Viêm bàng quang là một trong các bệnh lý đường tiết niệu thường gặp. Bệnh nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.Hãy cùng tìm hiểu các nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả trong bệnh viêm bàng quang qua bài viết dưới đây nhé!

Bệnh viêm bàng quang là gì?

Viêm bàng quang là tình trạng bàng quang bị viêm do nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Nhiễm trùng bàng quang xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo và đi vào bàng quang.

Bệnh viêm bàng quang là một bệnh rất phổ biến, chiếm khoảng trên 50% số ca nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm bàng quang

Viêm bàng quang do vi khuẩn, xảy ra khi có sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài vào đường tiết niệu qua niệu đạo và bắt đầu nhân lên. Đa số trường hợp là do vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) gây ra.

Hệ tiết niệu bình thường có cấu trúc ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập, nước tiểu cũng có đặc tính kháng khuẩn, ức chế sự sinh sản của vi khuẩn. Nhưng khi cơ thể bạn suy yếu, giảm sức đề kháng hoặc niệu đạo bị tổn thương thì vi khuẩn có cơ hội xâm nhập và gây bệnh.

Các nguyên nhân khác

  • Viêm bàng quang kẽ.
  • Xạ trị, nhất là xạ trị vùng chậu.
  • Thuốc: thuốc hóa trị như ifosfamide, cyclophosphamide…

Một số yếu tố liên quan viêm bàng quang như:

  • Giới tính: tần suất bệnh ở nữ giới nhiều hơn nam giới.
  • Tuổi: gia tăng theo độ tuổi.
  • Quan hệ tình dục không an toàn.
  • Bất động lâu ngày.
  • Phụ nữ mang thai.
  • Phụ nữ mãn kinh.
  • Có bất thường đường tiết niệu như: sỏi niệu (sỏi bàng quang, sỏi thận, sỏi niệu quản), phì đại tuyến tiền liệt, bàng quang thần kinh, hẹp niệu đạo… hoặc thủ thuật đường tiết niệu như đặt thông tiểu, nội soi bàng quang…
  • Bệnh đái tháo đường, nhiễm HIV hay đang điều trị ung thư.
  • Đặt ống thông tiểu trong thời gian dài.
  • Vệ sinh vùng kín không đúng cách tạo cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào bàng quang.

Đường lây truyền bệnh Viêm bàng quang

  • Viêm ngược dòng từ niệu đạo đi lên
  • Viêm thận lan xuống
  • Từ đường máu: do du khuẩn huyết (E.coli) hoặc nhiễm khuẩn huyết gây ra

Triệu chứng dấu hiệu viêm bàng quang

Xem thêm

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm bàng quang

  • Nước tiểu đục, có mủ, có mùi hôi hoặc tiểu ra máu.
  • Đi tiểu nhiều lần trong ngày nhưng tiểu dắt và mỗi lần chỉ tiểu ra một ít.
  • Đi tiểu đau buốt và có cảm giác nóng rát, cảm giác rùng mình sau khi tiểu xong.
  • Đột nhiên buồn tiểu, không thể nín tiểu được.
  • Đau vùng thượng vị.
  • Mỏi lưng, khó chịu ở vùng xương chậu.
  • Bị đau rát khi quan hệ tình dục.
  • Đối với trẻ em có thể đái dầm nhiều lần vào ban ngày.
  • Cảm giác mệt mỏi, đau đầu và thường không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ (dưới 38 độ).

Tiểu đau buốt là triệu chứng đặc trưng của  viêm bàng Quang cấp

Biến chứng của bệnh viêm bàng quang

Bệnh viêm bàng quang nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có khả năng đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như:

  • Tiểu ra máu, thiếu máu: Khi bệnh viêm bàng quang trở nặng người bệnh có thể đi tiểu ra máu. Nếu kéo dài không điều trị sẽ có nguy cơ dẫn tới thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu,…
  • Nhiễm trùng thận, suy thận: Do vi khuẩn đi ngược từ bàng quang lên trên thận có thể gây nên nhiễm trùng thận, thời gian nhiễm trùng càng kéo dài có thể dẫn tới thận hư, suy thận
  • Rối loạn tiểu tiện

Khi nào cần gặp bác sĩ

Các dấu hiệu cần đến gặp bác sĩ

Nếu gặp phải các dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ viêm bàng quang, bạn cần đến các trung tâm y tế hoặc bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm và lắng nghe lời khuyên từ bác sĩ, một số dấu hiệu như:

  • Tiểu ít, đi tiểu thường xuyên.
  • Cảm giác đau, nóng rát khi đi tiểu.
  • Sốt cao, mệt mỏi kéo dài.
  • Đau, khó chịu ở vùng chậu, có thể giảm sau khi đi tiểu.
  • Nước tiểu đục, sẫm màu, có mùi hôi.

