Da nhiễm corticoid là tình trạng da bị hủy hoại, mòn mài, viêm nhiễm kéo dài do sự tích tụ chất độc corticoid trong thời gian dài thông qua việc bôi trực tiếp lên da. Hãy cùng Nhà thuốc Bạch Mai tìm hiểu da nhiễm corticoid là gì và cách phục hồi qua bài viết dưới đây nhé

Corticoid là gì?

Corticoid hay glucocorticoid là thuốc kháng viêm, có công thức như hormone do tuyến vỏ thượng thận của cơ thể tiết ra. Thuốc corticoid sử dụng điều trị nhiều bệnh khác nhau với tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch… mang lại hiệu quả nhưng đồng thời có những tác dụng không mong muốn. 

Thuốc corticoid có 2 cách dùng: đường toàn thân (uống, tiêm), tác dụng tại chỗ (bôi, xịt). Trong đó, thuốc corticoid bôi được sử dụng trong điều trị các bệnh da, thuốc có tác dụng nhanh nên nhiều người không tuân thủ khuyến cáo điều trị của bác sĩ, thường hay lạm dụng thuốc, bôi không đúng chỉ định và liều lượng.

Da nhiễm corticoid là gì?

Da nhiễm corticoid là tình trạng viêm da do sử dụng mỹ phẩm, thuốc bôi da chứa corticoid trong thời gian dài. Viêm da do corticoid có biểu hiện gồm: đỏ da, bong tróc, nổi mụn, teo da, nhiễm trùng… làm mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Nguyên nhân gây da nhiễm corticoid

Xem thêm

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng da nhiễm corticoid như sau:

  • Sử dụng quá liều thuốc có chứa corticoid trong thời gian dài để điều trị các bệnh lý da như viêm da dị ứng, vảy nến,… Người bệnh tự ý sử dụng thuốc một cách tùy tiện không có chỉ định hoặc không tuân thủ theo khuyến cáo điều trị của bác sĩ khiến da bị tổn thương nghiêm trọng.
  • Sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, thuốc gia truyền,… chứa corticoid trên thị trường.

Dấu hiệu nhận biết da nhiễm Corticoid

Corticoid làm tổn thương da và ảnh hưởng đến sức khỏe nếu tiếp xúc lâu dài. Vì vậy, việc nhận biết các triệu chứng của da nhiễm corticoid là cần thiết để có phương pháp điều trị và phòng ngừa kịp thời. Dưới đây là một số dấu hiệu của da nhiễm corticoid được chia theo các mức độ:

  • Cấp độ 1- Da khô bong tróc: Khi da nhiễm Corticoid ở cấp độ 1, tức là ở những trường hợp mới sử dụng Corticoid trong thời gian ngắn với liều lượng thấp, các triệu chứng thường không quá nghiêm trọng. Trong giai đoạn này, người dùng thường cảm thấy vùng da thoa thuốc bị ngứa râm ran và có hiện tượng sần sùi nhẹ trên bề mặt da.
  • Cấp độ 2 – Viêm da cấp tính: Cấp độ 2 đánh dấu sự hình thành của các triệu chứng nhiễm độc và hoại tử trên da. Các dấu hiệu cụ thể bao gồm: Da xuất hiện các bọt nước giống như tình trạng bỏng, với vùng tổn thương mở rộng trên toàn bộ khuôn mặt. Khi các bọt nước này vỡ, người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn, đồng thời có thể xuất hiện tình trạng mưng mủ do nhiễm trùng. Nếu không được kiểm tra và điều trị kịp thời, da sẽ chịu tổn thương, gây ra tình trạng sần sùi, đỏ lâu dài, và da sẽ trở nên thâm đen sau khi các bọt nước khô lại.
  • Cấp độ 3 –  Giãn mạch máu: Khi sử dụng kem trộn chứa corticoid trong một thời gian dài (khoảng 1 năm), người sử dụng có thể gặp phải các tổn thương da sâu, ảnh hưởng đến hệ mao mạch dưới da. Trong giai đoạn này, da thường xuất hiện màu đỏ rực rỡ, cảm giác nóng bỏng, đặc biệt khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Da cũng có thể trở nên căng thẳng và phù nề do tình trạng giữ nước, đi kèm với cảm giác ngứa ngáy như có kiến đang bò trong da.
  • Cấp độ 4 – Viêm da khiến tăng tiết bã nhờn và mụn bùng phát: Khi da bị nhiễm corticoid ở mức độ nghiêm trọng, người bệnh sẽ nhận thấy da trở nên bóng nhẫy, xuất hiện mụn sưng lớn. Da luôn cảm thấy nóng rực, đỏ và rát. Thậm chí, người bệnh còn có cảm giác như da đang bị châm chích.
  • Cấp độ 5 – Viêm da kích thích: Giai đoạn này là giai đoạn nhiễm corticoid nặng nhất, khi mà da nhiễm độc cao. Người bệnh thường cảm nhận được làn da của mình luôn trong tình trạng đỏ ửng, cảm giác bỏng rát và đau đớn ngay cả khi không tiếp xúc. Đồng thời, da cũng dần trở nên khô, bong tróc và hình thành các mảng vảy. Có thể xuất hiện mụn nước đi kèm với dịch màu vàng, cũng như các biểu hiện của việc nhiễm trùng và hoại tử.

