Viêm nướu và viêm nha chu đều là những bệnh lý răng miệng mà nhiều người thường gặp phải và dễ bị nhầm lẫn với nhau. Tuy nhiên, viêm nướu và viêm nha chu là 2 tình trạng riêng biệt với các triệu chứng và cách điều trị hoàn toàn khác nhau. Tìm hiểu rõ nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa bệnh viêm nha chu  trong bài viết dưới đây.

Nha chu là gì?

Nha chu là tình trạng viêm nhiễm của tổ chức quanh răng, ảnh hưởng đến cấu trúc nâng đỡ răng, khiến răng mất liên kết với tổ chức nâng đỡ này.

Ban đầu chỉ ảnh hưởng đến phần mô mềm – nướu răng – sau có thể phát triển ảnh hưởng đến cả xương ổ răng có vai trò quan trọng trong việc giữ răng. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nha chu có thể gây ra rụng răng, mất răng.

Nguyên nhân gây bệnh nha chu

Nguyên nhân chính là các mảng bám răng. Mảng bám răng là những màng sinh học cứng chắc có chứa các vi khuẩn có hại, hình thành trong miệng của bất cứ cá nhân nào. Vi khuẩn có hại phá hủy răng và nướu. Nếu các mảng bám không được loại bỏ, có thể dẫn đến nướu tụt ra khỏi răng, hình thành nên những túi nha chu có mủ.

Vi khuẩn có hại trong mảng bám, vôi răng là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh viêm nha chu

 Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh nướu và nha chu?

Xem thêm

Đối tượng có nguy cơ cao mắc phải viêm nướu và nha chu bao gồm:

    • Vệ sinh răng miệng không đúng cách.
    • Chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin C, D.
    • Phụ nữ có thai hoặc đang ở giai đoạn mãn kinh, giai đoạn dậy thì.
    • Hút thuốc lá.
    • Mắc các bệnh toàn thân như đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, viêm khớp dạng thấp, Alzheimer…
    • Bệnh nhân đang điều trị ung thư, HIV/AIDS, hệ thống miễn dịch suy giảm.

Mối liên hệ giữa viêm nướu và viêm nha chu

Viêm nướu thường xảy ra trước viêm nha chu. Nhưng không phải viêm nướu nào cũng dẫn đến viêm nha chu. Hầu hết mọi người đều đã bị viêm nướu vào một thời điểm nào đó trong đời và các triệu chứng nhẹ của nó khiến bạn dễ dàng bỏ qua.

Nhưng nếu không điều trị, nó có thể trở thành vấn đề lớn hơn cho miệng của bạn và tiến triển thành viêm nha chu.

Triệu chứng của viêm nha chu?

    • Nướu (lợi) tấy đỏ, sưng và dễ bị chảy máu (khi đánh răng hoặc làm sạch kẽ răng)
    • Nướu tụt ra khỏi răng
    • Hơi thở có mùi hôi
    • Túi mủ hình thành giữa răng và nướu
    • Răng bị lung lay hoặc cách xa các răng còn lại
    • Sự thay đổi về sự khít sát nhau của các răng khi cắn
    • Trường hợp dùng hàm giả bán phần sẽ cảm thấy sự thay đổi về sự vừa khít của hàm giả so với hàm thật

Dấu hiệu nhận biết viêm nha chu:

    • Xuất hiện túi nha chu chảy mủ
    • Chân răng suy yếu, răng lung lay
    • Tụt nướu làm chân răng lộ ra nhiều, miệng có mùi hôi nặng,
    • Tiêu xương ổ răng là dấu hiệu nghiêm trọng bậc nhất, báo hiệu nguy cơ mất răng rất cao

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Ảnh hưởng của bệnh viêm nha chu

Viêm nha chu là một trong những bệnh lý răng miệng có ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe răng miệng của bệnh nhân:

    • Hôi miệng, khiến người bệnh mất tự tin trong giao tiếp
    • Gây đau nhức, khó chịu, đặc biệt nhạy cảm với các thức ăn nóng/ lạnh
    • Gây mất khẩu vị, khó khăn trong ăn uống, ảnh hưởng đến dạ dày
    • Làm chân răng lung lay, trường hợp viêm nha chu tiến triển nặng, bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ mất răng.

Hình thành áp xe là một biến chứng thường gặp của viêm nha chu

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nướu và nha chu

Lâm sàng: 

    • Thăm khám trực tiếp răng, nướu, mô mềm khác.
    • Chẩn đoán viêm nướu cần dựa vào triệu chứng viêm nướu như: Nướu sưng đỏ, có mảng bám và dễ chảy máu. 
    • Nếu nghi ngờ viêm nha chu cần đánh giá túi nha chu bằng các dụng cụ đo.

Cận lâm sàng: 

Chụp phim X-quang để đánh giá tình trạng tiêu xương.

Điều trị viêm nha chu như thế nào?

Mục đích làm sạch mảng bám và các túi nha chu xung quanh răng và ngăn chặn tổn thương cho xương ổ răng.    

Điều trị không phẫu thuật

    • Chỉnh sửa hoặc thay thế những miếng trám và phục hình không đúng kỹ thuật.
    • Đánh giá và chỉ định răng cần nhổ, những răng không thể giữ được.
    • Cố định răng nếu lung lay.
    • Thực hiện phục hình tạm thời.
    • Cạo cao răng.
    • Bôi các thuốc sát khuẩn, chống viêm.

Điều trị phẫu thuật

    • Phẫu thuật chỉ áp dụng khi bệnh ở giai đoạn nặng, có nguy cơ mất răng. Một số loại phẫu thuật bao gồm:
    • Phẫu thuật loại bỏ túi nha chu.
    • Phẫu thuật làm dài chân răng.
    • Phẫu thuật ghép mô mềm.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

    • Đến phòng khám nha khoa để được các nha sĩ chăm sóc răng miệng theo định kỳ, lấy cao răng 6 tháng/lần để hạn chế cao răng gây viêm lợi dẫn đến viêm nha chu..
    • Sử dụng bàn chải có lông mềm, khi đánh răng không nên đánh quá mạnh tay vì sẽ khiến lợi bị tụt và bị tổn thương. Bên cạnh đó, cần thay bàn chải sau 3 – 4 thángsử dụng. Có thể dùng bàn chải đánh răng điện vì sẽ giúp loại bỏ mảng bám và cao răng tốt hơn.
    • Đánh răng 2 lần/ ngàyvào buổi sáng và tối. Hoặc có thể nhiều hơn sau mỗi bữa ăn.
    • Sử dụng chỉ nha khoa, bàn chải kẽ răng hay nước súc miệng để loại bỏ mảng bám giữa các kẽ răng.
    • Ăn uống khoa học và hợp lý, tăng cường rau xanh và trái cây để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
    • Ngay khi phát hiện dấu hiệu của bệnh cần đến bác sĩ nha khoa sớm để điều trị, tránh để lâu dẫn đến tình trạng mất răng hoặc phải nhổ bỏ răng.

Bệnh nha chu và viêm nha chu đều là những bệnh răng miệng phổ biến nhưng lại ít được quan tâm đúng mức. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn nhận thức rõ hơn vai trò chăm sóc răng miệng để phòng ngừa bệnh nha chu

 

Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan tốt nghiệp Khoa Dược tại trường Cao đẳng y dược Pasteur. Hiện đang là quản lí nội dung tại Nhà thuốc Bạch Mai.

More Posts