Xem thêm
Thuốc này được chỉ định dùng trong:
Depakine Chrono 500mg, Depakine 200mg:
– Động kinh: Điều trị các thể động kinh khác nhau ở người lớn và trẻ em trên 6 tuổi.
– Hưng cảm: Điều trị và dự phòng hưng cảm trong các rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
Depakine 200mg/ml: Điều trị các thể động kinh khác nhau ở người lớn và trẻ em.
Cách dùng – liều dùng của thuốc Depakine Chrono 500mg
Liều dùng
Depakine Chrono 500mg, Depakine 200mg:
Được sử dụng với người lớn và trẻ em trên 6 tuổi.
Dạng bào chế này không phù hợp với trẻ em dưới 6 tuổi vì nguy cơ gây mắc nghẹn khi uống thuốc. Hiện nay đã có những dạng thuốc thích hợp hơn dành cho trẻ em.
• Động kinh: Liều dùng hàng ngày do bác sĩ quyết định và chỉ định cho từng cá nhân.
Liều khởi đầu khuyên dùng thường là 10-15 mg/kg/ngày, sau đó liều này được tăng dần kiểu bậc thang cho đến khi đạt liều tối ưu.
Liều dùng trung bình từ 20-30 mg/kg/ngày.
Tuy nhiên, nếu các cơn động kinh không được kiểm soát tốt với liều này, có thể tăng liều dùng và bệnh nhân phải được theo dõi sát.
Trẻ em: liều thông thường là 30 mg/kg/ngày.
Người lớn: liều thông thường là 20-30 mg/kg/ngày.
Người cao tuổi: liều cần được xác định dựa vào việc kiểm soát các cơn động kinh.
Liều hàng ngày được xác định tùy theo tuổi và cân nặng của bệnh nhân; tuy nhiên, phải tính đến sự nhạy cảm khác nhau rõ rệt của từng người đối với valproat.
• Hưng cảm: Liều khởi đầu khuyên dùng là 20 mg/kg/ngày. Nên nhanh chóng tăng liều để đạt được hiệu quả lâm sàng mong muốn với mức liều thấp nhất. Liều duy trì được đề nghị trong điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực là từ 1000 mg đến 2000 mg/ngày.
Trong các trường hợp ngoại lệ, có thể tăng liều nhưng không vượt quá 3000 mg/ngày. Liều dùng nên được điều chỉnh tùy theo đáp ứng lâm sàng của từng người bệnh. Điều trị dự phòng nên được thiết lập theo đáp ứng của từng người bệnh với liều dùng thấp nhất có hiệu quả.
Depakine 200mg/ml:
Liều khởi đầu thông thường là 10-15 mg/kg thể trọng, sau đó có thể tăng từ từ đến liều tối ưu trong vòng 1-2 tuần.
Liều dùng trung bình hàng ngày:
Trẻ sơ sinh và trẻ em: 30 mg/kg thể trọng (dùng dạng xirô, dung dịch thuốc uống hoặc dạng hạt phóng thích kéo dài là tốt nhất).
Thiếu niên và người lớn: từ 20-30 mg/kg thể trọng (dùng dạng viên nén hoặc viên nén phóng thích kéo dài hoặc dạng hạt phóng thích kéo dài là tốt nhất).
Bác sĩ nên kê đơn thuốc cụ thể bằng số miligram (mg) không ghi số mililít (ml) vì xy-lanh để lấy thuốc uống có vạch phân liều miligram (mg).
Liều dùng hàng ngày thường được chia ra như sau: chia ra uống thành 2 lần đối với bệnh nhân dưới 1 tuổi; chia ra uống thành 3 lần đối với bệnh nhân trên 1 tuổi.
Dùng thuốc tốt nhất là trong bữa ăn. Dùng thuốc đều đặn mỗi ngày; không được thay đổi hay ngưng dùng thuốc đột ngột.
Bé gái, trẻ vị thành niên nữ, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và phụ nữ có thai: Valproat cần được khởi đầu điều trị và giám sát chặt chẽ bởi bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị động kinh hoặc rối loạn tâm thần lưỡng cực. Chỉ nên sử dụng thuốc này khi các biện pháp điều trị khác không có hiệu quả hoặc bệnh nhân không dung nạp được (xem phần Cảnh báo, Sử dụng ở phụ nữ có thai & cho con bú). Cân bằng lợi ích – nguy cơ của thuốc nên được đánh giá cẩn thận trong mỗi lần thăm khám định kỳ cho bệnh nhân. Tốt nhất nên kê đơn valproat dưới dạng đơn trị liệu và liều điều trị thấp nhất có hiệu quả. Nếu có thể, nên sử dụng dạng giải phóng kéo dài để tránh nồng độ đỉnh huyết tương cao. Liều hằng ngày nên được chia ít nhất thành 2 liều đơn.
