Viêm nang lông: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả
Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan
21 Tháng sáu, 2024
Viêm nang lông là một tình trạng da phổ biến xảy ra gây ngứa, đau, phát ban,… Ai cũng có thể mắc viêm nang lông ở bất kỳ đâu trên cơ thể như mặt, lưng, cánh tay, chân.Hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị bệnh lý này nhé!
Nang lông là cấu trúc nhỏ chứa lông trên da, và mỗi nang lông có một sợi lông (hoặc tóc) mọc ra từ đó.Viêm nang lông là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng, ảnh hưởng đến một hoặc nhiều nang lông. Viêm nang lông có thể xảy ra trên da ở bất cứ nơi nào (những nơi có nang lông), kể cả vùng da đầu, nhưng nhiều nhất trên vai, lưng, đùi, mông, cổ và nách, những nơi thường xảy ra ma sát. Viêm nang lông thường xuất hiện dưới dạng những vết sưng nhỏ, giống như mụn trứng cá hoặc phát ban.
Phân loại và nguyên nhân gây viêm nang lông
Viêm nang lông có thể được phân loại dựa trên mức độ tổn thương của nang lông.
Viêm nang lông do tụ cầu vàng:do vi khuẩn Staphylococcus aureus gây nhiễm trùng nang lông, khiến da xuất hiện mụn nhỏ chứa đầy mủ màu đỏ hoặc trắng. Nếu được chăm sóc tốt bệnh sẽ chuyển biến tốt hơn trong vài ngày tiếp theo.
Viêm nang lông do tắm bồn nước nóng: Trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) cũng thường được ghi nhận là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm nang lông.Vi khuẩn này xuất hiện nhiều ở các bồn tắm nóng, hồ bơi hoặc những vùng nước mất cân bằng về độ pH và Clo. Biểu hiện của viêm nang lông dạng này là phát ban hình tròn, gây ngứa, thường xuất hiện 1 – 2 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn.
Viêm nang lông do lông mọc ngược (Razor bumps). Đây là một kích ứng da gây ra bởi lông mọc ngược. Nó chủ yếu ảnh hưởng đến những người đàn ông có mái tóc xoăn cạo quá gần và dễ thấy nhất ở vùng mặt và cổ. Những người cạo lông vùng kín có thể bị ngứa ở vùng háng, tình trạng này có thể để lại sẹo thâm, sẹo lồi.
Viêm nang lông do nấm Pityrosporum. Loại này tạo ra mụn mủ mãn tính, đỏ, ngứa ở lưng và ngực và đôi khi trên cổ, vai, cánh tay trên và mặt.
Viêm nang lông do vi khuẩn gram âm: thường xuất hiện ở những bệnh nhân dùng kháng sinh để trị mụn trong thời gian dài. Điều này khiến vi khuẩn trở nên kháng thuốc và làm trầm trọng thêm các vấn đề về da như viêm nang lông, mụn trứng cá
Viêm nang lông bạch cầu ái toan: Loại viêm nang lông này thường gặp ở trẻ sơ sinh và những bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
Pseudofolliculitis barbae:Còn được gọi là “viêm da do dao cạo”, thường xảy ra ở vùng râu. Sau khi râu được cắt bằng dao cạo, các sợi râu bị cạo sát da có thể mọc ngược vào da, gây kích ứng. Nam giới có màu da đen và người tóc xoăn dễ mắc Pseudofolliculitis barbae hơn.
Mụn nhọt, xảy ra khi nang lông bị nhiễm trùng sâu. Nhọt thường đỏ, mềm và đau, nổi lên sau vài ngày và có thể để lại sẹo. Trong một số trường hợp bị nhọt nặng cần dùng thuốc uống hoặc can thiệp bằng thủ thuật rạch mủ để điều trị.
Yếu tố rủi ro gây viêm nang lông
Xem thêm
Các yếu tố bên ngoài
Thường xuyên mặc quần áo với chất liệu không thấm hút tốt, giữ mồ hôi, giữ nhiệt, găng tay cao su, ủng cao su.
Ngâm mình trong bồn nước nóng, bồn tạo sóng hoặc hồ bơi công cộng không được bảo dưỡng tốt.
Tổn thương nang lông do cạo, tẩy lông, mặc quần áo chật hoặc các phương pháp tạo kiểu tóc như duỗi tóc, đội tóc giả, nối tóc giả.
Các yếu tố bên trong
Sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như kem corticosteroid, prednisone, liệu pháp kháng sinh dài hạn để trị mụn trứng cá và một số loại thuốc hóa trị.
Bị viêm da hoặc đổ mồ hôi quá nhiều (hyperhidrosis).
Người bệnh tiểu đường, HIV/AIDS hoặc một tình trạng khác làm giảm khả năng chống nhiễm trùng.
Hầu hết viêm nang lông không lây. Nhưng nếu dùng chung bồn tắm, khăn, quần áo hoặc dao cạo với người bị viêm nang lông có thể làm lây nhiễm tình trạng nhiễm trùng qua các vết xước da.
