Theo báo cáo của Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ, có khoảng 140.000 phụ nữ tử vong vì hiện tượng băng huyết sau sinh trên thế giới mỗi năm.Băng huyết sau sinh là tình trạng mất máu quá nhiều sau khi sinh và vô cùng nguy hiểm cho thai phụ. Vì vậy, hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu của băng huyết sau sinh nhé!

Băng huyết sau sinh là gì?

Băng huyết sau sinh(tiếng Anh là Postpartum Hemorrhage)  là một tình trạng được xác định mất máu tích lũy trên 1000ml hoặc mất máu do các dấu hiệu giảm thể tích máu trong khoảng 24 giờ đầu sau sinh

Mất máu trong băng huyết sau sanh có thể xảy ra ồ ạt, đột ngột hoặc một cách từ từ, kín đáo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cách ước lượng này mang tính chủ quan và có thể không chính xác.

Phân loại

  • Băng huyết nguyên phát:là tình trạng băng huyết sớm, xảy ra trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh. Nguyên nhân thường do đờ tử cung, sót nhau, rách đường sinh dục dưới, vỡ tử cung,…
  • Băng huyết thứ phát:là tình trạng băng huyết muộn, xảy ra từ 24 giờ đến 12 tuần sau khi sinh. Nguyên nhân thường do sót nhau, nhiễm trùng,…

Các yếu tố nguy cơ của băng huyết sau khi sanh

  • Tuổi tác:Sản phụ càng lớn tuổi (trên 35 tuổi) càng có nguy cơ bị băng huyết hậu sản.
  • Chỉ số khối cơ thể (BMI):Béo phì có thể gia tăng biến chứng chảy máu trong và sau sinh. Sản phụ có BMI >30 có nguy cơ băng huyết cao gấp 1,5 lần so với sản phụ có BMI trong ngưỡng 20-30.
  • Bệnh lý nội khoa: Tỷ lệ bị băng huyết ở nhóm sản phụ mắc tiểu đường type 2 là 34% so với nhóm không mắc bệnh tiểu đường là 6%. Ngoài ra, còn một số bệnh lý liên quan như hội chứng Marfan, Ehlers-danlos… 
  • Tiền căn băng huyết sau sinh:Sản phụ đã từng bị băng huyết trước đó sẽ tăng nguy cơ băng huyết gấp 2,2 lần.

Nguyên nhân gây ra băng huyết sau sinh

Đờ tử cung

Cơ tử cung không co đủ mạnh, máu vẫn tiếp tục chảy tự do dẫn đến băng huyết, mất máu quá nhiều.

một số yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng đờ tử cung:

  • Tử cung căng quá mức: đa ối, đa thai, thai to.
  • Quá trình chuyển dạ kéo dài hoặc quá nhanh.
  • Sản phụ sinh đẻ nhiều lần.
  • Nhiễm trùng ối.
  • Quá trình kích đẻ lâu.
  • Một số bệnh lý: u xơ tử cung, nhau cài răng lược.
  • Tử cung dị dạng.

Bất thường của bánh nhau

Với thai phụ có nhau bám thấp, nhau cài răng lược, nhau tiền đạo thường sẽ có khuynh hướng chảy máu nhiều sau sinh. Ngoài ra, diện tích bánh nhau lớn, khi bong ra khiến máu chảy nhiều cũng có thể gây các dấu hiệu bị băng huyết.

Chấn thương đường sinh dục (đặc biệt là vỡ tử cung)

  • Rách cổ tử cung, âm đạodo sinh quá nhanh hoặc do sẹo mổ cũ, điều này làm cho máu tụ ở đường sinh dục dẫn đến vỡ tử cung tự phát.
  • Quá trình mổ lấy thai bị rách sâuhoặc rách thêm.

 Rối loạn đông máu

  • Do bệnh lý:Hemophilia A, bệnh Von Willebrand’s.
  • Điều trị thuốc kháng đông.
  • Do thai kỳ:thai chết lưu, nhau bong non, nhiễm trùng nặng,..

Đối với phụ nữ đang mang thai, nếu tình trạng này không được kiểm soát chặt chẽ có thể gây băng huyết sau sinh, đông máu nội mạch lan toả, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Các dấu hiệu của băng huyết sau sinh

Xem thêm

Các dấu hiệu của hiện tượng băng huyết giai đoạn sau sinh thường và sinh mổ có thể xảy ra, bao gồm:

  • Chảy máu không kiểm soát: Tình trạng xuất huyết từ đường sinh dục ngay sau khi em bé chào đời và sổ rau. Lượng máu chảy ra ngoài có thể ít hoặc nhiều, máu có màu đỏ tươi hoặc đỏ bầm, máu loãng hoặc máu cục. Máu chảy ứ lại trong buồng tử cung, dẫn đến tăng thể tích tử cung, đáy tử cung có xu hướng cao lên dần, to ngang ra và mềm nhão.
  • Mạch nhanh, huyết áp tụt, tay chân lạnh, vã mồ hôi, da xanh xao. Trường hợp ra máu nhiều có thể gây sốc.
  • Khát nước.
  • Chỉ số hồng cầu giảm.
  • Âm đạo và khu vực xung quanh bị sưng đau.
  • Không thấy sự xuất hiện của khối cầu an toàn trên xương vệ.