Đường dùng và Cách dùng: Dùng đường uống.
Depakine Chrono 500mg: Nuốt trọn viên thuốc với nhiều nước. Không được nghiền nát hay nhai. Viên thuốc có khắc vạch ở giữa, nên có thể bẻ đôi viên thuốc nếu cần. Dùng thuốc 1-2 lần/ngày, tốt nhất là trong bữa ăn. Nếu bệnh được kiểm soát tốt nhờ điều trị, bác sĩ có thể kê đơn cho dùng 1 lần/ngày.
Depakine 200mg: Nuốt trọn viên thuốc với nhiều nước. Không được nghiền nát hay nhai. Dùng thuốc 2-3 lần/ngày, tốt nhất là trong bữa ăn.
Depakine 200mg/ml: Uống dung dịch thuốc pha loãng với một ít nước uống không có ga.
Chai dung dịch thuốc có sẵn xy-lanh (có pít-tông màu hoa cà) dùng để lấy thuốc uống. Chỉ lấy thuốc uống bằng xy-lanh có sẵn trong hộp. Các vạch khắc trên xy-lanh chỉ liều bằng mg (mỗi vạch tương ứng với liều 25 mg, trong phạm vi phân liều từ 50 mg-400 mg).
Liều dùng của thuốc được lấy bằng cách dùng xy-lanh: kéo pít-tông lên cho đến khi vạch tương ứng liều bằng mg đã chỉ định chạm đến đỉnh của ống xy-lanh.
Luôn rửa sạch xy-lanh sau khi dùng.
Để mở nắp chai (loại nắp này an toàn đối với trẻ em):
1. nhấn nắp xuống
2. cùng lúc đó xoay nắp
Đậy chặt nắp chai ngay sau mỗi lần lấy thuốc.
Cách sử dụng xy-lanh có khắc vạch chia liều:
1) hút đầy
2) điều chỉnh liều
3) bơm ra
Thời gian trị liệu: Không được ngưng điều trị mà không hỏi ý kiến của bác sĩ.
Xử lý trong trường hợp quên dùng một hoặc nhiều liều
Nếu phát hiện ngay sau giờ đã được qui định hãy dùng liều lượng bình thường.
Nếu phát hiện trước lần phải uống liều kế tiếp một thời gian ngắn, không nên dùng gấp đôi liều.
Nếu quên dùng nhiều liều liên tiếp, hãy liên hệ ngay với bác sĩ điều trị.
Nguy cơ khi ngưng dùng thuốc: Bệnh nhân không được ngưng điều trị mà không hỏi ý kiến của bác sĩ. Việc ngưng dùng thuốc phải được thực hiện từ từ. Hậu quả của việc ngưng điều trị đột ngột hoặc trước khi bác sĩ chỉ định ngưng là có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các cơn động kinh.
LỜI KHUYÊN CHUNG: Động kinh là một bệnh lý thần kinh. Đó là một biểu hiện bất thường cấp tính hay nhất thời về chức năng hoạt động điện của não, gây ra các cơn động kinh. Các cơn động kinh có thể tái xảy ra trong một khoảng thời gian nào đó trong suốt cuộc đời người bệnh. Có nhiều hình thức biểu hiện của những cơn động kinh này và chúng tiến triển theo nhiều cách khác nhau: không chỉ có một loại bệnh động kinh mà là nhiều thể loại khác nhau.
Tương tự, không chỉ có một thuốc điều trị mà là nhiều thuốc điều trị: bác sĩ điều trị sẽ kê đơn một thuốc điều trị thích hợp nhất cho trường hợp đặc biệt của bệnh nhân. Để bảo đảm cho thuốc dùng có hiệu quả, quan trọng là phải theo các lời khuyên của bác sĩ và tuân thủ:
· Liều dùng mỗi ngày
· Thời điểm dùng thuốc trong ngày
· Thời gian điều trị, nói chung là lâu dài
· Lời khuyên về sinh hoạt: tránh làm việc quá sức, thiếu ngủ và uống rượu.
Thay đổi liều dùng và nhất là ngưng đột ngột điều trị, có thể làm tái xuất hiện các cơn động kinh. Đừng quên mang theo thuốc bên người nếu phải đi xa.
Cần làm gì khi một lần quên dùng thuốc
Xử lý trong trường hợp quên dùng một hoặc nhiều liều
Nếu phát hiện ngay sau giờ đã được qui định hãy dùng liều lượng bình thường.
