Nứt kẽ hậu môn là một bệnh lý viêm xảy ra ở khu vực trực tràng – hậu môn. Vết nứt xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, gây đau đớn và khó chịu cho người bệnh, thậm chí có khả năng tái phát nhiều lần. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa nứt kẽ hậu môn qua bài viết dưới đây nhé!

Nứt kẽ hậu môn là gì?

Hậu môn nằm ở vị trí cuối cùng của ống tiêu hóa, có tác dụng tống xuất chất thải ra ngoài.Nứt kẽ hậu môn là tình trạng vị trí này xuất hiện một vết rách trên lớp niêm mạc, làm lộ cơ xung quanh dẫn đến co thắt, về lâu dài kéo các mép vết nứt ra rộng hơn. Tổn thương thường xuất hiện khi người bệnh bị táo bón, đi đại tiện kèm phân cứng, kích thước lớn, gây đau và chảy máu.

Bệnh được chia thành hai nhóm như sau:

  • Nứt hậu môn cấp tính: Vết nứt nông, có kích thước nhỏ, dấu hiệu viêm nề nhẹ, các triệu chứng không kéo dài quá 6 tuần. Khi bị nứt hậu môn cấp tính, người bệnh có cảm giác đau rát, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Nếu bệnh ở giai đoạn này không được điều trị dứt điểm sẽ rất dễ chuyển sang mạn tính.
  • Nứt hậu môn mạn tính: Tình trạng này xảy ra khi vết nứt xuất hiện và kéo dài hơn 6 tuần, kích thước rộng và sâu hơn. Các cơn đau thắt khó chịu tái đi tái lại nhiều lần khiến người bệnh cảm thấy rất mệt mỏi.

Phân biệt nứt kẽ hậu môn và trĩ

Về bản chất trĩ là sự cương tụ tĩnh mạch ở ống hậu môn do táo bón mạn tính gây nên và rất khó nhận biết trong giai đoạn đầu.

Còn nứt kẽ hậu môn là những vết thương vùng da xung quanh hậu môn nên rất dễ nhận biết khi tình trạng này xuất hiện. Đôi khi chỉ cần quan sát có thể nhìn thấy những tổn thương.

Nguyên nhân gây nứt hậu môn

Xem thêm

Có nhiều nguyên nhân gây nên nứt kẽ hậu môn như:

  • Táo bón mãn tính.
  • Phân có kích thước lớn, cứng và khô, khiến đại tiện gặp khó khăn.
  • Tiêu chảy kéo dài.
  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn dẫn đến căng da hậu môn.
  • Đưa vật lạ vào hậu môn.
  • Các vấn đề bệnh lý tiềm ẩn: bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, ung thư hậu môn, bệnh bạch cầu, bệnh truyền nhiễm (chẳng hạn như bệnh lao), các bệnh lây truyền qua đường tình dục (giang mai, lậu, Chlamydia, HIV…).
  • Giảm lưu lượng máu đến vùng hậu môn trực tràng.
  • Sinh con.

Các yếu tố nguy cơ:

  • Tuổi tác: Nứt kẽ hậu môn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là trẻ nhỏ và người trưởng thành trong giai đoạn từ 20 – 40 tuổi.
  • Táo bón: Đi đại tiện phân khô cứng kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ gây rách hậu môn.
  • Phụ nữ sau khi sinh.
  • Người mắc bệnh Crohn: Bệnh Crohn gây ra tình trạng viêm đường ruột mạn tính, làm cho niêm mạc của ống hậu môn dễ bị rách.
  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn.

Triệu chứng nứt kẽ hậu môn

Khi hậu môn bị nứt kẽ có thể xuất hiện những triệu chứng như:

  • Vùng da xung quanh hậu môn xuất hiện vết rách có thể dễ dàng nhìn thấy.
  • Hậu môn có dấu hiệu ngứa và nóng rát
  • Đau sau khi đi đại tiện.
  • Xuất hiện máu đỏ tươi trong phân hoặc ở giấy vệ sinh.
  • Có thể xuất hiện mụn ở gần khu vực hậu môn.

Nứt kẽ hậu môn gây nên chảy máu khi đi đại tiện

Biến chứng của nứt kẽ hậu môn

Nứt kẽ hậu môn nếu không biến mất có thể gây nên các biến chứng như:

  • Nứt hậu môn mạn tính: khi vết nứt kéo dài trên 8 tuần. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
  • Dễ tái phát: do đã xuất hiện những vết nứt trước đây có thể làm cho bệnh xuất hiện thường xuyên.
  • Ảnh hưởng đến cơ vòng hậu môn: cơ vòng hậu môn hoạt động quá mức hoặc các vết nứt làm ảnh hưởng đến cơ này khiến cho cơ tổn thương.

