Thai trứng: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và phòng ngừa
Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan
19 Tháng sáu, 2024
Thai trứng là bệnh lý chỉ sự phát triển bất thường của gai nhau, có ảnh hưởng xấu đối với bào thai và sức khỏe sinh sản của người mẹ, đòi hỏi cần phát hiện và điều trị sớm để ngăn chặn biến chứng. Cùng tìm hiểu về bệnh lý thai trứng qua bài viết dưới đây nhé!
Bình thường sau khi tinh trùng và trứng kết hợp với nhau thì hiện tượng thụ tinh sẽ diễn ra. Sau khi thụ tinh, trứng sẽ di chuyển vào lòng tử cung và bám dính làm tổ trên niêm mạc tử cung, hình thành thai nhi và các phần phụ khác như bánh nhau và túi ối.
Thai trứng hay còn gọi là chửa trứng là một tình trạng bệnh lý bắt nguồn từ thai nghén, do sự tăng sinh bất thường của lớp tế bào nuôi trong gai nhau, tạo thành những túi chứa đầy dịch, chúng không thông nhau mà dính vào nhau như chùm nho, cho hình ảnh giống với trứng ếch.
Phân loại chửa trứng
Chửa trứng chia làm 2 loại:
Chửa trứng hoàn toàn: Không có tổ chức thai nhi, các gai rau phình to, mạch máu lông rau biến mất, lớp tế bào nuôi tăng sinh mạnh.
Chửa trứng bán phần: Có thai nhi hay 1 phần thai nhi, phần lớn gai rau biến thành túi nước, còn 1 phần gai rau bình thường.
Chửa trứng cũng có thể được phân biệt dựa vào tính chất:
Chửa trứng lành tính: Lớp hợp bào ko bị phá vỡ, lớp đơn bào ko ăn vào cơ tử cung.
Chửa trứng ác tính (chửa trứng xâm nhập): Lớp hợp bào mỏng đi và có từng vùng bị phá vỡ. Lớp đơn bào ở trong xâm lấn ra ngoài tràn vào niêm mạc tử cung, ăn sâu vào lớp cơ tử cung, có khi ăn thủng lớp cơ tử cung gây chảy máu trong ổ bụng.
Nguyên nhân gây thai trứng
Hiện tại, người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân Thai trứng bắt nguồn từ đâu.Điều này có thể xảy ra với bất kì phụ nữ thuộc mọi dân tộc, lứa tuổi và điều kiện sống khác nhau. Một số yếu tố ảnh hưởng có thể kể đến như:
Trong quá trình thụ tinh có sự sai sót của yếu tố di truyền dẫn đến bất thường ở bộ nhiễm sắc thể.
Tuổi của người mẹ. Theo nghiên cứu, nếu tuổi người mẹ mang thai trên 40 tuổi thì có nguy cơ mang thai trứng gấp 5.2 lần so với người mẹ mang thai ở độ tuổi 21 đến 35, và ngược lại nếu người mẹ mang thai dưới 20 tuổi cũng tăng đáng kể nguy cơ thai trứng.
Một số trường hợp có tiền sử thai nghén bất thường cũng làm tăng nguy cơ thai trứng như: có tiển sử mang thai trứng,…
Ngoài ra còn một số các trường hợp khác như: suy dinh dưỡng (thiếu đạm và thiếu vitamin A), hệ miễn dịch của cơ thể bất thường,…
Triệu chứng Thai trứng
Xem thêm
Trong những tuần đầu, Thai trứng có thể biểu hiện giống như thai kì bình thường. Nhưng sau đó, hầu hết thai trứng gây ra những triệu chứng rất đặc biệt, bao gồm:
Chậm kinh hoặc tắt kinh
Bụng dưới phình to, đau bụng,không phù hợp với tuổi thai, khi sờ nắn thấy bụng mềm. Siêu âm thì không thấy hoạt động của tim thai.
Rong huyết: Đây là triệu chứng quan trọng đầu tiên, chiếm trên 90% trường hợp chửa trứng. Máu ra ở âm đạo tự nhiên, máu sẫm đen hoặc đỏ loãng, ra kéo dài.
Nghén nặng: Gặp trong 25-30% các trường hợp, biểu hiện nôn nhiều, đôi khi phù, có protein niệu.
Khi đến giữa thai kỳ không sờ được phần thai, không nghe được tim thai
Nếu thai trứng toàn phần sẽ xảy ra tình trạng thiếu máu, thai phụ có biểu hiện mệt mỏi, xanh xao, niêm mạc nhợt, bị hoa mắt chóng mặt
Dấu hiệu tiền sản giật
Triệu chứng cường giáp: nhịp tim nhanh, mệt mỏi, đồ mồ hôi, run tay
Các biến chứng Thai trứng
Thai trứng nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể đem đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh:
Khi thai trứng bị kích thích dẫn đến sảy tự nhiên sẽ làm cho tử cung bị chảy máu nhiều và sản phụ rơi vào tình trạng sốc mất máu, nguy hiểm cho tính mạng
Băng huyết: xuất hiện sau khi người bệnh sảy thai do bánh nhau bất thường.