Nếu phát hiện trước lần phải uống liều kế tiếp một thời gian ngắn, không nên dùng gấp đôi liều.
Nếu quên dùng nhiều liều liên tiếp, hãy liên hệ ngay với bác sĩ điều trị.
Không dùng thuốc Depakine Chrono 500mg trong trường hợp sau
Viegan-B
Viegan-B là thuốc gì ?
Thuốc Viegan-B của Foripharm, . Viegan-B là thuốc...
0₫
Thuốc này không được sử dụng trong các trường hợp sau:
· Dị ứng với hoạt chất chính của thuốc (natri valproat), hoặc một trong các thành phần của thuốc, các hoạt chất cùng loại với valproate (divalproat, valpromide)
· Bệnh gan (viêm gan cấp tính hoặc mãn tính)
· Tiền sử cá nhân hay gia đình có bệnh gan nặng, nhất là khi có liên quan đến thuốc
· Rối loạn chuyển hóa porphyrin gan (bệnh về gan di truyền)
· Dùng phối hợp với: mefloquine (thuốc điều trị sốt rét), cỏ St. John’s (cây cỏ điều trị trầm cảm).
Cảnh báo và thận trọng khi dùng thuốc Depakine Chrono 500mg
Rất hiếm khi xảy ra, nhưng Depakine có thể gây tổn thương gan (viêm gan) hoặc tụy (viêm tụy) nguy kịch đến tính mạng cho người bệnh.
Bác sĩ sẽ cho xét nghiệm máu để thường xuyên theo dõi chức năng gan, nhất là trong 6 tháng đầu tiên của điều trị.
Bệnh nhân báo ngay cho bác sĩ biết khi thấy xuất hiện các dấu hiệu sau:
· mệt đột ngột, chán ăn, kiệt sức, ngủ gà, sưng chân, khó ở
· nôn ói nhiều lần, đau vùng thượng vị hoặc đau bụng, vàng da hoặc mắt
· tái xuất hiện các cơn động kinh mặc dù đang được điều trị đúng cách.
Trước khi điều trị, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ biết nếu có bệnh về thận (suy thận), ban đỏ toàn thân (hiếm gặp) hoặc thiếu hụt men di truyền, đặc biệt là thiếu hụt men của chu trình urê dẫn đến tăng số lượng ammonium trong máu.
Khi cần phải phẫu thuật, hãy báo cho nhân viên y tế biết bệnh nhân đang dùng thuốc này.
Khi bắt đầu điều trị, bác sĩ sẽ kiểm tra để đảm bảo bệnh nhân đang không mang thai và sẽ kê đơn thuốc ngừa thai nếu cần (xem “Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú”).
Bệnh nhân ngay lập tức phải hỏi ý kiến bác sĩ điều trị nếu thấy tần suất cơn bệnh gia tăng hoặc xuất hiện những cơn với thể loại khác.
Thuốc có thể gây tăng cân. Bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nên có biện pháp ăn kiêng cùng với việc giám sát cân nặng.
Đã có một số ít trường hợp bệnh nhân có những ý nghĩ về tự hủy hoại cơ thể hoặc tự tử khi dùng các thuốc chống động kinh như là Depakine. Nếu bệnh nhân cũng có những ý nghĩ như vậy, ngay lập tức phải đến gặp bác sĩ điều trị.
Bệnh nhân báo cho bác sĩ biết nếu đang dùng thuốc chống động kinh khác hoặc thuốc về thần kinh hoặc thuốc điều trị bệnh chuyển hóa hoặc các dạng động kinh khác trầm trọng.
Bé gái, trẻ vị thành niên nữ, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và phụ nữ có thai:
· Valproat không nên dùng ở bé gái, trẻ vị thành niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và phụ nữ có thai trừ khi các biện pháp điều trị khác không hiệu quả hoặc bệnh nhân không dung nạp được do valproat có khả năng gây quái thai và tiềm tàng nguy cơ rối loạn phát triển ở trẻ từng bị phơi nhiễm valproat trong thời gian người mẹ mang thai.
Bác sĩ nên đánh giá cẩn thận hiệu quả và nguy cơ của thuốc trong mỗi lần thăm khám định kỳ cho bệnh nhân, khi bệnh nhân nhi đến tuổi dậy thì và ngay lập tức khi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đang được điều trị bằng valproat có kế hoạch mang thai hoặc vừa có thai.
· Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bắt buộc phải sử dụng các biện pháp tránh thai có hiệu quả trong suốt thời gian điều trị. Bác sĩ cần thông báo cho bệnh nhân các nguy cơ liên quan đến việc sử dụng valproat trong thai kỳ (xem mục Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú).
