Chảy dịch mũi (còn gọi là sổ mũi) là trạng thái dịch tại hốc mũi chảy ra nhiều hơn so với trạng thái bình thường.Nó là một phản xạ tự nhiên của cơ thể để giữ ẩm và loại bỏ các chất kích thích từ đường mũi họng.Tuy nhiên, triệu chứng này có thể là hiện tượng thường gặp khi cơ thể người bệnh bị cảm lạnh, cảm cúm, viêm xoang hay dị ứng,…Hãy cùng tìm hiểu các nguyên nhân và điều trị hiệu quả tình trạng sổ mũi liên tục qua bài viết dưới đây nhé!

Sổ mũi là gì?

Sổ mũi là chất nhầy (dịch mũi) chảy ra khỏi mũi của bạn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đây là một phản xạ bảo vệ của cơ thể giúp cung cấp độ ẩm và loại bỏ các yếu tố gây bệnh như vi khuẩn, virus, bụi, các chất kích ứng niêm mạc,…Nguyên nhân sổ mũi có thể do thời tiết quá lạnh, khi ăn thức ăn cay hoặc do bạn mắc viêm mũi dị ứng, cảm lạnh thông thường. Tình trạng dịch mũi chảy ra quá mức so với trạng thái bình thường được hiểu theo thuật ngữ y khoa là “sổ mũi” hay “chảy dịch mũi”

Nguyên nhân gây sổ mũi

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến người bệnh bị chảy nước mũi, biết được nguyên nhân sẽ giúp ích cho việc điều trị, cụ thể là do:

  • Cảm lạnh: Đây là hiện tượng hay gặp khi thời tiết chuyển mùa. Virus tấn công ở mũi và họng gây ra chảy nước mũi. Biểu hiện ban đầu là nước mũi trong, sau vài ngày đặc dần, đôi lúc còn sốt nhẹ, đau họng, ngạt mũi. Tuy nhiên tuỳ vào đề kháng của mỗi người, bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày.
  • Cảm cúm: Bệnh do virus cúm gây ra. Bên cạnh triệu chứng sổ mũi, người bệnh còn bị sốt cao, đau họng, ngạt mũi,… Nếu cảm cúm gặp ở trẻ nhỏ hoặc người lớn tuổi có thể gây nguy hiểm do hệ miễn dịch kém.
  • Dị ứng: Nếu tiếp xúc với tác nhân dị ứng như lông vật nuôi, bụi, phấn hoa,… bạn cũng có thể bị chảy nước mũi. Đây là biểu hiện của cơ thể phản ứng như cách chống lại vi khuẩn có hại.
  • Viêm xoang: Các xoang trong mũi bị viêm, sưng, phù nề gây nghẹt mũi và có chất nhầy tích tụ rồi chảy ra ngoài. 
  • Viêm mũi vận mạch: Đây cũng là bệnh khiến bạn bị chảy mũi do nhiều tác nhân kích thích như môi trường bị ô nhiễm hoặc ăn thức ăn cay.
  • Viêm amidan: Viêm amidan cũng là một nguyên nhân gây chảy nước mũi, nhất là ở trẻ em.
  • Polyp mũi: Khi có polyp trên niêm mạc mũi khiến cơ thể nhầm tưởng đó là dị vật nên kích thích hệ miễn dịch tăng cường tiết chất nhầy để chống lại.
  • Có dị vật trong mũi: Nguyên nhân này có thể xảy ra phổ biến ở trẻ em, khi ấy mũi tăng cường tiết dịch nhầy khiến chảy mũi thậm chí có mùi hôi ở bên mắc dị vật. 
  • U nang mũi: Có thể là u lành tính hoặc ác tính trong hốc mũi. Dù khá hiếm gặp nhưng cũng có thể xuất hiện ở vài người. Khi mắc phải, thường chỉ chảy mũi ở một bên.
  • Nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân trên, chảy nước mũi cũng có thể là do thủy đậu hoặc vách ngăn bị lệch.

Đối tượng nào dễ bị sổ mũi?

Đối tượng dễ gặp phải tình trạng sổ mũi bao gồm:

  • Người lớn, trẻ em và những người suy giảm hệ miễn dịch.
  • Thường xuyên hút thuốc gây tăng nguy cơ sổ mũi và mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.

Một số yếu tố tăng nguy cơ mắc sổ mũi:

  • Mùa đông, mùa mưa: Đa số các bệnh về đường hô hấp, trong đó có triệu chứng sổ mũi xảy ra khi “trái gió trở trời” lúc không khí lạnh và khô hơn, có nhiều vi khuẩn hơn. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, làm cho niêm mạc mũi bị khô hơn.
  • Nhà trẻ, trường học cũng làm tăng nguy cơ chảy dịch mũi do dễ lây lan khi trẻ nhỏ tiếp xúc gần với nhau.
  • Giao tiếp: Thường xuyên chạm tay vào mũi, mắt, miệng mà không rửa tay bằng xà phòng làm lây lan vi khuẩn, virus.