Các biến chứng khi da nhiễm corticoid

Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, da nhiễm corticoid sẽ tiến triển ở mức độ nặng. Khi đó, da tổn thương nghiêm trọng và gặp nhiều biến chứng như:

  • Da mắc một số bệnh khác như như teo da, tăng tiết nhờn, viêm da mất nước, viêm da kích thích, viêm da giãn mạch, viêm da phồng rộp…
  • Hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ, giảm sức đề kháng, nhanh chóng chịu tác động xấu từ môi trường như: tia UV từ ánh mặt trời, khói bụi, hóa chất…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Dấu hiệu

Bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu để được chẩn đoán và tư vấn điều trị khi xuất hiện các dấu hiệu sau:

  • Da có dấu hiệu bất thường như thay đổi màu sắc, da trở nên dễ tổn thương, khô rát, bong tróc hoặc nổi mụn.
  • Tình trạng da không cải thiện sau khi sử dụng các biện pháp chăm sóc da tại nhà hoặc sau khi ngưng sử dụng sản phẩm chứa corticoid.
  • Xuất hiện tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng da như da đỏ, sưng, nóng, hoặc có các vết loét, mủ…

Da bị nhiễm corticoid có chữa khỏi được không?

Những người đang trải qua tình trạng này chắc chắn sẽ tự hỏi liệu da nhiễm corticoid có thể hồi phục hay không. Trên thực tế, da nhiễm corticoid hoàn toàn có thể chữa khỏi được, tuy nhiên, mức độ phục hồi sẽ phụ thuộc vào tình trạng da và sức khỏe của người mắc phải. Điều này có nghĩa là, khi da xuất hiện các dấu hiệu ở cấp độ 4, 5, việc phục hồi  da hoàn toàn trở nên khá khó khăn.

Để điều trị bệnh nhiễm corticoid, người bệnh cần phải kiên trì và thận trọng. Đặc biệt trong giai đoạn khử trùng và giữ cho da mặt sạch sẽ. Bệnh có thể được chữa trị hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và người bệnh tuân thủ đúng quy trình điều trị.

Cách điều trị da nhiễm corticoid an toàn, hiệu quả

  • Cai nghiện” corticoid

Nguyên tắc giúp da “cai nghiện” corticoid và hồi phục một cách hiệu quả nhất cần đi từng bước để da kịp thích ứng, tránh ngưng đột ngột khiến da gặp hiện tượng “dội ngược”, trở nên khó chịu, khô, ngứa và nổi nhiều mụn hơn.

Do đó, bạn nên hạn chế việc thoa kem và giảm dần lượng bôi theo quy tắc từ bôi mỗi ngày chuyển sang cách ngày, sau đó chuyển dần lần lượt sang 2 lần/tuần, 1 lần/ tuần, 2 tuần 1 lần rồi mới ngừng bôi hẳn. Thời gian cho mỗi đợt giảm số lần bôi là khoảng 1 – 2 tuần.