Bác sĩ kê đơn cần đảm bảo rằng bệnh nhân được cung cấp đầy đủ thông tin về nguy cơ khi sử dụng thuốc này. Thông tin này có thể được chuyển đến bệnh nhân dưới dạng tài liệu bỏ túi dành cho bệnh nhân giúp bệnh nhân nữ hiểu rõ hơn về nguy cơ.
· Đặc biệt bác sĩ kê đơn phải đảm bảo bệnh nhân hiểu được:
+ Đặc tính và tầm quan trọng của nguy cơ phơi nhiễm với thuốc trong thai kỳ, đặc biệt là nguy cơ gây quái thai và nguy cơ rối loạn phát triển của thai
+ Sự cần thiết của việc sử dụng các biện pháp tránh thai có hiệu quả
+ Sự cần thiết của việc thăm khám thai kỳ
+ Sự cần thiết của việc xin ý kiến bác sĩ ngay khi bệnh nhân nữ nghi ngờ có thai hoặc có khả năng có thai
· Bệnh nhân nữ có kế hoạch mang thai cần cố gắng chuyển sang các biện pháp điều trị khác thay thế trước khi thụ thai nếu có thể (xem mục Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú).
Chỉ nên tiếp tục điều trị bằng valproat sau khi cân bằng nguy cơ – lợi ích của thuốc được đánh giá bởi một bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị bệnh động kinh hoặc rối loạn tâm thần lưỡng cực.
Lái xe và điều khiển máy móc: Thuốc này có thể gây ra buồn ngủ, nhất là khi dùng chung với các thuốc chống động kinh khác hoặc các thuốc có thể làm tăng buồn ngủ.
Nếu đã từng gặp tác dụng này hoặc bệnh không được kiểm soát tốt và tiếp tục có những cơn động kinh, thì không được lái xe hay vận hành các máy móc.
Thông tin cần biết về thành phần của thuốc: Thuốc có chứa 47mg natri trong mỗi viên thuốc. Bệnh nhân cần lưu ý nếu phải theo chế độ ăn kiêng ít muối.
Tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc Depakine Chrono 500mg
Cũng như các thuốc khác, thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ ở một số người:
– Rất hiếm gặp các trường hợp tổn thương gan (viêm gan) hoặc tụy (viêm tụy), có thể nghiêm trọng và đe dọa tính mạng, và nó có thể bắt đầu đột ngột với mệt mỏi, chán ăn, kiệt sức, buồn ngủ, buồn nôn, nôn và đau dạ dày.
– Nổi ban da hoặc mày đay.
– Rất hiếm khi gặp nổi ban da, đôi khi phồng giộp ở miệng (đỏ da đa dạng), phồng giộp trên da rải rác và nhanh chóng lan tỏa khắp cơ thể và có thể đe dọa tính mạng (hội chứng Stevens-Johnson).
– Phản ứng dị ứng:
· mặt và cổ sưng phồng đột ngột có thể dẫn đến khó thở và đe dọa tính mạng (phù mạch).
· phản ứng dị ứng nghiêm trọng (nổi ban do thuốc với tăng bạch cầu ái toan và các triệu chứng toàn thân) bao gồm một số triệu chứng như sốt, nổi ban da, tăng kích thước hạch bạch huyết, tổn thương gan, tổn thương thận và kết quả thử máu bất thường như số lượng bạch cầu tăng cao (bạch cầu ái toan).
Các tác dụng phụ có thể gặp khác:
· Khởi đầu điều trị: buồn nôn, nôn, đau dạ dày, tiêu chảy; rụng tóc, run, ngủ gà, rối loạn kinh nguyệt như mất kinh (không có kinh theo chu kỳ) và kinh nguyệt không đều, tăng cân, bất thường chức năng buồng trứng (hội chứng buồng trứng đa nang); sự di chuyển của tinh trùng bị giảm; nhức đầu; khó khăn trong phối hợp vận động; lú lẫn, co giật, rối loạn tỉnh táo riêng biệt hay kết hợp với gia tăng các cơn động kinh, và các rối loạn này có thể bao gồm cả hôn mê tạm thời sẽ biến mất khi giảm liều hoặc ngưng điều trị.
· Các rối loạn ngoại tháp (gồm các triệu chứng như run, cứng các chi và khó đi đứng) đôi khi không hồi phục. Trong một số trường hợp, hội chứng Parkinson có thể hồi phục.
