Xem thêm
Giai đoạn đầu
Ở giai đoạn đầu của sốt xuất huyết Dengue, bệnh nhân thường khởi phát với triệu chứng sốt cao đột ngột 39-40 độ và kéo dài trong vòng 4-7 ngày từ khi bị muỗi đốt và lây truyền mầm bệnh. Ngoài ra, các triệu chứng khác cảnh báo bệnh như:
- Đau đầu liên tục;
- Đau nhức hai hốc mắt;
- Đau khớp và cơ;
- Chán ăn, buồn nôn;
- Có ban xuất huyết dưới da;
- Chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.
Các ban sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt và dần thuyên giảm sau 1-2 ngày. Người bệnh có thể bị nổi ban lại một lần nữa vào ngày sau đó. Trong giai đoạn này, xét nghiệm có thể thấy số lượng tiểu cầu bình thường hoặc cũng có thể giảm dần (nhưng vẫn còn trên 100.000/mm3). Số lượng bạch cầu thường giảm.
Giai đoạn nguy hiểm
Ở giai đoạn nguy hiểm, thông thường rơi vào ngày thứ 3 cho đến thứ 7 của bệnh, người bệnh có thể sốt hoặc giảm sốt. Có thể có các biểu hiện như:
- Đau bụng dữ dội và liên tục hoặc tăng cảm giác đau, nhất là ở vùng gan;
- Người bệnh còn có thể có dấu hiệu vật vã, li bì, nôn ói;
- Có các biểu hiện của thoát huyết tương, nếu nặng hơn có dẫn thể đến sốc với biểu hiện vật vã, bứt rứt, li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt, da lạnh, nổi vân tím (sốc nặng), tiểu ít;
- Tràn dịch màng phổi, mô kẽ có thể gây suy hô hấp, phù nề mí mắt;
- Có thể xuất huyết dưới da. Các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết xuất hiện ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, hay vùng bụng, đùi, mạng sườn. Xuất huyết niêm mạc, người bệnh có dấu hiệu chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu.
Trong một số trường hợp nặng, bệnh nhân có thể có biểu hiện suy tạng, như tổn thương gan nặng hay suy đa cơ quan gan, thận, tim, phổi, não. Những biểu hiện nặng có thể xảy ra ở người bệnh có hoặc không có sốc do thoát huyết tương.
3. Giai đoạn hồi phục
Sốt xuất huyết giai đoạn hồi phục thường diễn ra vào ngày thứ 7 đến thứ 10 của bệnh. Người bệnh lúc đó hết sốt, thể trạng tốt hơn, có cảm giác thèm ăn, tiểu nhiều. Số lượng tiểu cầu sẽ tăng dần và trở về trạng thái bình thường.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh sốt xuất huyết
Hầu hết bệnh nhân đều hồi phục trong vòng một tuần hoặc lâu hơn. Ở một số trường hợp, bệnh có thể nặng lên và gây đe doạ tính mạng. Tình trạng này gọi là sốt xuất huyết Dengue nặng. Cần lưu ý các dấu hiệu cảnh báo (xem phần dấu hiệu và triệu chứng) vì các dấu hiệu này có thể gợi ý tình trạng bệnh nhân sốt xuất huyết có nguy cơ chuyển nặng và đe doạ tính mạng.
Sốt xuất huyết Dengue nặng có thể bao gồm các biến chứng sau đây:
- Sốc xuất huyết;
- Xuất huyết nội tạng;
- Suy chức năng các cơ quan;
- Tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Chẩn đoán sốt xuất huyết
Chẩn đoán dengue thường dựa vào các yếu tố dịch tễ, biểu hiện lâm sàng như trình bày ở trên cũng như dựa vào các xét nghiệm đơn giản: số lượng bạch cầu, số lượng tiểu cầu và hematocrit.Số lượng bạch cầu trong máu ngoại vi: dengue xuất huyết thường có giảm bạch cầu. Trường hợp tăng bạch cầu và tăng bạch cầu trung tính thường là cơ sở để loại trừ dengue xuất huyết.
Khi bệnh nhân có đồng thời hai dấu hiệu giảm tiểu cầu và cô đặc máu thì được chẩn đoán là sốt xuất huyết dengue và được phân loại theo WHO (6):
Độ I: giảm tiểu cầu kèm cô đặc máu nhưng không có chảy máu tự phát.