Huyết áp giảm nhanh là một triệu chứng của hiện tượng băng huyết sau sinh

Biến chứng của băng huyết sau sinh

Tùy thuộc vào mức độ mất máu và việc hồi sức, cầm máu có tích cực hay không, băng huyết sau sinh có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nhẹ khác nhau như choáng do giảm thể tích tuần hoàn, đưa đến suy thận, suy đa cơ quan và tử vong

 Khi bị mất 20% lượng máu trong cơ thể, bệnh nhân có thể bị tổn thương ở các cơ quan do thiếu máu ở gan, não, tim và thận. 

Các biến chứng có thể xuất hiện, bao gồm

  • Tổn thương phổi cấp tính.
  • Nhiễm trùng.
  • Hội chứng Sheehan.
  • Cắt tử cung.
  • Sốc và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Khi nào cần gặp bác sĩ

Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Bạn nên đến gặp bác sĩ lập tức để được xử trí và điều trị kịp thời nếu có các dấu hiệu sau:

  • Ra máu bất thường trong khoảng24 giờ đầu sau sinh.
  • Hạ huyết áp.
  • Tim đập nhanh.
  • Tay chân lạnh, vã mồ hôi, da xanh xao.

Nơi điều trị băng huyết sau sinh uy tín

Khoa Sản ở cơ sở y tế gần nhất nếu xảy ra hiện tượng băng huyết.

  • Tại Hà Nội:Bệnh viện phụ sản Hà Nội, Bệnh viện phụ sản Trung Ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E Hà Nội,…

Cách xử trí và điều trị băng huyết sau sinh

Bạn nên đến gặp bác sĩ lập tức để được xử trí và điều trị kịp thời nếu có các dấu hiệu của băng huyết sau sinh

 Tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra các hướng xử trí phù hợp. 

Các thuốc sử dụng:

  • Thuốc điều trị đờ tử cung
    • Oxytocin.
    • Ergometrine: không sử dụng trong trường hợp bệnh nhân tăng huyết áp.
    • Carboprost: cẩn thận đối với bệnh nhân suyễn, tăng huyết áp, tim mạch.
    • Misoprostol.
  • Thuốc cầm máu: Tranexamic acid.

Chèn lòng tử cung: là phương pháp làm tăng áp lực trong buồng tử cung, do đó sẽ giảm được lượng máu chảy. Có 2 phương pháp chèn lòng tử cung như sau:

    • Sử dụng các balloon đặt vào tử cung.
    • Sử dụng túi có chứa nhiều gạc cuộn lại và ép chặt vào buồng tử cung.
  • Thuyên tắc động mạch: tỷ lệ thành công chiếm 97%. Phương pháp này không những cứu sống bệnh nhân mà còn giữ được tử cung.
  • Mũi may B – Lynch: cầm máu tốt, bảo vệ được chức năng sinh sản cho bệnh nhân.
  • Thắt động mạch tử cung: động mạch tử cung cung cấp khoảng 90% lượng máu đến tử cung.
  • Thắt động mạch hạ vị: giúp cầm máu ở các điểm chảy máu trong đường sinh dục vì nó làm giảm áp lực tuần hoàn. Phương pháp này có nguy cơ tổn thương các cơ quan lân cận và khó thực hiện hơn so với thắt động mạch tử cung.
  • Cắt tử cung: giúp cầm máu tốt trong những trường hợp chảy máu tử cung, cổ tử cung và vòm âm đạo.

Phòng ngừa băng huyết sau sinh

Nguyên tắc chung để phòng tránh băng huyết sau đẻ cũng như các biến chứng thai kỳ là cần theo dõi thai kỳ tốt, nhằm sớm phát hiện các yếu tố nguy cơ và có hướng xử trí kịp thời.

  • Dự phòng những ca có nguy cơ băng huyết sau sinh.
  • Khám thai định kỳ để kịp thời phát hiện các bất thường trong thai kỳ.
  • Cần bổ sung sắt, acid folic theo chỉ dẫn của bác sĩ để phòng ngừa thiếu máu;
  • Có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, lao động nhẹ nhàng;
  • Thực hiện sinh đẻ có kế hoạch.
  • Tránh chuyển dạ kéo dài bằng cách dùng sản đồ, quá trình sinh nở đúng kỹ thuật và an toàn ngay cả sinh thường hoặc sinh mổ.

Khi có một trong các dấu hiệu bất thường như: đau bụng, ra nước âm đạo, ra huyết âm đạo, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, thai máy yếu, đau bên sườn hoặc khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Bài viết trên đã cung cấp những thông tin về dấu hiệu, nguyên nhân băng huyết sau sinh. Nếu quý đọc giả cảm thấy bài viết hay và bổ ích thì hãy chia sẻ đến những người thân của mình nhé!

Dược sĩ Nguyễn Thanh LoanKiểm duyệt nội dung - Nhà thuốc Bạch Mai
Điện thoại | Email | Facebook | Youtube | Tiktok | Twitter

Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan tốt nghiệp Khoa Dược tại trường Cao đẳng y dược Pasteur. Hiện đang là quản lí nội dung tại Nhà thuốc Bạch Mai.

More Posts