Rất hiếm trường hợp, rối loạn trí nhớ và tâm thần dần dần xuất hiện (rối loạn nhận thức, chứng mất trí) và hồi phục sau khi ngưng điều trị một vài tuần đến một vài tháng; mất thính lực có thể hồi phục được.
· Rất hiếm trường hợp, sưng quá mức (phù).
· Rất hiếm trường hợp tổn thương thận.
· Rất hiếm trường hợp, khó hoặc không có khả năng nín tiểu (chứng đái dầm, không nín tiểu được).
· Bất thường về công thức máu: giảm số lượng tiểu cầu (tình trạng tiểu cầu trong máu sụt giảm một cách bất thường); giảm nồng độ fibrinogen, thời gian chảy máu kéo dài; giảm số lượng hồng cầu (thiếu máu), tăng thể tích hồng cầu (chứng hồng cầu to trong máu), giảm số lượng bạch cầu (chứng giảm bạch cầu, giảm bạch cầu hạt); rất hiếm các trường hợp giảm số lượng tất cả các tế bào máu: bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầc, (chứng thiếu máu không tái tạo được), giảm quá trình tạo ra các tế bào máu (bất sản tủy xương); giảm số lượng natri máu (hạ natri máu bất thường, hội chứng tiết hormon chống bài niệu không thích hợp), tăng amoniac trong máu.
· Các trường hợp rối loạn xương đã được báo cáo, như xương trở nên dễ gãy (thiếu xương), giảm khối lượng xương (loãng xương) và gãy xương. Thận trọng nếu bệnh nhân được điều trị một thuốc chống động kinh dài hạn, có tiền sử loãng xương hoặc đang sử dụng thuốc corticoid.
· Dị dạng bẩm sinh và rối loạn phát triển trí tuệ (xem Cảnh báo và Sử dụng thuốc ở phụ nữ có thai và cho con bú).
Tương tác thuốc và các dạng tương tác khác
Không được dùng thuốc này nếu bệnh nhân đang dùng các thuốc sau:
– mefloquine (thuốc điều trị sốt rét)
– cỏ St. John’s (cây cỏ điều trị trầm cảm).
Bệnh nhân cần báo cho bác sĩ biết nếu đang dùng lamotrigine (thuốc điều trị động kinh) hoặc penems (kháng sinh điều trị nhiễm trùng). Đặc biệt đối với trẻ em dưới 3 tuổi, cần tránh dùng các thuốc có chứa aspirin trong thời gian điều trị. Bệnh nhân báo cho bác sĩ biết tất cả các thuốc đang dùng hoặc mới vừa dùng, kể cả những thuốc không cần kê đơn.
Dùng chung với thức ăn và thức uống: Không được dùng các thức uống có chứa cồn trong thời gian điều trị.
Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú
Không sử dụng thuốc chứa valproat ở bé gái, trẻ vị thành niên nữ, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và phụ nữ có thai trừ khi các biện pháp điều trị khác không hiệu quả hoặc bệnh nhân không dung nạp. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần phải sử dụng các biện pháp tránh thai có hiệu quả trong suốt quá trình điều trị. Ở phụ nữ có kế hoạch mang thai, cần cố gắng chuyển sang các biện pháp điều trị khác thay thế trước khi thụ thai, nếu có thể.
Nguy cơ liên quan đến việc phơi nhiễm với valproat trong thai kỳ: Việc sử dụng valproat dưới dạng đơn trị liệu hoặc đa trị liệu đều có liên quan đến một số bất thường trong thai kỳ. Các dữ liệu hiện có cho thấy nguy cơ dị dạng bẩm sinh khi sử dụng phác đồ đa trị liệu trong đó có thuốc chứa valproat lớn hơn so với đơn trị liệu bằng valproat.
Dị dạng bẩm sinh: Các dữ liệu thu được từ một nghiên cứu gộp (bao gồm từ nguồn dữ liệu hồ sơ bệnh án và từ các nghiên cứu thuần tập) đã chỉ ra rằng 10,73% số trẻ có mẹ mắc bệnh động kinh sử dụng valproat đơn trị liệu trong thai kỳ bị dị dạng bẩm sinh (khoảng tin cậy 95%: 8,16-13,29). Nguy cơ bị dị tật nặng lớn hơn so với quần thể bình thường (với tỉ lệ dị tật chỉ chiếm từ 2-3%). Nguy cơ này phụ thuộc liều nhưng liều dưới ngưỡng vẫn chưa chứng minh được là không gây hại. Các dữ liệu hiện có cho thấy có sự tăng tỷ lệ dị tật thai nhi cả nhẹ và nặng. Loại dị dạng thường gặp nhất là dị tật ống thần kinh (khoảng 2-3%), biến dạng mặt, hở hàm ếch, hẹp hộp sọ, dị tật tim mạch, thận và niệu sinh dục, dị tật ở chi (bao gồm bất sản xương quay hai bên) và đa dị dạng nhiều hệ cơ quan khác trên cơ thể.