Suy dinh dưỡng: do chảy máu âm đạo liên tục trong một thời gian dài khiến cơ thể bị thiếu hụt dinh dưỡng, da xanh xao, thiếu máu.
Thai trứng xâm lấn thành tử cung làm cho thành tử cung khó đàn hồi, nguy cơ cao bị băng huyết hoặc dễ sót trứng, sót nhau thai và phải cắt toàn bộ tử cung
Xâm lấn gây thủng tử cung: Do trứng ăn sâu vào cơ tử cung, làm thủng lớp cơ tử cung, gây chảy máu ổ bụng.
Ung thư: Ung thư tế bào nuôi xâm nhập sang cơ thể mẹ qua đường máu di căn đến bộ phận xa. Đây còn gọi là hiện tượng ung thư mô trung sản, chiếm khoảng 10 – 30% các ca chửa trứng.
Nhiễm trùng tử cung: do vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài vào lớp niêm mạc và cơ tử cung khiến người bệnh sốt, đau bụng, chảy máu âm đạo.
Nhiễm trùng máu: nếu tác nhân gây viêm di chuyển vào trong máu và lan ra khắp cơ thể.
Tiền sản giật: gây tổn thương đa cơ quan (tim mạch, gan, thận, não) của người mẹ.
Sốc: gặp trong trường hợp bệnh nhân băng huyết, mất máu cấp tính.
Thai trứng tuy là bệnh lành tính nhưng lại có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, người bệnh nên đi khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường:
Rối loạn kinh nguyệt hoặc huyết trắng có máu.
Bụng to bất thường.
Đau tức vùng bụng dưới
Buồn nôn và nôn mửa nhiều.
Chẩn đoán Thai trứng
Khám bụng dưới và âm đạo: Căn cứ vào các dấu hiệu và triệu chứng khai thác được, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng để có được chẩn đoán sơ bộ. Khám âm đạo và bụng dưới cần được tiến hành để phát hiện các bất thường trên lâm sàng.
Xét nghiệm beta-hCG: tăng lên rất cao, có thể trên 30.000 đơn vị quốc tế.
Siêu âm: Rất có giá trị trong việc chẩn đoán chửa trứng. Có thể tiến hành kỹ thuật siêu âm qua bụng hay qua âm đạo. Trên siêu âm cho hình ảnh tuyết rơi trong lòng tử cung, không thấy phôi thai.
Xét nghiệm FT3, FT4: tăng, chứng tỏ có tình trạng cường giáp trên bệnh nhân.
Điều trị Thai trứng
Điều trị thai trứng sẽ được chỉ định bằng hai phương pháp là nạo hút và phẫu thuật cắt tử cung dự phòng:
Nạo hút thai trứng
Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ nong cổ tử cung kết hợp với máy hút để hút trứng.
Sau đó dùng kìm hình tim, thìa to và thìa cùn nạo lại để tránh sót trứng
Sau thủ thuật bệnh nhân sẽ được uống kháng sinh để đề phòng nhiễm khuẩn
Phẫu thuật cắt tử cung dự phòng
Nếu thai trứng xâm lấn tử cung hoặc có nguy cơ biến chứng thành ung thư nguyên bào nuôi sẽ được chỉ định cắt tử cung dự phòng.
Phương pháp này chỉ được áp dụng đối với phụ nữ trên 35 tuổi, đã có con hay có bệnh lý tại tử cung phối hợp.
Theo dõi sau điều trị
Beta-hCG: Sau nạo hút thai trứng hay phẫu thuật cắt tử cung, bệnh nhân cần được theo dõi nồng độ beta-hCG trong máu, để xác định xem thai trứng đã được loại bỏ hoàn toàn chưa. Xét nghiệm này cần được tiến hành 2 tuần/lần trong 3 tháng đầu, rồi 6 tháng/lần cho đến 1 năm.
Tránh thai: Bệnh nhân cần sử dụng biện pháp tránh thai trong vòng 1 năm sau khi điều trị bệnh.
Biện pháp phòng ngừa
Kiểm tra sức khỏe và tiêm phòng vaccine đầy đủ trước khi mang thai.
Khám thai định kỳ tối thiểu 3 lần trong suốt thai kỳ.
Không nên mang thai quá sớm hoặc quá muộn.
Theo dõi định kỳ và không nên mang thai lại trong vòng 1 năm sau khi điều trị thai trứng.
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trước và trong lúc mang thai, đặc biệt là các loại thịt đỏ, hải sản giúp bổ sung protein và hoa quả, rau xanh với nhiều vitamin và khoáng chất
.Trên đây là những chia sẻ kiến thức bổ ích về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị bệnh thai trứng. Hãy chia sẻ bài viết này đến với những bạn bè và người thân xung quanh bạn nhé!