Độ II: giảm tiểu cầu và cô đặc máu kèm theo chảy máu tự phát.
Độ III: giảm tiểu cầu và cô đặc máu, huyết động không ổn định: mạch lăn tăn, huyết áp kẹp (hiệu số huyết áp tâm thu – huyết áp tâm trương < 20 mm Hg), tay chân lạnh, tinh thần lú lẫn.
Độ IV: giảm tiểu cầu và cô đặc máu, sốc biểu hiện rõ: bệnh nhân không có mạch ngoại biên, huyết áp = 0 mm Hg.
Hematocrit: khi giá trị hematocrit tăng trên 20% so với trị số bình thường trước đó thì bệnh nhân được coi là có cô đặc máu. Đây là một tiêu chuẩn chẩn đoán sốt xuất huyết dengue. Nếu không biết được giá trị hematocrit bình thường của bệnh nhân thì có thể xem giá trị > 45% là mốc chẩn đoán
Một số xét nghiệm khác nhằm đánh giá mức độ bệnh: điện giải đồ, khí máu, chức năng đông máu, men gan, X quang phổi nhằm phát hiện biến chứng tràn dịch màng phổi
Điều trị bệnh sốt xuất huyết
Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, hầu hết bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 2 tuần. Bác sĩ sẽ điều trị các triệu chứng để hạn chế diễn tiến nặng có thể xảy ra. Những trường hợp nhiễm bệnh nhẹ có thể tự khỏi sau một tuần. Những trường hợp nặng được điều trị chủ yếu giảm triệu chứng và kiểm soát các nguy cơ diễn biến nặng của bệnh bằng cách hạ sốt, truyền dịch và chống sốc tích cực.
Điều trị bao gồm:
- Dùng thuốc hạ sốt nên ưu tiên lựa chọn sử dụng paracetamol.
- Có thể kết hợp với biện pháp hạ sốt vật lý như lau mát các vùng nách, bẹn, các nếp gấp, trán và lau toàn bộ cơ thể bằng nước ấm để hạ nhiệt.
- Bù dịch đúng cách thông qua đường uống hoặc truyền dịch theo chỉ định của bác sĩ
- Tăng cường bền thành mạch : rutin-c, daflon,
- Bổ gan
- Vitamin, thymomodulin tăng đề kháng
Nhập viện thời gian ngắn (12 – 24 giờ)
Nếu biện pháp bù nước bằng đường uống không lại kết quả và xuất hiện các điểm xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc của người bệnh thì cần đưa người bệnh nhập viện ngay.
Nhập viện thời gian dài (> 24 giờ)
Khi có biểu hiện chân tay lạnh, sốt li bì, mạch yếu, viêm họng, khó thở… người bệnh sốt xuất huyết cần được đưa vào nhập viện điều trị ngay.
Phòng ngừa sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác qua đường trung gian là muỗi vằn, chính vì thế, biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết ở người lớn và trẻ nhỏ hiệu quả nhất chính là:
- Vệ sinh nơi ở, môi trường sống xung quanh sạch sẽ.
- Không nên trữ nước trong nhà.
- Tiêu diệt muỗi vằn bằng cách đốt nhang muỗi, vợt muỗi, phun thuốc diệt muỗi.
- Phát quang bụi rậm và ngủ màn để tránh bị muỗi đốt.
Tiêm vắc xin sốt xuất huyết là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết hiệu quả. Vắc xin Qdenga đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép lưu hành, đồng thời đã và đang được sử dụng, lưu hành tại hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Vắc xin Qdenga được phát triển bởi hãng dược phẩm Takeda, được chứng minh có khả năng phòng sốt xuất huyết do virus Dengue gồm 4 loại huyết thanh virus là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4 gây ra với hiệu quả giảm 80,2% nguy cơ nhiễm bệnh và giảm 90,4% nguy cơ nhập viện.
Sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm với nguy cơ biến chứng rất cao, do vậy, để bảo vệ sức khỏe của bản thân hãy chủ động tìm hiểu về căn bệnh này và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.Hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân thông tin hữu ích trên nhé!