Rối loạn phát triển: Dữ liệu hiện có cho thấy việc phơi nhiễm với valproat có thể dẫn tới tác dụng bất lợi lên sự phát triển tâm thần và thể chất của trẻ bị phơi nhiễm. Nguy cơ này phụ thuộc liều nhưng liều dưới ngưỡng vẫn không loại trừ được nguy cơ. Khoảng thời gian chính xác trong thai kỳ bị ảnh hưởng bởi nguy cơ này vẫn còn chưa được xác định chắc chắn và khả năng nguy cơ xảy ra trong suốt thai kỳ không thể loại trừ.
Các nghiên cứu trên trẻ ở độ tuổi mẫu giáo từng bị phơi nhiễm valproat trong tử cung người mẹ khi mang thai đã chỉ ra rằng 30-40% số trẻ bị chậm phát triển trong thời kỳ đầu như chậm nói và chậm biết đi, khả năng nhận thức chậm, khả năng ngôn ngữ (đọc và hiểu) nghèo nàn và có vấn đề về trí nhớ. Chỉ số thông minh IQ được đo trên đối tượng trẻ em ở độ tuổi đi học (6 tuổi) đã từng bị phơi nhiễm valproat khi người mẹ mang thai thấp hơn trung bình 7-10 điểm so với nhóm trẻ từng bị phơi nhiễm với các thuốc chống động kinh khác. Mặc dù không thể loại trừ được vai trò của các yếu tố gây nhiễu, nhưng dữ liệu trên hiện có đã chỉ ra rằng nguy cơ giảm sút về mặt trí tuệ ở trẻ có thể độc lập với IQ của người mẹ. Dữ liệu đối với hậu quả lâu dài hiện còn hạn chế.
Các dữ liệu hiện có chỉ ra rằng trẻ phơi nhiễm valproat trong tử cung người mẹ khi mang thai có nguy cơ gây tự kỹ tăng khoảng 3 lần và tự kỹ thời thiếu niên tăng khoảng 5 lần so với quần thể thông thường.
Dữ liệu cho thấy trẻ em phơi nhiễm valproat trong tử cung người mẹ khi mang thai có nhiều khả năng mắc các triệu chứng của chứng rối loạn tăng động giảm tập trung (ADHD) còn hạn chế.
Bé gái, trẻ vị thành niên và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (xem phần trên và Cảnh báo):
Nếu phụ nữ có kế hoạch mang thai:
· Trong thời kỳ mang thai, cơn co giật – giật rung và trạng thái động kinh kèm theo thiếu oxy ở người mẹ có thể dẫn tới nguy cơ tử vong cho cả mẹ và thai nhi.
· Nếu phụ nữ có kế hoạch mang thai hoặc đang mang thai, việc điều trị bằng valproat nên được đánh giá lại.
· Đối với bệnh nhân nữ có kế hoạch mang thai, cần chuyển sang các biện pháp điều trị khác thay thế trước khi thụ thai, nếu có thể.
Việc điều trị bằng valproat không nên ngừng lại khi chưa được đánh giá lại lợi ích và nguy cơ bởi bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị bệnh động kinh hoặc rối loạn tâm thần lưỡng cực. Trong trường hợp cân bằng lợi ích – nguy cơ của việc sử dụng valproat trong thai kỳ đã được đánh giá cẩn thận và việc điều trị bằng valproate có thể tiếp tục, cần lưu ý các khuyến cáo sau:
· Sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả và chia liều hàng ngày của valproat thành vài liều nhỏ hơn và uống nhiều lần trong ngày. Ưu tiên sử dụng dạng bào chế giải phóng kéo dài hơn so với dạng bào chế khác nhằm mục đích tránh nồng độ đỉnh cao trong huyết tương.
· Việc bổ sung folat trước khi mang thai có thể làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh thường xảy ra trong thai kỳ. Tuy nhiên, các dữ liệu hiện có không cho thấy việc này có thể ngăn ngừa dị tật hoặc dị dạng bẩm sinh khi phơi nhiễm với valproat.
· Cần bắt đầu giám sát trước sinh để phát hiện sự xuất hiện dị tật ống thần kinh hoặc các dị dạng khác.
