Kiến ba khoang là loại côn trùng gây ám ảnh đối với nhiều người. Vết đốt của nó không chỉ gây đau mà còn làm tổn thương da.Việc nắm rõ các thông tin cần thiết về kiến ba khoang để phòng tránh là rất cần thiết, đặc biệt vào các thời điểm giao mùa. Hãy cùng Nhà thuốc Bạch Mai tìm hiểu về dấu hiệu nhận biết, các triệu chứng cũng như cách điều trị kiến ba khoang cắn qua bài viết sau nhé!

Kiến ba khoang là gì?

Kiến ba khoang là một loại bọ cánh cứng có tên khoa học là Paederus fuscipes, thuộc họ cánh cộc (Staphylinidae). Nó là một loại côn trùng có ích đối với bà con nông dân nhờ đặc tính chuyên ăn các loài sâu rầy gây hại cho hoa màu.Nó có hình dạng giống như một hạt thóc với chiều dài từ 1 đến 1,2cm. Rất nhiều người bị nhầm lẫn loài kiến này với kiến lửa. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ rất dễ thấy được sự khác nhau về màu sắc trên thân mình. Đó là từ phần đầu đến đuôi của kiến ba khoang sẽ xen kẽ màu sắc đen và đỏ. 

Chúng thường xuất hiện nhiều vào các thời điểm giao mùa khi có độ ẩm cao, nhất là sau các đám mưa lớn đầu mùa. Kiến ba khoang thường sống trong ruộng lúa, ăn rầy nâu và rất thích ánh sáng nên vào ban đêm loài này có xu hướng theo ánh đèn cùng các côn trùng khác bay vào nhà.

Nguyên nhân bị kiến ba khoang cắn

Nguy cơ cao bị kiến ba khoang cắn vào mùa mưa khi thời tiết có độ ẩm cao, đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của kiến ba khoang.

Đặc biệt vào ban đêm, kiến ba khoang sẽ theo ánh đèn vào nhà, bám vào các vật dụng như khăn tắm, quần áo, chăn nệm, nếu chúng ta vô tình đập phải hay chà sát trên da sẽ gây ra các tổn thương da, xuất hiện các mảng viêm đỏ, phồng rộp và dịch mủ.

hững đối tượng có nguy cơ cao tiếp xúc với kiến ba khoang và dễ bị tổn thương như:

  • Sống ở khu vực ẩm thấp, gần cánh đồng, ruộng lúa.
  • Thường xuyên làm việc ngoài trời (như vườn tược, ruộng đồng, bãi cỏ,…).
  • Làm việc dưới ánh đèn huỳnh quang vào ban đêm.
  • Trẻ em: trẻ hiếu động, có thể vô tình chạm vào kiến ba khoang.
  • Người sống trong khu dân cư, chung cư cao tầng.

Triệu chứng khi bị kiến ba khoang cắn

Xem thêm

Kiến ba khoang thường không đốt hoặc cắn nhưng dịch cơ thể của chúng có chứa pederin – một alkaloid độc gây phồng rộp mạnh và xảy ra phản ứng trên da khoảng 24 giờ sau khi tiếp xúc.Thường thì khi bị loại kiến này đốt, vùng da dễ tổn thương nhất là cổ, tay, chân và lưng. Tuỳ theo vị trí tiếp xúc mà những tổn thương ở da sẽ khác nhau, có thể là theo từng vùng hoặc rải rác nhiều nơi trên cơ thể. 

Khi bị kiến ba khoang cắn, ban đầu người bệnh sẽ có cảm giác râm ran ngay tại lúc đó. Giai đoạn tiếp sau đó khoảng từ 6 đến 8 tiếng, những vết ban đỏ bắt xuất hiện tại vùng tiếp xúc. Sau khoảng 3 ngày tình trạng bệnh bắt đầu thuyên giảm, vùng tổn thương bắt đầu có hiện tượng bong vảy. Giai đoạn 5 đến 7 ngày sau, vảy bong hết nhưng sẽ để lại các vết thâm rất lâu.

Một số dấu hiệu kiến ba khoang cắn:

  • Trên vùng da bị kiến cắn có vệt, hơi cộm lên trên mặt da, có mụn nước nhỏ.
  • Khi gãi vùng da bị kiến cắn, sẽ khiến độc tố, vi khuẩn lây sang vùng da lành, nhất là những vùng có nếp gấp. 
  • Các đặc điểm vết cắn của kiến ba khoang rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh ngoài da khác, nhất là bệnh zona.
  • Sau khi bị cắn người bệnh sẽ có cảm giác bỏng rát tại vùng tổn thương, ngoài ra có một số trường hợp sẽ bị trên diện rộng. 

