Thai ngoài tử cung là bất thường trong sản khoa, có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi.Cùng tìm hiểu về thai ngoài tử cung qua bài viết sau nhé!

Thai ngoài tử cung là gì?

Thai ngoài tử cung là hiện tượng thai không làm tổ trong buồng tử cung mà làm tổ ở những nơi khác như: vòi trứng, ổ bụng, ở cổ tử cung. Tình trạng này thường xuất hiện ở những phụ nữ bị hẹp, dị tật ống dẫn trứng bẩm sinh hoặc có thể đã từng phẫu thuật có liên quan đến ống dẫn trứng.

Thai ngoài tử cung gặp ở 1,3 – 2,4% các trường hợp mang thai và có xu hướng ngày càng tăng. Đây cũng là nguyên nhân gây chảy máu dẫn đến tử vong hàng đầu trong 3 tháng đầu của thai kỳ (khoảng 4 – 10%)

Nguyên nhân gây mang thai ngoài tử cung

Nguyên nhân gây ra tình trạng chửa ngoài tử cung thường không rõ ràng, có thể do bẩm sinh hoặc có thể là do vấn đề sức khỏe của người mẹ. 

  • Viêm nhiễm phụ khoa ảnh hưởng đến vòi trứng (đây là nguyên nhân thường gặp nhất): đặc biệt do viêm nhiễm Chlamydia trachomatis. Sau viêm nhiễm có thể để lại xơ, sẹo trong tử cung hoặc tại vòi trứng, ống cổ tử cung làm tăng nguy cơ mắc thai ngoài tử cung.
  • Có vật cản ống dẫn trứng: ngăn chặn sự di chuyển của hợp tử vào buồng tử cung khiến thai phải làm tổ tại ống dẫn trứng gây chửa ngoài tử cung. 
  •  Trước đây đã có những can thiệp liên quan đến phẫu thuật vòi trứng, nạo phá thai gây ra vết sẹo tại vùng phẫu thuật khiến thai khó làm tổ trong buồng tử cung.
  • Nội tiết thay đổi, mất cân bằng hoặc trứng đã thụ tinh không bình thường có thể dẫn đến thai phát triển ngoài tử cung.

  • Công nghệ hỗ trợ sinh sản: các phương pháp hỗ trợ sinh sản như bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) hay thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thường dùng thuốc kích trứng cũng như các dụng cụ can thiệp vào ống dẫn trứng. Qua đó có thể làm tăng tỷ lệ mắc thai ngoài tử cung.
  • Hút thuốc: trong thuốc lá có nhiều chất độc gây hại cho cơ thể, nhất là nicotine có thể làm giảm khả năng thụ thai, gây thai ngoài tử cung hoặc sảy thai,… ngay cả khi bạn hít khói thuốc lá thụ động.

Những dấu hiệu và triệu chứng của thai ngoài tử cung

Xem thêm

Thai ngoài tử cung có thể không gây ra các triệu chứng rõ ràng. Dấu hiệu ban đầu thường giống như khi mang thai thông thường:

  • Trễ kinh;
  • Căng tức ngực;
  • Buồn nôn.

Xuất hiện trong 4 – 12 tuần đầu tiên của thai kỳ. Tuy nhiên, người bệnh có thể xuất hiện thêm những triệu chứng khác như:

  • Đau vùng bụng dưới, cơn đau âm ỉ, tăng dần, thường lệch sang bên có khối chửa ngoài tử cung.
  • Chảy máu âm đạo, thường là máu màu nâu sẫm nên dễ nhầm với máu kinh, lượng máu chảy phụ thuộc vào mức độ bệnh.
  • Số ít người bệnh có thể kèm theo đau vùng trực tràng, táo bón hoặc đau vùng vai gáy.

  • Nếu trứng đã thụ tinh tiếp tục phát triển trong ống dẫn trứng, nó có thể gây vỡ ống. Điều này có khả năng gây xuất huyết nhiều bên trong bụng.
  • Choáng váng, ngất xỉu và sốc.

