Vào đầu năm 2025, một đợt bùng phát bệnh do HMPV ở miền Bắc Trung Quốc đã gây hoang mang trên toàn cầu, khiến nhiều người lo lắng về sự lây lan và nguy hiểm của loại virus này sẽ giống với SARS-CoV-2.Vậy virus HMPV là gì?Hãy cùng Nhà thuốc Bạch Mai tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Virus HMPV là gì?

Virus HMPV viết tắt của Human Metapneumovirus là loại virus đường hô hấp phổ biến, thuộc họ Paramyxoviridae, phân họ Pneumovirinae trong chi Metapneumovirus (cùng nhóm với virus hợp bào hô hấp RSV), gây ra các triệu chứng cảm lạnh thông thường như hắt hơi, ho, sổ mũi, đau họng trong vài ngày.

 

Trong chương “Virus hợp bào hô hấp và metapneumovirus” của quyển sách “Vi sinh y học phân tử” được ấn bản lần thứ ba vào năm 2024, virus HMPV lần đầu được phân lập từ 28 bệnh nhi mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính tại Hà Lan vào năm 2001. Tuy nhiên, loại virus này đã lưu hành ở người trong khoảng thời gian rất lâu trước đây. Theo các phân tích hồi cứu huyết thanh học đã chứng minh sự hiện diện của kháng thể đối với HMPV ở người hơn 50 năm, trước khi được phân lập và hầu như tất cả trẻ em đều đã bị nhiễm một lần khi lên 5 tuổi.

Nghiên cứu về “Nguồn gốc động vật của virus viêm phổi ở người: Hành trình từ chim đến người” của nhà khoa học Sonja T Jesse – Trung tâm nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm mới nổi và bệnh truyền từ động vật sang người, Đại học Thú y Hannover cùng cộng sự cũng ghi nhận nguyên nhân phổ biến gây viêm phổi nặng ở trẻ em nhập viện tại 7 quốc gia châu Phi và châu Á trong suốt 2 năm là do virus (chiếm 61%) gây ra, trong đó HMPV được xếp hạng thứ ba (7,5%)  sau RSV (31,1%) và Rhinovirus (7,5%).

HMPV thường lưu hành mạnh mẽ vào những tháng mùa đông hoặc mùa xuân, khi các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác do các loại virus phổ biến như RSV, cúm… bùng phát mạnh mẽ.

Đối tượng nguy cơ nhiễm Metapneumovirus (Virus HMPV)

Viêm phổi do Metapneumovirus ở trẻ dưới 5 tuổi có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và kiểm soát đúng cách

Bệnh đường hô hấp do Metapneumovirus có nguy cơ xảy ra cao hơn ở các đối tượng sau:

  • Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ sơ sinh;
  • Người lớn tuổi, trên 65 tuổi;
  • Người có hệ thống miễn dịch suy yếu: có tiền sử mắc bệnh phổi, hen suyễn, khí phế thũng,…
  • Bệnh nhân COPD;
  • Người đang thực hiện hóa trị hay đã từng thực hiện phẫu thuật ghép tạng…

Virus HMPV lây lan như thế nào?

Xem thêm
  • Giống nhiều loại virus khác trong họ Paramyxoviridae, HMPV lây lan qua các giọt bắn hô hấp khi người nhiễm ho, hắt hơi, hỉ mũi, nói chuyện.
  • Virus HMPV có khả năng tồn tại ở môi trường không khí bên ngoài trong một khoảng gian tương đối lâu, người bệnh có thể vô tình để lại virus sau khi tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt xung quanh.
  • Mùa đông và đầu xuân được nhận định là thời điểm “cao điểm” của HMPV, khi điều kiện nhiệt độ và khí hậu tạo cơ hội hoàn hảo cho sự tồn tại và lây lan của virus.

Triệu chứng metapneumovirus ( virus HMPV)

Thời gian ủ bệnh khoảng 3 đến 6 ngày và thời gian mắc bệnh tùy thuộc vào độ nặng của bệnh do Metapneumovirus gây ra. Bệnh gây ra do Metapneumovirus ở người gồm nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp trên:

  • Ho;
  • Sốt;
  • Nghẹt mũi;
  • Đau họng.