Khi nào cần gặp bác sĩ

Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Nứt kẽ hậu môn là bệnh lý cần điều trị dứt điểm để tránh biến chứng nên nếu xuất hiện những dấu hiệu sau người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám:

  • Đau khi đi vệ sinh.
  • Xuất hiện máu trong phân.
  • Nhận thấy vết thương ở hậu môn.
  • Trẻ quấy khóc nhiều ngày nhưng không tìm được nguyên nhân.
  • Trẻ đỏ da vùng hậu môn.

Nơi khám chữa bệnh nứt kẽ hậu môn

Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa Trung Ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Chẩn đoán nứt kẽ hậu môn

Khám lâm sàng

  • Bác sĩ đánh giá các triệu chứng nứt kẽ hậu môn như đau, máu tươi trong phân, các tình trạng như tiêu chảy, táo bón hoặc các yếu tố nguy cơ khác.
  • Bác sĩ tiến hành thăm khám hậu môn

Xét nghiệm

Để xác định nguyên nhân và loại trừ các bệnh phối hợp khác như viêm loét, ung thư đại trực tràng, …

  • Nội soi trực tràng: thường được thực hiện ở bệnh nhân dưới 50 tuổi, không có yếu tố nguy cơ bệnh lý ruột non hay ung thư đại tràng.
  • Nội soi đại tràng: thực hiện đối với bệnh nhân trên 50 tuổi, cho phép khảo sát toàn bộ đại tràng.
  • Đo áp lực hậu môn: nhằm đánh giá trương lực cơ thắt hậu môn, cũng như đo độ nhạy cảm và chức năng của trực tràng.

Các phương pháp điều trị bệnh nứt kẽ hậu môn

Nứt kẽ hậu môn thường lành trong vài tuần nếu người bệnh giữ cho phân mềm và điều trị táo bón hay tiêu chảy. Tuy nhiên nếu vết nứt không lành trong 6 đến 8 tuần, người bệnh cần được điều trị bằng thuốc hoặc thậm chí phải phẫu thuật.

Dùng thuốc

  • Thuốc bôi tại chỗ nitroglycerin: giúp giãn các mạch máu khu vực hậu môn khiến cơ vòng hậu môn giãn ra. Tác dụng phụ có thể gây đau đầu cho người sử dụng.
  • Thuốc chẹn kênh canxi: giúp giãn các mạch máu, được chỉ định sử dụng khi nitroglycerin không có tác dụng.
  • Tiêm Botox: vào cơ hậu môn có thể khiến cơ vùng này dãn ra trong khoảng 3 tháng giúp cho những vết nứt có thời gian lành lại.
  • Thuốc nhuận tràng: được sử dụng khi người bệnh táo bón lâu ngày.

Phẫu thuật

Nếu đã được điều trị nội khoa mà các triệu chứng không giảm, người bệnh cần phải phẫu thuật. Chỉ có 20% bệnh nhân bị nứt kẽ hậu môn cần phải phẫu thuật.

Biện pháp phòng ngừa nứt kẽ hậu môn

Để giảm tình trạng nứt kẽ hậu môn, bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau:

  • Uống đủ nước: nên cung cấp từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày để tránh phân quá rắn.
  • Xây dựng thói quen đi đại tiện lành mạnh: tránh rặn quá mức, duy trì thói quen đi đại tiện 1 ngày/lần để tránh táo bón.
  • Không cố nhịn khi có cảm giác muốn đi đại tiện, điều này có thể khiến phân của bạn bị khô và khó đại tiện hơn.

  • Bổ sung nhiều thực phẩm có chứa chất xơ trong chế độ ăn uống, chẳng hạn như trái cây và rau quả, bánh mì nguyên hạt, mì ống và gạo. Đối với người lớn, tốt nhất là nên đặt mục tiêu ăn ít nhất 30g chất xơ mỗi ngày.
  • Tập thể dục thường xuyên, nên đặt mục tiêu thực hiện ít nhất 150 phút hoạt động thể chất mỗi tuần.
  • Ngâm mông trong bồn nước ấm vài lần trong ngày, đặc biệt là sau khi đi tiêu.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn các kiến thức về tình trạng nứt kẽ hậu môn. Đây là bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu thay đổi thói quen sinh hoạt. Nếu thấy bài viết hay, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè nhé!

Dược sĩ Nguyễn Thanh LoanKiểm duyệt nội dung - Nhà thuốc Bạch Mai
Điện thoại | Email | Facebook | Youtube | Tiktok | Twitter

Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan tốt nghiệp Khoa Dược tại trường Cao đẳng y dược Pasteur. Hiện đang là quản lí nội dung tại Nhà thuốc Bạch Mai.

More Posts