Biến chứng của mang thai ngoài tử cung

  • Đe dọa tính mạng người mang thai: thai ngoài tử cung vỡ có thể gây mất máu số lượng lớn trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Nếu không kịp thời phát hiện và xử lý có thể đe dọa tính mạng của sản phụ.
  • Chảy máu trong: triệu chứng chảy máu âm đạo trong vỡ khối thai ngoài tử cung có thể không tương xứng với mức độ mất máu của người bệnh do có chảy máu trong ổ bụng.
  • Tổn thương ống dẫn trứng

Khi nào cần gặp bác sĩ

Các dấu hiệu nguy cấp cần cấp cứu

Thai ngoài tử cung không thể tự điều trị tại nhà nên khi phát hiện bất kỳ triệu chứng nghi ngờ bệnh đều cần đến thăm khám bác sĩ để điều trị sớm nhất có thể, tránh những biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số dấu hiệu của thai ngoài tử cung cần được cấp cứu ngay:

  • Bụng chướng căng, cơn đau vùng bụng dưới liên tục.
  • Người bệnh có biểu hiện mất máu nghiêm trọng như người nhợt nhạt, nhịp tim đập nhanh hoặc có thể li bì, hôn mê.

Nơi khám và điều trị thai ngoài tử cung

  • Hà Nội: BV Phụ sản Hà Nội, Khoa sản – BV Bạch Mai, BV Phụ sản Trung Ương…

Chẩn đoán thai ngoài tử cung

Bác sĩ khai thác tiền căn và các dấu hiệu lâm sàng. Sau đó, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh dưới đây để xác định chính xác tình trạng bệnh.

  • Siêu âm qua âm đạo
  • Đây là một phương pháp chẩn đoán phổ biến, có thể được thực hiện trong giai đoạn sớm từ 4 – 6 tuần đầu.
  • Xét nghiệm máu (đo nồng độ Beta hCG huyết thanh)

Điều trị mang thai ngoài tử cung

Thai nhi ngoài tử cung không thể cứu được. Các phương pháp điều trị thường là loại bỏ thai trước khi thai phát triển quá lớn để tránh gây nguy hiểm cho sản phụ

Dùng thuốc

  • Mang thai ngoài tử cung phát hiện sớm, không chảy máu thường được điều trị bằng methotrexate đường tiêm.
  • Sau khi tiêm, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm lại HCG để xác định mức độ hiệu quả của việc điều trị và liệu bạn có cần thêm thuốc hay không.

Phẫu thuật

Đa phần các trường hợp thai ngoài tử cung kích thước lớn hoặc có biến chứng điều sẽ được chỉ định phẫu thuật lấy bỏ khối thai. Có hai phương thức phẫu thuật chủ yếu gồm:

  • Phẫu thuật bảo tồn: bác sĩ sẽ lấy khối thai ngoài tử cung ra ngoài, cầm máu nhưng vẫn giữ lại vòi tử cung. Tuy nhiên, việc này có thể làm tăng khả năng thai ngoài tử cung trong lần tiếp theo nên thường được dùng với người có bất thường vòi tử cung còn lại hoặc phụ nữ trẻ.
  • Phẫu thuật triệt để: cắt bỏ khối chửa cùng và cả vòi tử cung, giữ lại buồng trứng của người bệnh. Phương pháp này thường áp dụng với sản phụ đã đủ con hoặc mắc thai ngoài tử cung nhiều lần.

Phòng ngừa mang thai ngoài tử cung

  • Không có phương pháp phòng ngừa mang thai ngoài tử cung, tuy nhiên bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây để giảm bớt nguy cơ:
  • Hạn chế số lượng bạn tình và nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục nhằm ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh viêm vùng chậu, viêm ống dẫn trứng…
  • Không hút thuốc lá, đặc biệt là khi đang mang thai.
  • Nên thử thai sớm khoảng 2 tuần sau khi chậm kinh để có thể kịp thời phát hiện thai ngoài tử cung, xử trí kịp thời làm giảm nguy cơ tử vong mẹ và biến chứng.
  • Hạn chế nạo phá thai.
  • Khám phụ khoa định kỳ, thường xuyên tầm soát các bệnh về sinh dục.

 Hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bạn những kiến thức bổ ích về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa thai ngoài tử cung. Hãy chia sẻ bài viết đến bạn bè và người thân xung quanh bạn nhé!

Dược sĩ Nguyễn Thanh LoanKiểm duyệt nội dung - Nhà thuốc Bạch Mai
Điện thoại | Email | Facebook | Youtube | Tiktok | Twitter

Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan tốt nghiệp Khoa Dược tại trường Cao đẳng y dược Pasteur. Hiện đang là quản lí nội dung tại Nhà thuốc Bạch Mai.

More Posts