Nguy cơ đối với trẻ sơ sinh
· Các trường hợp xảy ra hội chứng xuất huyết rất hiếm gặp trên trẻ sơ sinh có mẹ đã từng sử dụng valproate trong thai kỳ. Hội chứng xuất huyết này liên quan đến sự thiếu hụt tiểu cầu, thiếu fibrinogen trong máu và/hoặc liên quan đến việc giảm các yếu tố đông máu khác. Tình trạng máu không có fibrinogen cũng đã được báo cáo và có thể gây nguy hiểm tính mạng. Tuy nhiên, triệu chứng này cần phải được phân biệt với sự thiếu hụt vitamin K gây ra bởi phenobarbital và các chất gây cảm ứng enzym. Do đó, cần tiến hành các xét nghiệm huyết học như việc đếm số lượng tiểu cầu, đo nồng độ fibrinogen huyết thanh, các xét nghiệm đông máu và các yếu tố đông máu khác trên trẻ sơ sinh.
· Các trường hợp hạ đường huyết đã được báo cáo trên trẻ sơ sinh có mẹ từng sử dụng valproat trong ba tháng cuối của thai kỳ.
· Các trường hợp thiểu năng tuyến giáp cũng đã được báo cáo trên trẻ sơ sinh có mẹ từng sử dụng valproate khi mang thai.
· Hội chứng cai thuốc (như kích động, vật vã, kích thích quá mức, lo sợ, tăng động, rối loạn trương lực cơ, run cơ, co giật và rối loạn ăn uống) có thể xảy ra trên trẻ sơ sinh có mẹ từng sử dụng valproat trong ba tháng cuối của thai kỳ.
Phụ nữ cho con bú: Valproat được bài tiết vào sữa mẹ với nồng độ từ 1%-10% so với nồng độ trong huyết tương của người mẹ. Các rối loạn về máu cũng đã được báo cáo trên trẻ có mẹ đang điều trị bằng valproat (xem Tác dụng ngoại ý). Quyết định ngừng cho trẻ bú mẹ hay ngừng điều trị bằng valproat cần được cân nhắc dựa trên lợi ích của việc bú sữa mẹ của trẻ và lợi ích của việc điều trị cho người mẹ.
Khả năng sinh sản: Mất kinh nguyệt, buồng trứng đa nang và tăng nồng độ testosteron trong máu ở phụ nữ sử dụng valproat đã được báo cáo. Sử dụng valproat có thể dẫn đến suy giảm khả năng sinh sản ở nam giới (đặc biệt là, sự di chuyển của tinh trùng bị giảm). Tình trạng rối loạn chức năng sinh sản này có thể hồi phục sau khi ngừng điều trị bằng valproat.
Trong bất kỳ trường hợp nào, không bao giờ được ngưng điều trị động kinh mà không được sự cho phép của bác sĩ.
Ảnh hưởng của thuốc tới khả năng lái xe và vận hành máy móc
Thuốc này có thể gây ra buồn ngủ, nhất là khi dùng chung với các thuốc chống động kinh khác hoặc các thuốc có thể làm tăng buồn ngủ.
Nếu đã từng gặp tác dụng này hoặc bệnh không được kiểm soát tốt và tiếp tục có những cơn động kinh, thì không được lái xe hay vận hành các máy móc.
Quá liều và cách xử trí
Nếu uống nhầm nhiều hơn số viên thuốc cần thiết, thông báo ngay cho bác sĩ hay một khoa cấp cứu. Biểu hiện lâm sàng ngộ độc cấp tính do quá liều thuốc thường là hôn mê yên lặng, có thể hôn mê sâu từ ít đến nhiều, kèm theo giảm trương lực cơ, giảm phản xạ, co đồng tử, giảm hô hấp tự động và nhiễm toan chuyển hóa.
Một vài trường hợp tăng áp lực nội sọ liên quan đến phù não đã được mô tả. Các trường hợp ngộ độc như thế nói chung có tiên lượng thuận lợi; tuy nhiên, một vài trường hợp tử vong đã được báo cáo.
Các biện pháp cần làm trong bệnh viện là làm trống dạ dày nếu cần, duy trì bài niệu hiệu quả, và theo dõi chức năng hô hấp – tim mạch. Trong các trường hợp rất nghiêm trọng, nếu cần có thể thực hiện lọc máu ngoài thận.
Hạn dùng và bảo quản Depakine Chrono 500mg
Bảo quản thuốc ở nhiệt độ không quá 30oC và tránh ẩm.
Không vất bỏ thuốc vào nước thải hoặc thùng rác gia đình. Hãy hỏi dược sĩ cách hủy bỏ những thuốc không dùng nữa này. Điều này sẽ giúp bảo vệ môi trường.