Nơi khám chữa bệnh uy tín

  • Hà Nội: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai,…

Chẩn đoán phát hiện bệnh viêm bàng quang

Viêm bàng quang có thể được chẩn đoán bằng cách thực hiện các xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu để tìm vi khuẩn gây bệnh, máu và/hoặc mủ trong nước tiểu
  • Soi bàng quang
  • Xét nghiệm hình ảnh (chụp X-quang, chụp CT scanner)

Phân tích nước tiểu giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường như vi khuẩn, mủ trong nước tiểu

Điều trị viêm bàng quang

Việc điều trị bệnh viêm bàng quang sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh

Kháng sinh thường là lựa chọn đầu tiên của bác sĩ khi điều trị viêm bàng quang do vi khuẩn. Các loại thuốc được chỉ định để điều trị bệnh thường là amoxicillin, nitrofurantoin, ciprofloxacin, sulfamethoxazole, trimethoprim. 

  • Nhiễm khuẩn lần đầu: Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng kháng sinh trong 3 ngày dù những triệu chứng có được cải thiện đáng kể trong vòng 1 ngày.
  • Nhiễm khuẩn tái phát: Sau khi điều trị đợt cấp viêm bàng quang, người bệnh có thể phải dùng kháng sinh dự phòng sau khi giao hợp hoặc sử dụng kháng sinh liều thấp mỗi ngày trong khoảng 3 đến 4 tuần.
  • Viêm bàng quang mắc phải ở bệnh viện: Trường hợp này tương đối phức tạp do những vi khuẩn kháng thuốc.
  • Phụ nữ mãn kinh có thể cần phải sử dụng thêm những loại thuốc estrogen dạng kem.

Ở nam giới bị viêm bàng quang, không có triệu chứng viêm tuyến tiền liệt có thể được điều trị trong 7 ngày bằng fluoroquinolon (ciprofloxacin, levofloxacin). Có thể được điều chỉnh phác đồ điều trị khi có kết quả cấy nước tiểu. Cần bổ sung thêm Amoxicillin/ clavulanate (Augmentin) vào phác đồ điều trị nếu vi khuẩn gây bệnh là Enterococcus.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Phương pháp phòng ngừa viêm bàng quang hiệu quả

  • Uống nhiều nước giúp tăng khả năng loại bỏ vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, uống nhiều nước đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân sau khi hóa trị hoặc xạ trị.
  • Đi tiểu thường xuyên, đi tiểu ngay khi có nhu cầu, không nhịn tiểu vì có thể gây tích tụ vi khuẩn ở niệu đạo làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
  • Lau từ trước ra sau khi đi vệ sinh giúp ngăn ngừa vi khuẩn ở vùng hậu môn lây lan đến âm đạo và niệu đạo.
  • Thường xuyên vệ sinh vùng da xung quanh bộ phận sinh dục nhưng không nên sử dụng xà phòng mạnh hoặc chất tẩy rửa quá mạnh.
  • Vệ sinh vùng bộ phận sinh dục sau khi quan hệ, kết hợp uống một ly nước đầy để giúp loại bỏ vi khuẩn có thể xâm nhập vào bàng quang.

Hy vọng bài viết đã cung cấp thêm cho bạn thông tin về bệnh viêm bàng quang. Nếu thấy hay và hữu ích, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè nhé!

Dược sĩ Nguyễn Thanh LoanKiểm duyệt nội dung - Nhà thuốc Bạch Mai
Điện thoại | Email | Facebook | Youtube | Tiktok | Twitter

Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan tốt nghiệp Khoa Dược tại trường Cao đẳng y dược Pasteur. Hiện đang là quản lí nội dung tại Nhà thuốc Bạch Mai.

More Posts