  • Bài tập giãn cơ: Thực hiện các bài tập giãn cơ thường xuyên để giảm tình trạng co thắt cơ. Lưu ý khi tập không nên thực hiện động tác quá nhanh hoặc đột ngột.
  • Bài tập nâng cao sức cơ: Cơ đùi yếu sẽ tạo nhiều áp lực lên gân xương bánh chè. Vì thế, người bệnh nên thực hiện thường xuyên và đều đặn các dạng bài tập này để tăng cường sức cơ vùng chân, rất hữu ích cho quá trình điều trị viêm gân bánh chè.
  • Băng đeo bảo vệ gân xương bánh chè (Patellar tendon strap): Băng đeo sẽ giúp phân tán lực ra khỏi gân, truyền lực vào dây đeo. Qua đó, băng đeo sẽ giúp giảm đau vùng gối khi cử động.

Phẫu thuật và những phương xâm lấn

  • Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): Phương pháp này giúp hình thành các mô mới, hỗ trợ quá trình gân phục hồi. Sau khi được tiêm vào vị trí viêm, PRP sẽ sản sinh ra các protein tăng trưởng giúp tìm kiếm, lấp đầy và chữa lành tự nhiên tổn thương đó. Đồng thời giúp hình thành các mô mới, đẩy nhanh quá trình phục hồi của gân. 
  • Tiêm corticosteroid thông qua siêu âm định hướng đi vào vỏ bọc quanh gân, giúp giảm đau. Tuy nhiên, thuốc có thể làm gân suy yếu và dễ đứt hơn.
  • Phẫu thuật: Nếu không thành công trong việc điều trị giảm đau bằng các phương pháp khác, phẫu thuật đôi khi được chỉ định. Phẫu thuật truyền thống gồm việc mở đầu gối, gần đây hơn thì phẫu thuật nội soi khớp được sử dụng giúp cho thời gian hồi phục ngắn hơn.

Biện pháp phòng ngừa Viêm gân bánh chè

Để giảm nguy cơ mắc viêm gân bánh chè, cần lưu ý:

  • Không chơi thể thao khi đau gối, cần nghỉ ngơi, chườm đá, giảm đau
  • Tránh các hoạt động gây đau, chuyển sang các môn thể thao gây áp lực lên gân bánh chè ít hơn
  • Tăng cường sức mạnh cơ đùi: Cơ đùi khỏe mạnh sẽ giúp giảm căng thẳng lên gân xương bánh chè. Những bài tập giãn cơ trước khi vào bài tập chính sẽ giúp cơ và gân đàn hồi tốt hơn, giảm nguy cơ chấn thương.
  • Tập mạnh cơ cốt lõi (Core stability training): Các bài tập yoga, thái cực quyền hay pilates có thể giúp ích trong việc tập mạnh cơ cốt lõi.
  • Chỉnh hình bàn chân: Các miếng đệm giày hay lót giày phù hợp có thể giúp ích.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin liên quan về Viêm gân bánh chè. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích bạn nhé!

Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan tốt nghiệp Khoa Dược tại trường Cao đẳng y dược Pasteur. Hiện đang là quản lí nội dung tại Nhà thuốc Bạch Mai.

More Posts