Hạn dùng 36 tháng kể từ ngày sản xuất
Nguồn gốc, xuất xứ Depakine Chrono 500mg
Sanofi Winthrop Industrie
1, rue de la Vierge, Ambares et Lagrave B3565 Carbon Blanc cedex, Pháp
NGÀY DUYỆT NỘI DUNG TOA THUỐC: 12/2016
Dược lực học
Thuốc chống động kinh (phân loại ATC: N03AG01)
Valproat gây ra các tác động dược lý chủ yếu trên hệ thần kinh trung ương.
Các tác động chống co giật được sử dụng để điều trị các thể co giật ở động vật và bệnh động kinh ở người.
Các nghiên cứu lâm sàng và thực nghiệm trên valproat đưa ra giả thuyết về 2 loại tác động chống co giật. Tác động thứ nhất là tác động dược lý trực tiếp liên quan đến nồng độ valproat trong huyết tương và trong não.
Tác động thứ hai tỏ ra là tác động gián tiếp và có lẽ liên quan đến các chất chuyển hoá của valproat còn tồn tại trong não hoặc với các thay đổi chất dẫn truyền thần kinh hoặc các tác động trực tiếp lên màng tế bào. Giả thiết được chấp nhận rộng rãi nhất là giả thuyết về acid gamma-aminobutyric (GABA), và nồng độ chất này tăng lên theo sau việc sử dụng valproat. Valproat làm giảm thời gian các pha trung gian của giấc ngủ, đồng thời làm tăng giấc ngủ chậm.
Dược động học
Các nghiên cứu dược động học khác nhau về valproat cho thấy như sau:
– Tính khả dụng sinh học của valproat, sau khi uống, đạt gần 100%.
– Thể tích phân bố thuốc chủ yếu vào trong máu và nhanh chóng trao đổi với dịch ngoài tế bào. Valproat cũng phân bố vào dịch não tủy và vào não; nồng độ của valproate trong dịch não tủy có liên quan mật thiết với nồng độ của thuốc tự do trong huyết thanh.
– Thời gian bán hủy là 15-17 giờ.
– Thông thường nồng độ tối thiểu trong huyết thanh cần để đạt hiệu quả điều trị là 40-50 mg/l, với biên độ trong khoảng 40 và 100 mg/l. Nếu cần thiết phải đạt nồng độ này cao, cần cân nhắc giữa các lợi ích mong đợi với nguy cơ xảy ra các tác dụng ngoại ý, nhất là các tác dụng ngoại ý phụ thuộc liều dùng. Tuy nhiên, những nồng độ duy trì cao hơn 150 mg/l đòi hỏi phải giảm liều.
– Nồng độ ổn định trong huyết tương đạt được trong vòng 3-4 ngày.
– Valproat gắn kết mạnh với protein huyết tương. Việc gắn kết với protein phụ thuộc liều dùng và mức bão hoà.
– Valproat được bài tiết chủ yếu qua nước tiểu sau khi chuyển hóa bằng cách liên hợp glucuronide và bêta-oxy hoá.
– Valproat có thể được thẩm tách, nhưng thẩm tách máu chỉ ảnh hưởng lên phần tự do của valproat (khoảng 10%).
Tương phản với các thuốc chống động kinh khác, valproat không gây cảm ứng với các men thuộc hệ thống chuyển hoá cytochrome P450, do đó thuốc này không làm thúc đẩy sự chuyển hoá phân cắt chính nó, hoặc của các chất thuốc khác như là estrogen, progestogen và các thuốc chống đông máu dạng uống.
So sánh với dạng kháng acid dạ dày của natri valproat, dạng phóng thích kéo dài với liều tương đương có các đặc điểm:
– không có thời gian hấp thu tiềm ẩn,
– hấp thu kéo dài,
– khả dụng sinh học như nhau,
– nồng độ thuốc tự do và nồng độ đỉnh trong huyết tương cũng thấp hơn (Cmax giảm khoảng 25% nhưng có mức độ cao tương đối ổn định từ giờ thứ 4 đến giờ thứ 14 sau uống thuốc), việc làm mất đỉnh nhọn của nồng độ tối đa trong huyết tương giúp đạt được một nồng độ acid valproic ổn định và phân bố đều hơn trong suốt 24 giờ: sau khi dùng 2 lần/ngày cùng một liều đã cho, mức thay đổi của các nồng độ trong huyết tương giảm đi một nửa.
– mối tương quan giữa liều dùng và nồng độ thuốc (tổng nồng độ và nồng độ tự do) trong huyết tương tuyến tính hơn.
Chưa có đánh giá nào.