  • Hiện tượng da nhiễm corticoid chỉ có thể tự điều trị phục hồi tại nhà khi tình trạng viêm nhiễm chỉ ở cấp độ 1. Với các dấu hiệu da bị nhiễm corticoid nhẹ, người bệnh cần ngưng ngay sản phẩm mình đang sử dụng, vệ sinh da bằng nước sạch thường trong khoảng 2 ngày để da dịu lại, bớt khô và giảm cảm giác ngứa.
  • Khi da đang có những nốt mụn sưng, đỏ, gây khó chịu, bạn có thể sử dụng những thuốc kem mỡ kháng sinh trị mụn như mỡ tetracyclin để chấm lên các vết mụn. Đồng thời, bạn nên để mụn tự bong cồi, tuyệt đối không đi spa để nặn mụn vì rất dễ gây rỗ trên da.
  • Sử dụng các sản phẩm dưỡng da phục hồi sau dùng kem trộn và corticoid giúp làm lành, tái tạo làn da an toàn và hiệu quả. Bạn nên lựa chọn những sản phẩm dưỡng nhẹ nhàng, không chứa hương liệu và chất bảo quản paraben.
  • Bảo vệ làn da nhiễm corticoid khỏi ánh nắng và các tác nhân gây kích ứng, đỏ da như khói bụi, ô nhiễm. Khi ra khỏi nhà, hãy che chắn kỹ bằng mũ rộng vành, đeo khẩu trang được thay mỗi ngày và sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên.
  • Sau đó, bạn thực hiện chế độ sinh hoạt & dinh dưỡng lành mạnh để tăng đề kháng cho da đồng thời giảm thiểu sự tiếp xúc của da đối với các tác nhân gây hại trong môi trường. Cụ thể:
    • Chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh và hoa quả tươi giàu vitamin.
    • Hạn chế tối đa hành động chạm tay vào mặt, vệ sinh tay sạch sẽ trước mỗi lần tẩy trang và rửa mặt.
    • Thường xuyên giặt sạch chăn gối và gội đầu thường xuyên.
    • Không trang điểm, chỉ chăm sóc da cơ bản theo hướng dẫn của bác sĩ.
    • Ngủ đúng giờ và đủ giấc mỗi ngày.
    • Luôn giữ tinh thần vui vẻ thoải mái, giảm tối đa căng thẳng.
    • Da bị nhiễm corticoid cần chế trang điểm, để tránh bít tắc lỗ chân lông, khiến mụn ngày càng viêm và lan sang các vùng khác làm việc điều trị sẽ khó hơn.

Các biện pháp phòng ngừa da nhiễm corticoid

Để phòng ngừa da có tình trạng bị nhiễm corticoid, bạn cần tuân thủ các biện pháp như:

  • Chỉ sử dụng corticoid khi thực sự cần thiết và theo chỉ định của bác sĩ, tránh tự mua và sử dụng với liều lượng không phù hợp.
  • Không sử dụng các sản phẩm kem trộn hoặc sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác hoặc nhãn hiệu in thông tin mập mờ. Hãy chọn mua các sản phẩm uy tín, chính hãng và có đầy đủ thông tin về thành phần để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
  • Để biết loại thuốc đang sử dụng có chứa corticoid không, cần lưu ý các điều sau:

    • Kiểm tra thông tin trong tờ hướng dẫn sử dụng đi kèm, tại mục “các đặc tính dược lý” hoặc “dược động học”.
    • Một số nhà sản xuất có thể dùng tên gọi glucocorticoid hoặc corticosteroid hoặc steroid thay cho corticoid.
    • Các hoạt chất phổ biến chứa corticoid: Betamethasone Valerate, Betamethasone Dipropionate, Clobetasone Butyrate, Hydrocortisone Acetate, Triamcinolone Acetonide, Fluocinolone Acetonide, Mometasone Furoate .

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin về tình trạng da nhiễm corticoid cũng như các bước chăm sóc, phục hồi hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn. Hãy chia sẻ bài viết này đến mọi người nếu bạn thấy hữu ích nhé!

Dược sĩ Nguyễn Thanh LoanKiểm duyệt nội dung - Nhà thuốc Bạch Mai
Điện thoại | Email | Facebook | Youtube | Tiktok | Twitter

Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan tốt nghiệp Khoa Dược tại trường Cao đẳng y dược Pasteur. Hiện đang là quản lí nội dung tại Nhà thuốc Bạch Mai.

More Posts