Cách xử trí khi bị kiến ba khoang đốt

  • Thổi hoặc dùng các vật trung gian như găng tay, tờ giấy để loại bỏ kiến ba khoang ngay khi phát hiện được, tuyệt đối không dùng tay trần để bắt, giết hay miết kiến ba khoang.
  • Sau khi xác định được vùng cắn, vết thương sẽ gây ngứa nhưng bạn hãy hạn chế gãi để tránh gây trầy xước làm cho tình trạng tổn thương nghiêm trọng hơn
  • Nên rửa sạch vết thương sau khi phát hiện, sử dụng thêm cồn 70 độ hoặc các sản phẩm có tính sát trùng.
  • Với những vết thương nhẹ, cần duy trì việc vệ sinh sạch sẽ và bôi thuốc mỡ từ 4 – 6 lần để làm giảm các triệu chứng theo chỉ định của Bác sĩ. Đối với vết thương nặng, có biểu hiện sốt, mệt mỏi, hãy đến ngay cơ sở y tế để được điều trị hợp lý.
  • Dùng các dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ như dung dịch bôi Maica, oxyd kẽm, mỡ kháng sinh.
  • Nếu loét mủ nhiều, đau có thể dùng kháng sinh, kháng histamin, thuốc giảm đau, dùng cortiocid bôi hoặc đường toàn thân. Trường hợp nhẹ bệnh có thể tự khỏi.
  • Trong trường hợp xuất hiện mụn mủ, chúng ta có thể sử dụng thuốc Xanh Methylen. Đây là một loại thuốc bôi có tác dụng cấp cứu và giải độc được dùng khá phổ biến ở nước ta. Ngoài ra, bạn cùng có thể sử dụng một loại thuốc bôi khác, có tên là Milian. 
  • Để an toàn và hiệu quả, tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc. Nếu như các tổn thương nghiêm trọng, cần đến ngay các phòng khám da liễu để được thăm khám và chỉ định hướng điều trị phù hợp.

Bị kiến ba khoang cắn nên kiêng gì?

  • Thực phẩm dễ gây dị ứng và có mùi tanh: Ví dụ các loại hải sản như tôm, cua, sò,…Chúng sản sinh ra các histamin tự do – nguyên nhân gây ra tình trạng dị ứng. Do vậy, bạn không nên ăn hải sản để tránh làm trầm trọng thêm các triệu chứng sưng đỏ, ngứa ngáy do vết kiến ba khoang cắn.
  • Thực phẩm chứa nhiều đường: Các loại kẹo, siro, nước ngọt,… sẽ khiến tình trạng viêm da trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Thực phẩm có vị chua: Lượng acid cao trong các loại thực phẩm này có thể kích thích da và làm gia tăng cảm giác ngứa rát khi tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang, đồng thời làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn da.
  • Thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn: Các chất phụ gia và bảo quản có trong sản phẩm có thể làm tăng khả năng dị ứng, làm nghiêm trọng thêm cảm giác ngứa ngáy và sưng đỏ.
  • Chất kích thích: Các loại đồ uống chứa chất kích thích như nước ngọt có ga, cà phê, trà, bia có thể làm nặng thêm tình trạng viêm da và ngứa rát khi bị kiến ba khoang cắn, kéo dài thời gian hồi phục vết thương.

Phòng tránh kiến ba khoang cắn

  • Mắc màn ngủ để tránh sự tiếp xúc với kiến ba khoang. Trước khi đi ngủ nên kiểm tra giường, gối, chăn, chiếu.
  • Tắt bớt các bóng đèn không cần thiết vào ban đêm.
  • Buổi tối khi tắm rửa chú ý giũ mạnh khăn mặt trước khi dùng.
  • Phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà: Kiến ba khoang thường sống ở những nơi ẩm thấp, có nhiều bụi rậm, cây cỏ. Do đó, cần phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà để hạn chế nơi trú ẩn của kiến ba khoang.
  • Khi ra ngoài, nên mặc quần áo dài, kín tay, kín chân: Quần áo dài, kín tay, kín chân sẽ giúp bảo vệ da khỏi tiếp xúc với kiến ba khoang.
  • Nếu phát hiện kiến ba khoang trong khu vực sống nên thay đèn huỳnh quang (thường có ánh sáng xanh, tím) bằng đèn có ánh sáng màu vàng.

Xử lý kiến ba khoang

Có thể tiêu diệt kiến ba khoang bằng cách phun thuốc trừ sâu, có 4 loại thường được sử dụng bao gồm Deltamethrin, Fipronil, Fenitrothion và Imidacloprid. Hiệu quả tiêu diệt kiến ba khoang của 4 loại thuốc trừ sâu trên theo thứ tự giảm dần là Deltamethrin, Imidacloprid, Fipronil, Fenitrothion.

Bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin thiết thực về dấu hiệu nhận biết, triệu chứng cũng như cách điều trị khi bị kiến ba khoang cắn. Nếu thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ đến bạn bè và người thân cùng đọc nhé!

Dược sĩ Nguyễn Thanh LoanKiểm duyệt nội dung - Nhà thuốc Bạch Mai
Điện thoại | Email | Facebook | Youtube | Tiktok | Twitter

Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan tốt nghiệp Khoa Dược tại trường Cao đẳng y dược Pasteur. Hiện đang là quản lí nội dung tại Nhà thuốc Bạch Mai.

More Posts