Các trường hợp của sổ mũi

Xem thêm
  • Dịch mũi lẫn máu:Dịch mũi lẫn máu có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhất là những người thường xuyên bị sổ mũi. Khi bị dịch mũi lẫn máu có thể kèm theo các triệu chứng như: nghẹt mũi, hắt hơi, rát mũi.
  •  Sổ mũi, nghẹt mũi:Sổ mũi kèm theo nghẹt mũi xuất phát từ nhiều nguyên nhân như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, nhiễm trùng đường hô hấp,… Dịch mũi, nghẹt mũi là tình trạng mà nhiều người gặp phải, nhất là khi thời tiết thay đổi thất thường.
  • Sổ mũi, ho:Ho và sổ mũi thường gặp ở người lớn và trẻ nhỏ. Những triệu chứng này thường liên quan đến bệnh đường hô hấp.Thông thường, chảy dịch mũi và ho là hậu quả của các bệnh: viêm mũi, viêm họng, viêm phổi, hen phế quản,…
  • Sổ mũi, sốt:Sổ mũi, sốt tuy không để lại biến chứng nguy hiểm nhưng cần điều trị nội khoa bởi bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng thì bệnh sẽ mau chóng khỏi. Ngoài triệu chứng dịch mũi, sốt, người bệnh còn có thể bị ho, có đờm, nghẹt mũi,…
  • Sổ mũi, đau họng:Tình trạng sổ mũi, đau họng là dấu hiệu của viêm mũi dị ứng, có thêm các triệu chứng giống như cảm lạnh như hắt hơi, nghẹt mũi, sốt nhẹ,… 
  • Sổ mũi, nhức đầu:Sổ mũi, nhức đầu có thể là do viêm xoang, xuất hiện thêm các triệu chứng mệt mỏi, khó chịu như nghẹt mũi, đau nhức liên tục, nước mũi có màu vàng hoặc xanh, ho có đờm liên tục,…
  •  Sổ mũi, có đờm:Sổ mũi, có đờm thường đi kèm với các triệu chứng: ho nhiều, hôi miệng, buồn nôn khi dịch đờm di chuyển đến họng, có cảm giác nghẹn ở cổ họng,… Dịch mũi, có đờm xuất phát từ nhiều nguyên nhân: viêm xoang, viêm mũi dị ứng, thời tiết thay đổi đột ngột, thời kỳ mang thai,…
  •  Sổ mũi, ù tai:Sổ mũi, ù tai là tình trạng mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải. Tình trạng này có thể biểu hiện một số bệnh sau: cảm cúm, viêm họng cấp, viêm xoang, viêm mũi dị ứng, ung thư vòm họng,…
  • Sổ mũi, hắt xì:Sổ mũi, hắt xì liên tục, khả năng cao là bệnh viêm mũi dị ứng, hay gặp ở những người trưởng thành. Chảy dịch mũi, hắt xì liên tục nếu không điều trị dứt điểm, có thể gây nên nhiều biến chứng như: phù nề gây nghẹt mũi, niêm mạc mũi bị thoái hóa, viêm phế quản, viêm tai giữa,…
  • Sổ mũi mất khứu giác:Sổ mũi nhưng mất khứu giác có thể do phù nề niêm mạc trong mũi, tắc nghẽn không cho mùi xâm nhập vào vùng mũi. Nguyên nhân có thể kể đến như: viêm xoang, viêm mũi dị ứng, cảm lạnh, cảm cúm, mắc Covid-19,…
  • Sổ mũi, mất vị giác;Sổ mũi, mất vị giác xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể do nhiễm siêu vi. 
  • Sổ mũi có mùi hôi:Sổ mũi với nước mũi có mùi hôi gây khó chịu, mất tự tin. Tình trạng này có thể do: viêm xoang, viêm amidan, chảy dịch mũi sau, polyp mũi,…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Một số dấu hiệu chảy nước mũi bất thường gợi ý có vấn đề sức khỏe mà bạn cần chú ý:

  • Chảy nước mũi kéo dài trên 1 tuần.
  • Chảy nước mũi 1 bên.
  • Nước mũi đục, màu xanh hoặc vàng.
  • Nước mũi có mùi hôi, thối.
  • Sổ mũi kèm sốt cao liên tục.
  • Sổ mũi kèm đau đầu, thường tái phát.
  • Sổ mũi kèm mất vị giác hoặc khứu giác, đặc biệt khi có yếu tố dịch tễ liên quan đến COVID-19

Điều trị khi bị sổ mũi

Sử dụng thuốc

 Tùy nguyên nhân gây dịch mũi, sẽ có các loại thuốc đặc trị phù hợp:

  • Thuốc co mạch giảm triệu chứng: Các thuốc co mạch dạng xịt chứa oxymetazoline để giảm triệu chứng tắc nghẽn mũi. Tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng, không nên dùng trong thời gian dài.
  • Thuốc kháng histamin: Sử dụng thuốc kháng histamin trong trường hợp sổ mũi do dị ứng, nhiễm virus.

Chế độ vệ sinh-sinh hoạt

  • Dành thời gian nghỉ ngơi.
  • Uống nhiều nước lọc.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm giúp không khí không bị khô.
  • Làm sạch dịch nhầy mũi bằng dung dịch xịt chuyên dụng.

Phương pháp phòng ngừa sổ mũi

  • Đeo khẩu trang ở nơi đông người.
  • Hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh lý hô hấp.
  • Thực hiện chế độ ăn lành mạnh và giàu dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất để hỗ trợ tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Rửa tay bằng xà phòng.
  • Bỏ khăn giấy đã sử dụng sau khi xì mũi hoặc lau mũi đúng nơi quy định.
  • Ho và hắt hơi vào khủy tay.
  • Khử trùng thường xuyên những vị trí hay cầm nắm.

Trên đây là những thông tin hữu ích về triệu chứng sổ mũi. Hi vọng bài viết này giúp bạn biết các nguyên nhân gây tình trạng chảy mũi, từ đó có các biện pháp phòng bệnh phù hợp. Hãy chia sẻ thông tin trên đến mọi người xung quanh bạn nhé!

Dược sĩ Nguyễn Thanh LoanKiểm duyệt nội dung - Nhà thuốc Bạch Mai
Điện thoại | Email | Facebook | Youtube | Tiktok | Twitter

Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan tốt nghiệp Khoa Dược tại trường Cao đẳng y dược Pasteur. Hiện đang là quản lí nội dung tại Nhà thuốc Bạch Mai.

More Posts