Các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp dưới:

  • Khò khè;
  • Sốt;
  • Ho;
  • Khó thở;
  • Thiếu oxy;
  • Hụt hơi;
  • Mệt mỏi.

Biến chứng Metapneumovirus( virus HMPV) ở người

Thông thường, các trường hợp mắc bệnh do nhiễm Metapneumovirus ở các thể bệnh nhẹ. Bệnh có thể tự giới hạn sau khoảng 7 ngày khi được chăm sóc và hỗ trợ điều trị phù hợp. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh chuyển biến nặng có thể gây biến chứng ,Các biến chứng của nhiễm trùng HMPV nặng bao gồm:

  • viêm phế quản cấp tính (viêm đường dẫn khí của phổi, đôi khi được gọi là ‘cảm lạnh ngực’)
  • viêm tiểu phế quản (viêm và tắc nghẽn ở các đường dẫn khí nhỏ của phổi ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh)
  • viêm phổi (nhiễm trùng phổi)

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hầu hết những người mắc Metapneumovirus ở người có triệu chứng nhẹ không cần phải đi khám, chỉ cần điều trị triệu chứng tại nhà là đủ. Tuy nhiên, nếu bạn có các triệu chứng nặng như khó thở, ho dữ dội, khò khè hoặc các triệu chứng của bạn không cải thiện sau vài ngày hoặc sốt kéo dài hơn 3 ngày thì hãy đi khám bác sĩ để tránh tiến triển bệnh nặng và khó điều trị.

Hãy nhanh chóng đi cấp cứu hoặc gọi 115 nếu:

  • Sốt cao (trên 40 độ C);
  • Khó thở;
  • Tím tái ở da, môi hoặc móng;
  • Tình trạng sức khỏe xấu dần.
Wooden debris (including a house) washed against houses that are still standing

Điều trị khi nhiễm HMPV virus

Hiện tại, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như thuốc kháng virus điều trị nhiễm HMPV. Hầu hết các trường hợp điều trị đều tập trung vào thuyên giảm triệu chứng cho đến khi cơ thể cảm thấy khỏe lên và hồi phục hoàn toàn

  • Hạ sốt. Trong trường hợp bệnh nhân sốt cao, trên 38.5 độ: Acetaminophen hoặc Ibuprofen với liều lượng phù hợp để hạ thân nhiệt;
  • Thực hiện phương pháp thông mũi, có thể dùng thuốc khí dung;
  • Bù nước, điện giải;
  • Thuốc chống sung huyết giúp giảm tình trạng nghẹt mũi và sổ mũi.
  • tăng đề kháng : thymomodulin, vitamin c, kẽm

Phòng ngừa nhiễm virus HMPV

Hiện nay, Metapneumovirus chưa có vacxin phòng ngừa. Vì vậy, để giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp do Metapneumovirus, việc chủ động thực hiện tốt các phương pháp phòng ngừa bệnh là vô cùng quan trọng. Các phương pháp này gồm:

  • Thực hiện các biện pháp giảm tiếp xúc như: đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người, hạn chế đến những nơi đông người khi có dịch bệnh,…
  • Thường xuyên lau dọn, khử khuẩn các bề mặt trong gia đình, đồ dùng cá nhân và đồ chơi của trẻ
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, chất khử khuẩn và nước trong ít nhất 20 giây;
  • Tránh chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng nếu tay chưa được rửa sạch;
  • Tránh tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh hoặc bị nghi ngờ nhiễm các bệnh đường hô hấp;

Trên đây là những thông tin hữu ích về virus HMPV.Hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè cùng biết nhé!

Dược sĩ Nguyễn Thanh LoanKiểm duyệt nội dung - Nhà thuốc Bạch Mai
Điện thoại | Email | Facebook | Youtube | Tiktok | Twitter

Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan tốt nghiệp Khoa Dược tại trường Cao đẳng y dược Pasteur. Hiện đang là quản lí nội dung tại Nhà thuốc Bạch Mai.

More Posts