Viêm giác mạc là bệnh nguy hiểm, có thể để lại những di chứng nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực của người bệnh. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh qua bài viết dưới đây nhé.

 Viêm giác mạc là gì? 

Giác mạc là gì?

Giác mạc là một lớp mô trong suốt nằm ở phía trước của mắt, bao phủ mống mắt và đồng tử tròn, tương tự như một tấm kính trong mặt đồng hồ. Giác mạc đóng vai trò quan trọng như một cửa sổ cho ánh sáng đi vào mắt.

Viêm giác mạc là gì? 

Viêm giác mạc là tình trạng viêm giác mạc – mô trong suốt, hình vòm ở phía trước của mắt bạn bao phủ đồng tử và mống mắt. Viêm giác mạc có thể có hoặc không liên quan đến nhiễm trùng.

Nguyên nhân viêm giác mạc

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm giác mạc, các nguyên nhân này được xếp thành các nhóm chính sau đây:

    • Viêm giác mạc nông: Tác nhân gây bệnh thường do vi rút như Herpes, Zona, Adeno vi rút. Viêm giác mạc nông cũng có thể gặp trong những bệnh cấp tính hoặc mạn tính của mi và kết mạc như rối loạn sự chế tiết nước mắt (khô mắt), hở mi, nhiễm độc.
    • Viêm giác mạc sâu: Tác nhân có thể là vi khuẩn lao, giang mai, phong, vi rút, độc tố… theo đường máu hoặc dây thần kinh đến gây bệnh.
    • Chấn thương: Rách, xước giác mạc, dị vật tác động.

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm giác mạc?

Xem thêm
  • Người mang kính tiếp xúc
  • Người bị bệnh về mắt hoặc bị khô mắt do thiếu vitamin A.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc  viêm giác mạc

Các yếu tố nguy cơ gây viêm loét giác mạc mà bạn cần đề phòng như:

    • Khô mắt do thiếu vitamin A;
    • Tổn thương thần kinh: Thần kinh VII (hở mi), thần kinh V
    • Các biến chứng của bệnh mắt hột: Viêm kết mạc, bờ mi, lông xiêu lông quặm, khô mắt;
    • Chấn thương mắt gây tổn thương giác mạc;
    • Các phương pháp chữa mắt phản khoa học như đánh mộng bằng búp tre, đắp các loại thuốc lá vào mắt;
    • Do mang kính tiếp xúc.

Triệu chứng bệnh viêm giác mạc

Viêm giác mạc thường bắt đầu ở lớp ngoài cùng của giác mạc và lan dần vào bên trong mắt. Khi giác mạc bị viêm, người bệnh sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng như:

    •  Đau nhức mắt: Mắt đau nhức nhối âm ỉ, từng lúc dội lên, bất cứ một tác động nào cũng làm tăng cảm giác đau (ánh sáng, va chạm).
    •  Chảy nước mắt
    •  Chói, sợ ánh sáng
    •  Mắt nhìn mờ: Thị lực giảm tuỳ theo mức độ của bệnh
    • Mắt đỏ, đặc biệt đỏ nhiều quanh tròng đen. Đôi khi sẽ thấy một ngấn mủ màu trắng ở trước tròng đen.
    •  Xuất hiện đốm trắng to hay nhỏ ở trên giác mạc, nhưng thường ở trung tâm giác mạc.

Bệnh viêm giác mạc mắt thường chỉ xuất hiện ở một bên mắt khi mắt bị thương hoặc nhiễm virus. Nếu là các nguyên nhân khác, viêm thường xuất hiện ở cả hai mắt.

Biến chứng của viêm giác mạc

Nếu không nhận ra các triệu chứng của bệnh viêm giác mạc để được điều trị kịp thời thì viêm có thể lan sâu vào trong mắt, gây giảm thị lực và thậm chí là mù lòa.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

 Chẩn đoán bệnh viêm giác mạc

Bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm giác mạc dựa vào triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng: Xét nghiệm soi tươi, soi trực tiếp, nuôi cấy vi khuẩn và kháng sinh đồ.

Bệnh nhân bị viêm giác mạc sẽ có triệu chứng: thị lực giảm, mắt đỏ, giác mạc có đám đục, lõm.

Phương pháp điều trị viêm giác mạc hiệu quả

Điều trị viêm giác mạc, dù do nguyên nhân gì, cũng tuân theo nguyên tắc chung:

    • Chống nhiễm trùng:
    • Do vi khuẩn: Cần dùng kháng sinh tùy theo nguyên nhân hoặc phổ rộng (Ofloxacin, Gentamycin,…).
    • Do vi rút: Cần dùng thuốc chống vi rút đặc hiệu (Triherpin, Acyclovir…).
    • Phòng chống dính bờ đồng tử vào mặt trước thể thủy tinh: Tra Atropin 1 – 4%, nếu đồng tử không giãn thì phối hợp Atropin 1% và Adrenalin 0,1%.
    • Dinh dưỡng giác mạc: Tra vitamin A, uống vitamin A, C và B2.
    • Giảm đau, an thần.
    • Chống chỉ định dùng corticoid.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ

Các phòng bệnh viêm giác mạc như thế nào?

  • Sử dụng các biện pháp bảo hộ mắt khi làm việc trong môi trường nhiều khói, bụi,…
  • Sử dụng kính mát khi di chuyển ngoài đường tránh bụi và dị vật bay vào mắt.
  • Dùng kính bảo vệ mắt trong trường hợp bị hở mi.
  • Điều trị dứt điểm các bệnh về mắt và bệnh toàn thân có nguy cơ gây viêm giác mạc.
  • Không dùng tay dụi mắt, không tư sử dụng các vật dụng để lấy dị vật, không đắp các loại thuốc lá trực tiếp vào mắt.
  • Cung cấp đủ vitamin A cho mắt và thường xuyên chớp mắt để tránh khô mắt.
  • Chú ý khi sử dụng kính áp tròng vệ sinh trước và sau khi đeo kính

Hãy chia sẻ bài viết nếu bạn thấy thông tin hữu ích nhé!

 

 

Dược sĩ Nguyễn Thanh LoanKiểm duyệt nội dung - Nhà thuốc Bạch Mai
Điện thoại | Email | Facebook | Youtube | Tiktok | Twitter

Dược sĩ Nguyễn Thanh Loan tốt nghiệp Khoa Dược tại trường Cao đẳng y dược Pasteur. Hiện đang là quản lí nội dung tại Nhà thuốc Bạch Mai.

More Posts