Triệu chứng của viêm nang lông
Triệu chứng của viêm nang lông có thể bao gồm:
Mụn nhỏ, mụn nhọt: Triệu chứng chính của viêm nang lông là những vết sưng đỏ trông giống như mụn nhọt trên da. Các cụm mụn nhỏ hoặc mụn nhọt xuất hiện xung quanh nang lông.
Đỏ và sưng: Vùng da xung quanh nang lông bị viêm thường trở nên đỏ và sưng.
Ngứa và khó chịu: Viêm nang lông thường đi kèm với cảm giác ngứa và khó chịu trên vùng da bị ảnh hưởng.
Đau và nhức: Viêm nang lông có thể gây ra cảm giác đau nhức ở vùng da bị ảnh hưởng.
Tái phát nhiễm khuẩn, rất khó để điều trị dứt điểm.
Rụng tóc nhiều, phá hủy nang tóc làm tóc không thể mọc lại.
Sẹo vĩnh viễn.
Các mảng da sẫm màu hơn (tăng sắc tố) hoặc nhạt hơn (giảm sắc tố) so với trước khi tình trạng xảy ra, thường là tạm thời.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Bạn cần đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy tình trạng nhiễm trùng lan rộng, biểu hiện bằng việc:
Các nốt mụn đỏ ửng, sưng viêm nặng nề và gây đau.
Sốt, ớn lạnh, cảm giác khó chịu.
Xuất hiện thêm các triệu chứng mới như mưng mủ, mụn nhọt.
Chẩn đoán viêm nang lông
Viêm nang lông thường được chẩn đoán dựa trên triệu chứng và biểu hiện lâm sàng của người bệnh.
Xét nghiệm thông thường cho viêm nang lông:
Lấy mẫu lông hoặc da: Bác sĩ có thể lấy mẫu lông hoặc mẫu da để kiểm tra vi khuẩn, nấm hoặc bất kỳ tác nhân gây viêm nào khác.
Soi nấm:Đối với những trường hợp nghi ngờ viêm nang lông do nấm, bệnh nhân có thể được chỉ định làm thêm xét nghiệm soi nấm để khẳng định chẩn đoán
Xét nghiệm máu: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra các chỉ số viêm nhiễm hoặc các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến da.
Điều trị viêm nang lông
Thuốc:
Thuốc sát khuẩn: Sử dụng các dung dịch sát khuẩn ngoài da như Povidon-iodin, Hexamidine, Chlorhexidine.
Thuốc kháng sinh: Các kháng sinh bôi tại chỗ thường được sử dụng để kiểm soát tình trạng viêm nang lông như thuốc mỡ Neomycin, kem bôi Sulfadiazin bạc, Erythromycin, Clindamycin, Acid fusidic, Mupirocin.
Nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, cân nhắc phối hợp với các kháng sinh toàn thân đường uống như Cloxacillin, chế phẩm phối hợp Amoxicillin/Acid Clavulanic.
Thuốc chống nấm: Khi viêm nang lông được xác định là do nấm, bác sĩ có thể kê thuốc kháng nấm bôi ngoài da như Clotrimazole, Ketoconazole hoặc thuốc kháng nấm đường uống để điều trị, chẳng hạn như Itraconazole và Fluconazole.
Tiểu phẫu
Nếu có nhọt hoặc nhọt độc lớn, bác sĩ có thể rạch một đường nhỏ để dẫn lưu mủ giúp làm giảm đau, tăng tốc độ phục hồi và giảm sẹo. Sau đó có thể che phủ bằng gạc vô trùng trong trường hợp mủ tiếp tục chảy ra.
Triệt lông bằng laser
Nếu các phương pháp điều trị khác thất bại, triệt lông lâu dài bằng liệu pháp laser có thể làm sạch nhiễm trùng. Phương pháp này đắt tiền và thường cần một vài lần điều trị.
Biện pháp phòng ngừa viêm nang lông
Giữ vệ sinh da: Vệ sinh da hàng ngày là rất quan trọng để ngăn chặn vi khuẩn và tạp chất tích tụ trong lỗ chân lông.
Thường xuyên rửa sạch bằng xà phòng và lau khô da, không để da ẩm ướt trong thời gian dài.
Không tắm nước quá nóng và hạn chế ngâm bồn, tắm hồ bơi.
Mặc quần áo thoáng khí: Chọn quần áo làm từ chất liệu thoáng khí như cotton để tránh gây tổn thương da và giúp hạn chế vi khuẩn tích tụ trong lỗ chân lông.
Thường xuyên giặt khăn lau, chăn ga. Không sử dụng chung khăn và đồ dùng cá nhân với người khác.
Viêm nang lông có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào có lông phổ biến như mặt, cánh tay, lưng và chân.Bệnh có thể tự điều trị tại nhà bằng cách cải thiện thói quen sinh hoạt nếu điều trj sớm.Hãy chia sẻ ngay bài viết này cho người thân, bạn bè để cùng nhau phòng ngừa căn bệnh này nhé!